Những nét văn hóa độc đáo trong Lễ cưới của người Dao Tuyển
Lễ cưới của người Dao Tuyển có nhiều nghi lễ, như lễ so tuổi, dạm ngõ, ăn hỏi, thách cưới và lễ cưới... luôn mang đậm những nét văn hóa độc đáo và riêng biệt.
Trong Lễ so tuổi (nai meng), bố chàng trai sang nhà gái xin họ tên, ngày tháng năm sinh của cô gái nhờ thầy xem sách so tuổi Hợp hôn thư (Hợp vẳn thủy). Nguyên tắc xem tuổi hợp hôn dựa theo âm dương ngũ hành (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ). Tiếp theo là lễ dạm ngõ.
Lễ dạm ngõ (ẳn pêu): Nhà trai mời một người có tài ăn nói cùng bố chàng trai sang nhà gái đặt vấn đề dạm ngõ. Khi đến nhà gái, người nhà trai đặt 2 đồng tiền kẽm (đồng tiền xu âm dương có lỗ vuông ở giữa) lên một cái đĩa và đưa cho bố cô gái, bố của chàng trai trình bày mong muốn được xin con gái về làm con dâu nhà mình. Nhà gái hẹn ngày trả lời sau vì họ cần bàn bạc với mọi người trong dòng họ, hỏi ý kiến của cô gái xem cô có đồng ý hay không trước khi trả lời. Khi nhà gái đồng ý gả cô gái cho chàng trai, nhà trai tiến hành lễ ăn hỏi.
Lễ ăn hỏi (sắt va) diễn ra tại nhà gái, trong nghi lễ này cả hai gia đình mời người ngoài dòng họ đến để làm chứng cho sự thống nhất với nhau về hình thức tổ chức lễ cưới, lễ vật cưới và thời gian ngày cưới. Nhà trai chuẩn bị đầy đủ lễ vật ăn hỏi gồm có: một đôi gà trống mái lông màu đỏ, một chai rượu, sáu đồng tiền kẽm (biểu tượng của lục hợp) cùng 2 hào bạc trắng gói trong giấy hồng điều có ghi ngày tháng tổ chức lễ cưới. Sau lễ ăn hỏi, cả hai bên nhà và nhà gái cùng nhất trí lễ cưới khi đó nhà trai trao cho nhà gái hai đồng bạc trắng làm tin.
Nhà gái đồng ý gả con gái cho nhà trai, họ trao cho nhà trai hai chiếc vòng bạc đeo tay có ý nghĩa chính thức từ nay đôi nam nữ được tự do tìm hiểu. Trước ngày cưới chính thức một tháng, nhà trai cử người đưa bức hồng thư cho nhà gái trong đó ghi rõ ngày tháng chính thức tổ chức lễ cưới.
Lễ cưới (Ay con): Đoàn đón dâu bao gồm chín người với chín vị trí, nhiệm vụ khác nhau, chuẩn bị đồ “hồng lễ” mang sang bên nhà gái, bao gồm: 12 gói trầu không (6 gói bằng lá dong, 6 gói bằng giấy đỏ) mỗi gói buộc thêm 2 đồng tiền kẽm; 12 gói muối; 12 đôi quả cau xanh, 12 đôi lá trầu, 12 đôi tiền kẽm, 12 đôi lá trầu quyệt vôi, cuống lá gấp vuông, bình lạy éng, 1 chiếc quạt hoa, 1 cái cân, 2 hào bạc trắng.
Ông Trưởng phán (trưởng đoàn đón dâu) và ông Bù lạy (người quản lý lễ vật) làm phép thu vía của mọi người trong đoàn đón dâu vào trong ô của các ông. Chiếc ô được giữ cẩn thận bên nách của ông Trưởng phán, tránh không để vía lạc mất trên đường đi đến nhà gái.
Đám cưới người Dao Tuyển diễn ra tại nhà gái cũng như nhà trai có rất nhiều nghi lễ như: Nghi lễ nghỉ nhà trọ (mùng tóng); Hát vượt cửa ải 1 và 2; Hát Vượt ải Thành Hoàng; Nghi lễ trình hồng thư; Nghi lễ hồng lạy; Lễ bản mệnh; Qua ải bố mẹ; Nghi lễ hợp duyên; Nghi lễ chao kiêng; Nghi lễ bái đường... Trong đó nghi lễ bái đường của đôi vợ chồng trẻ đặc sắc và hấp dẫn bởi nghi lễ này diễn ra ở hai bên nhà gái và nhà trai. Đây là nghi lễ cô dâu, chú rể cùng cúi lạy tổ tiên, cầu mong tổ tiên chấp nhận và phù hộ cho 2 người. Sau lễ này, phù rể mang một khay đựng 6 chén rượu ra mời mọi người cùng uống và mừng tặng phẩm cho cô dâu chú rể.
Lễ bái đường tại nhà trai: Đoàn đón và đưa dâu về nhà trai, trưởng đoàn xếp thành hàng một đi qua trước bàn thờ tổ tiên theo chiều ngược với kim đồng hồ, sau đó những người là nam giới trong đoàn đón dâu cùng vái lạy, cảm ơn tổ tiên đã phù hộ cho đoàn đi được an toàn. Ông trưởng đoàn làm lễ trao tờ bản mệnh của cô dâu cho ông thầy nhà trai làm lễ khấn tổ tiên, sau đó đưa tờ bản mệnh cho bố chồng cất.
Sau nghi lễ bái đường, nhà trai và nhà gái cùng nhau hát đối đáp mừng cho nhà trai đã tìm được con dâu hiền, nhà gái kiếm được con rể thảo.
Lời hát trong ngày vui, ngày hạnh phúc của đôi vợ chồng son toàn lời hay ý đẹp:
“Việc cưới hai nhà trời đã định; Kinh động linh phi tả hữu triều; Mây hồng Bắc; Đẩu mở đường trăng; Tuần hồng chiếu rọi ánh dương quang; Bù đắp âm dương như một ý; Rồng ngâm hổ dác nghe một lòng; Giếng nam sông mê trời Bắc gửi; Giao tay mãi mãi theo đường trăng; Đánh chuông khua tiếng mọi người biết... Trời đất khai mở đám cưới này; Họ hàng thần thánh trình diện ông; Hoa đường tý ngọ đều thông hợp; Dâu rể họ hàng cùng thuận hòa; Hai bên cha mẹ (thông gia) ca xướng hợp; Hòa khí mây đằng đến lúc vui; Từ cổ bầy ra đường lục hợp (nhân duyên); Dâu rể vinh hoa thảy tốt tươi”.
Thông qua lễ cưới phản ánh bản sắc văn hóa, giá trị văn hóa, lịch sử của người Dao Tuyển, đồng thời người Dao Tuyển bảo tồn và phát huy lễ cưới trong cộng đồng, tích cực trao truyền phổ biến cho thế hệ trẻ cùng chung tay xây dựng, bảo vệ di sản văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình.