Những mục tiêu mà chương trình PISA hướng đến
PISA không dựa trên chương trình giáo dục của một quốc gia nào mà xây dựng trên khung đánh giá năng lực của học sinh tuổi 15 theo một thang đo riêng.

Học sinh tham gia đánh giá PISA.
PISA là chữ viết tắt của cụm từ tiếng Anh “Programme for International Student Assessment - Chương trình đánh giá học sinh quốc tế” do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) thực hiện.
Sự phát triển của PISA bắt nguồn từ câu hỏi: “Điều gì quan trọng mà công dân cần biết và có thể làm?”.
Mục tiêu của PISA là tạo ra các chỉ số đáng tin cậy, chất lượng cao về kết quả của hệ thống giáo dục, có thể so sánh giữa các quốc gia, nền kinh tế để thúc đẩy cải thiện và đổi mới.
PISA đánh giá học sinh 15 tuổi đang học tại trường ở lớp 7 trở lên, đây là một khảo sát theo độ tuổi chứ không phải theo lớp. Vì PISA nhắm đến học sinh đang hoặc sắp kết thúc giáo dục bắt buộc ở nhiều quốc gia nên chương trình này cho biết mức độ sẵn sàng của học sinh đối với những thách thức hàng ngày của cuộc sống trưởng thành trong xã hội hiện đại.
PISA tập trung vào việc đánh giá năng lực của học sinh ở ba lĩnh vực: Toán học, Khoa học và Đọc hiểu với chu kỳ ba năm một lần.
Mặc dù PISA đánh giá học sinh ở ba lĩnh vực trên, tuy nhiên ở mỗi chu kỳ PISA tập trung hơn vào một lĩnh vực chính theo dạng quay vòng để từ đó phân tích dữ liệu các chu kỳ theo nhiều hướng khác nhau và so sánh đánh giá chuyên sâu sau 9 năm.
PISA không chỉ kiểm tra kiến thức thu được tại trường học mà còn xem xét năng lực phổ thông thực tế của học sinh.
Bài khảo sát PISA không chỉ đánh giá việc tái hiện kiến thức mà còn đánh giá khả năng học sinh vận dụng kiến thức và kỹ năng từ những vấn đề đã học áp dụng vào các tình huống thực tiễn.
PISA không dựa trên chương trình giáo dục của một quốc gia nào mà xây dựng trên khung đánh giá năng lực của học sinh tuổi 15 theo một thang đo riêng, học sinh phải đạt được các yêu cầu năng lực đó mới bảo đảm có đủ khả năng để học tiếp chương trình cao hơn hoặc bước vào cuộc sống.
Mục tiêu tổng quát của PISA là đánh giá mức độ chuẩn bị để đáp ứng các thách thức về cuộc sống sau này của học sinh khi đến độ tuổi hoàn thành giai đoạn giáo dục bắt buộc.
Mục tiêu cụ thể của PISA bao gồm: Đánh giá các mức độ năng lực đạt được ở các lĩnh vực Đọc hiểu, Toán học, Khoa học của học sinh ở độ tuổi 15;
Nghiên cứu ảnh hưởng của các chính sách đến kết quả học tập của học sinh của mỗi quốc gia;
Nghiên cứu hệ thống các điều kiện giảng dạy - học tập có ảnh hưởng đến kết quả học tập của học sinh ở các quốc gia;
So sánh kết quả giáo dục của các nước tham gia PISA;
Xây dựng hệ thống dữ liệu quốc gia và quốc tế;
Hỗ trợ các quốc gia thấy được sự phát triển giáo dục của quốc gia mình qua các chu kỳ đánh giá.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nhung-muc-tieu-ma-chuong-trinh-pisa-huong-den-post726028.html