Gỡ khó dạy học tiếng Anh tăng cường theo Luật đấu thầu mới
Từ năm học 2025 - 2026, việc triển khai dạy học các chương trình tiếng Anh tăng cường ở Nghệ An sẽ được thực hiện theo Luật Đấu thầu 2024. Điều này góp phần nâng cao chất lượng dạy học, tuy nhiên cũng khiến các nhà trường lúng túng trong thực hiện.

Từ năm học 2025 - 2026, việc triển khai dạy học các chương trình tiếng Anh tăng cường ở Nghệ An sẽ được thực hiện theo Luật Đấu thầu 2024. Ảnh minh họa: Bích Huệ/TTXVN
Mở rộng các lớp tăng cường
Gia đình chị Lê Thu Thủy, phường Thành Vinh vừa hoàn thành thủ tục nhập học vào lớp 6 cho con ở Trường Trung học cơ sở Hưng Bình và hài lòng khi biết con được xếp vào học lớp Tiếng Anh tăng cường. Chị Thủy cho biết: “Học lớp Tiếng Anh tăng cường, cháu sẽ có điều kiện để trang bị thêm kỹ năng Tiếng Anh và các kỹ năng khác mà vẫn đảm bảo có môi trường học tập tốt”.
Trường Trung học cơ sở Hưng Bình năm nay tuyển sinh 8 lớp, ngoài 1 lớp năng lực tuyển sinh theo kết quả kiểm tra cuối năm lớp 5 còn có 2 lớp Tiếng Anh tăng cường và 1 lớp Stem. Theo lãnh đạo nhà trường, dù chỉ tiêu các lớp tăng cường chỉ có 92 em nhưng sau khi công bố danh sách, có khá nhiều phụ huynh có nguyện vọng xin cho con vào học. Trước đó, theo thông báo tuyển sinh, để vào lớp Tiếng Anh tăng cường, học sinh cần có một trong các chứng chỉ Tiếng Anh quốc tế như Mover, Flyer, KET, có điểm kiểm tra cuối năm lớp 5 đạt các kết quả cao hoặc có các giấy khen, chứng nhận giao lưu do ngành Giáo dục tổ chức.
Cô giáo Lê Thu Yến, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Hưng Bình cho biết: Việc học Tiếng Anh là xu thế hiện nay và nhiều phụ huynh muốn được đầu tư để các con nâng cao kỹ năng sử dụng Tiếng Anh. Hơn nữa, ở các lớp tăng cường, do chất lượng đầu vào khá đồng đều nên phụ huynh tin rằng môi trường tốt sẽ giúp các con phát triển toàn diện, kể cả môn văn hóa.
Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo, đến hết năm học 2024 - 2025, có 35 trung tâm ngoại ngữ đã được thẩm định và tham gia dạy học Tiếng Anh tăng cường tại các cơ sở giáo dục với 2.574 lớp và 67.875 học sinh ở các bậc học tham gia. Ông Nguyễn Mạnh Hà, Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An thông tin: “Hiện nay, chương trình dạy học Tiếng Anh tăng cường đã từng bước đi vào nề nếp, quy củ. Bên cạnh đó, do nhiều trường đại học vẫn tuyển sinh dựa trên kết quả chứng chỉ năng lực ngoại ngữ quốc tế nên đây là động lực để học sinh học tiếng Anh nói chung và thi chứng chỉ quốc tế nói riêng ngày càng phát triển và có nhiều chuyển biến tích cực”.
Gỡ khó để thực hiện theo Luật Đấu thầu mới
Để triển khai dạy học tiếng Anh tăng cường, trước đó, ngoài các văn bản quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo đã có Công văn số 2288/SGDĐT-CTTT-GDTX ngày 25/9/2023 để các trường lựa chọn được các trung tâm ngoại ngữ liên kết có chất lượng. Cụ thể, từ nhu cầu thực tế, các nhà trường sẽ ra thông báo tuyển chọn các trung tâm ngoại ngữ liên kết dạy học và sẽ chấm điểm công khai để lựa chọn các đơn vị phù hợp. Các đơn vị tham gia liên kết phải có những yêu cầu tối thiểu như đã được Sở thẩm định, có đủ hồ sơ pháp lý, hồ sơ năng lực của đội ngũ giáo viên, hồ sơ chứng minh kinh nghiệm của trung tâm. Khóa học trực tuyến tốt nhất
Tuy nhiên, từ ngày 15/1/2025, thực hiện theo Luật Đấu thầu 2024 và Nghị quyết số 22/2024/NQ - HĐND (ngày 6/12/2024) Quy định thẩm quyền quyết định quản lý, sử dụng tài sản công, thẩm quyền quyết định việc mua sắm hàng hóa, dịch vụ thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Nghệ An, việc triển khai dạy học tiếng Anh tăng cường sẽ phải thực hiện thông qua hình thức đấu thầu.
