Những ngành học có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất
Dù tốt nghiệp ngành học được cho là 'hot', sinh viên những ngành này vẫn gặp khó khăn khi tìm việc trong thời gian mới ra trường.

Nhiều ngành học tại Mỹ ghi nhận tỷ lệ thất nghiệp cao. Ảnh: Phương Lâm.
Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York mới đây đã phân tích tỷ lệ thất nghiệp của những sinh viên mới tốt nghiệp đại học (22-27 tuổi) theo từng ngành học. Kết quả cho thấy nhiều sinh viên Mỹ mới tốt nghiệp đại học đang đối mặt với nguy cơ thất nghiệp cao, đặc biệt trong các lĩnh vực nhân học, vật lý, kỹ thuật máy tính và nghệ thuật.
Trong số 73 ngành học được phân tích, sinh viên ngành Nhân học có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất, lên đến 9,4%. Tiếp đó là ngành Vật lý với tỷ lệ thất nghiệp 7,8%, Kỹ thuật máy tính (7,5%), Thiết kế đồ họa và Mỹ thuật thương mại (7,2%), Mỹ thuật (7%).
Các ngành như Xã hội học, Hóa học, Khoa học máy tính, Chính sách công, Khoa học nhân văn hay Kinh tế học cũng ghi nhận tỷ lệ thất nghiệp cao hơn mức trung bình.
Sinh viên IT cũng khó tìm việc
Dù có tỷ lệ thất nghiệp cao, sinh viên tốt nghiệp ngành Kỹ thuật máy tính và Khoa học máy tính lại thường tìm được việc đúng với chuyên môn đào tạo và nhận mức lương hấp dẫn.
Theo báo cáo, sinh viên mới ra trường thuộc 2 ngành này có mức lương khoảng 80.000 USD. Với người làm việc lâu năm, mức lương trung bình thậm chí vượt ngưỡng 100.000 USD.
Ông Daniel Zhao, chuyên gia kinh tế tại nền tảng tuyển dụng Glassdoor, nhận định các ngành công nghệ vẫn hấp dẫn bất chấp tỷ lệ thất nghiệp ban đầu, do tiềm năng thu nhập lớn về lâu dài.
“Dù tỷ lệ thất nghiệp cao, điều này vẫn cho thấy sinh viên ngành công nghệ đang chủ động chờ đợi cơ hội việc làm đúng chuyên môn, vì họ biết giá trị lâu dài của ngành này”, ông Zhao lý giải.
Ông Jaison Abel, Trưởng bộ phận kinh tế vi mô của Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York, nói với Insider rằng sau thời kỳ bùng nổ tuyển dụng hậu đại dịch, lĩnh vực công nghệ đã chững lại từ giữa năm 2022, kéo dài sang năm 2023. Đây là lý do khiến các ngành như Vật lý, Kỹ thuật máy tính và Khoa học máy tính - vốn thường cung cấp nhân lực cho ngành công nghệ - lại có tỷ lệ thất nghiệp cao hơn mức trung bình.
Đối với các ngành khoa học, triển vọng việc làm có nhiều khác biệt. Trong khi Vật lý và Hóa học có tỷ lệ thất nghiệp cao, ngành Khoa học Trái đất lại có tỷ lệ rất thấp, chỉ thất nghiệp khoảng 1,5%. Sinh học cũng ghi nhận tỷ lệ thất nghiệp dưới mức trung bình, khoảng 3%.
Ông Zhao lưu ý rằng các ngành khoa học cơ bản thường có cơ hội việc làm ít hơn so với kỹ thuật, và phần lớn phụ thuộc vào ngân sách nghiên cứu từ chính phủ liên bang. Dù số liệu tập trung vào năm 2023, ông cảnh báo xu hướng này có thể tiếp tục ảnh hưởng trong tương lai, đặc biệt trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Trump đã cắt giảm ngân sách cho nghiên cứu khoa học.

Học các ngành liên quan công nghệ thông tin, máy tính vẫn có nguy cơ thất nghiệp sau khi ra trường. Ảnh: Pexels.
Sinh viên mới tốt nghiệp vẫn khó tìm việc
Từ sau thời kỳ hậu đại dịch, thị trường việc làm tại Mỹ đã chững lại rõ rệt. Số lượng việc làm trống trên mỗi người thất nghiệp giảm mạnh. Tính đến tháng 3/2024, tỷ lệ thất nghiệp của nhóm sinh viên mới tốt nghiệp đại học đã tăng lên 5,8%, cao hơn mức trung bình của lực lượng lao động nói chung.
“Khó mà nói được ngành nào sẽ ảnh hưởng thế nào trong giai đoạn này. Khi thị trường chững lại, ít tuyển dụng, đương nhiên sinh viên mới ra trường sẽ chịu ảnh hưởng rõ rệt nhất", ông Abel dự đoán.
Tương tự, chuyên gia kinh tế tại nền tảng tuyển dụng Glassdoor cũng cho biết ngành công nghệ vẫn đang trầm lắng, đặc biệt với nhân sự mới. Nhiều công ty công nghệ đã giảm tốc độ tuyển dụng, thậm chí cắt giảm nhân sự.
Tại nền tảng Indeed, số lượng tin tuyển dụng trong lĩnh vực phát triển phần mềm có dấu hiệu phục hồi, nhưng vẫn chưa thể trở lại mức đỉnh năm 2022 hay thậm chí tháng 2/2020 - thời điểm trước đại dịch. Tình trạng tương tự cũng xảy ra với các công việc trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển khoa học.
Theo đó, ông Daniel Zhao khuyến nghị sinh viên mới ra trường nên chủ động tận dụng các mối quan hệ cá nhân như cựu sinh viên, gia đình, đồng thời nghiên cứu kỹ các nhà tuyển dụng vẫn đang có nhu cầu.
“Công việc ở cấp độ mới vào nghề thường yêu cầu kỹ năng chung, có thể ứng dụng ở nhiều ngành nghề khác nhau. Điều này mang lại sự linh hoạt cho sinh viên mới tốt nghiệp khi lựa chọn con đường sự nghiệp", ông Zhao nói thêm.