Những thay đổi này dẫn đến những khó khăn, bởi đây là việc chưa có trong tiền lệ. Trong khi đó, việc dạy và học tiếng Anh tăng cường lại có những đặc thù riêng. Bày tỏ băn khoăn, ông Trần Đặng Thạch, Giám đốc Trung tâm Anh ngữ Sky line cho biết: Hiện nay, Chương trình tiếng Anh tăng cường áp dụng một khóa 3 năm với mầm non và 4 năm với bậc tiểu học, trung học cơ sở. Tuy nhiên, sẽ có trường hợp học sinh chỉ học 1 năm rồi không theo học nữa. Các đơn vị không biết phải thực hiện đấu thầu trong 1 hay 3 năm.
Liên quan đến thủ tục đấu thầu, đại diện các trung tâm Anh ngữ trên địa bàn tỉnh cũng cho biết: Để xây dựng một bộ hồ sơ dự thầu sẽ mất rất nhiều chi phí, trong khi nhà trường và đơn vị dự thầu đều không thể chi trả. Như vậy, số tiền này phụ huynh sẽ phải gánh và chi phí học tập sẽ lên cao. Vì vậy theo các trung tâm cần xây dựng được bộ tiêu chí đấu thầu phù hợp và lường trước những khó khăn mang tính đặc thù để sớm có giải pháp tháo gỡ.
Về phía các nhà trường, cô giáo Nguyễn Thanh Nga, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Hưng Dũng bày tỏ lo lắng: Trường đã 7 năm thực hiện chương trình Tiếng Anh tăng cường với hơn 1.000 học sinh tham gia và lâu nay đang liên kết với 2 trung tâm Anh ngữ. Khi việc lựa chọn chuyển sang hình thức đấu thầu, cần sớm có văn bản hướng dẫn để các nhà trường sớm thực hiện. Bên cạnh đó, do năng lực thẩm định thầu của các nhà trường có hạn nên các văn bản hướng dẫn phải đơn giản, dễ hiểu, bà Nga bày tỏ.
Đồng quan điểm, cô giáo Nguyễn Trường Giang, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Mao cho biết: Trường là đơn vị đầu tiên thực hiện mô hình tiên tiến và hiện có nhiều chương trình tăng cường như Tiếng Anh, Tin học, Stem. Nếu phải thực hiện đấu thầu sẽ rất khó cho nhà trường vì chưa đủ năng lực, kinh phí để triển khai. Trong khi đó, nếu kéo dài không triển khai được sẽ làm gián đoạn việc học của học sinh.
Liên quan tới những nội dung này, mới đây Sở Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức hội nghị để lắng nghe ý kiến từ các trung tâm, nhà trường và tìm giải pháp để năm học tới việc dạy học Tiếng Anh tăng cường được hiệu quả, không bị gián đoạn.
Bà Võ Thị Thanh Bình, Trưởng phòng Tài chính - Đầu tư giáo dục (Sở Giáo dục và Đào tạo) cho biết: Những khó khăn, vướng mắc là điều đã được dự đoán. Tuy nhiên, quan điểm của Sở là làm việc đúng luật, đảm bảo công khai, minh bạch giữa nhà trường - trung tâm - phụ huynh. Các thông tin được công khai trên mạng đấu thầu quốc gia. Đây cũng là cơ hội để các trung tâm quảng bá về chất lượng đào tạo. Thời gian tới, Sở sẽ sớm có các văn bản hướng dẫn để công tác đấu thầu được triển khai thuận lợi. Trong đó, trường học sẽ là chủ đầu tư và sẽ thuê các đơn vị tư vấn thực hiện. Trước mắt, các trường cần sớm xây dựng lộ trình, thống kê đầy đủ số học sinh tham gia, rà soát lại chương trình, đánh giá đầy đủ công tác dạy tiếng anh tăng cường của các trung tâm để xây dựng kế hoạch dạy học cho những năm tới.
Với mục đích nâng cao chất lượng dạy ngoại ngữ ở các nhà trường, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát các trung tâm; lắng nghe ý kiến từ phụ huynh, học sinh, giáo viên để có những chỉ đạo, điều chỉnh phù hợp.
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Khoa cũng cho biết: Quá trình triển khai, Sở yêu cầu các đơn vị cạnh tranh lành mạnh bằng chính chất lượng giáo dục, thực hiện đúng cam kết đối với phụ huynh, học sinh và các nhà trường đã được thương thảo qua hợp đồng ký kết. Sở cũng sẽ tiếp tục ban hành các văn bản để nâng cao hiệu quả công tác tổ chức, quản lý, không chỉ đạo can thiệp trong quá trình thực hiện. Cùng với đó, Sở giao các nhà trường chủ động trong việc lựa chọn đơn vị triển khai, thực hiện đúng các thủ tục, quy trình đấu thầu theo đúng các văn bản quy định.