Những ngày chẳng biết ăn gì, lại thèm... bún thịt nướng
Sợi bún tươi, nhỏ vừa quện một chút mỡ hành sền sệt thơm lừng khiến bún mềm, dễ ăn hơn. Nêm nếm thêm một chén nước mắm mặn ngọt, cay nồng ớt xay đã đủ làm cho món ăn trở nên bắt miệng lạ thường.
Nhiều khi không biết phải lót bụng buổi trưa thế nào, lại nhớ ngay tới bún thịt nướng.
Không chỉ thơm ngon, đầy đủ... chất béo và chất đạm, mà món ăn thân thương rất Sài Gòn: từ quán ăn khang trang, nhà hàng 3 sao... tới vỉa hè, lề đường, hẻm phố... đều có thể bắt gặp những mẩu thịt nướng xiên vỉ hòa với hương vị, làm giác quan ở sống mũi "bừng tỉnh".
Chẳng nhớ bún thịt nướng bắt nguồn từ đâu, chỉ biết rằng ở mỗi miền đất nước, bún thịt nướng lại giữ được cái dư vị đặc sắc riêng.
Như bún thịt nướng Đà Nẵng thì sử dụng nước dùng rất cầu kỳ, làm từ đậu tương đậu nành, vị thanh thanh, đặc sệt khác hẳn nước mắm mặn ngọt kiểu miền Nam thuần túy; càng khác xa vị nước mắm củ kiệu chua chua mặn ngọt cay nồng.
Mỗi nơi, món bún thịt nướng lại có những "phá cách" không trộn lẫn. Khi thì tô bún có kèm theo chả giò rế, chả giò tôm, chả giò chay...; khi thì ăn kèm thêm cây nem nướng.
Thành phần chính của món bún này tất nhiên là thịt nướng xiên, nhưng cũng có quán dùng thịt nướng miếng, sau đó cắt nhỏ... miễn sao thực khách ưa chuộng là được.
Thịt xiên thường là sự kết hợp giữa thịt nạc, thịt mỡ... trộn lẫn và xiên đều xen kẽ vào nhau. Khi nướng chín, thịt giòn nhưng không khô, chín nhưng không bị cháy khét, giữ được mùi thơm ngất ngây, càng giữ được đặc trưng của thịt xiên khi thịt mỡ giúp món ăn trở nên bóng bẩy, bắt mắt, lại không bị ngấy.
Những xiên thịt chất lượng nói lên được quán ăn đấy có "chuẩn" hay không, vì xiên thịt càng ngon, món bún thịt nướng càng trở nên khó quên, ăn hoài không chán.
Dĩ nhiên, để việc thưởng thức ẩm thực trở nên phong phú, bạn cũng nên ăn kèm chả giò chiên nóng hổi, giòn vừa đủ, giúp món bún "đắt tiền" và giàu dinh dưỡng hơn.
Thông thường, chả giò được cuốn bằng bánh tráng gạo, thành phần bao gồm cả tôm, thịt, nấm, củ sắn... nhưng dần dà, các hàng quán Sài Gòn đều tinh giản bớt thành phần của chả giò, thậm chí thay đổi cả vỏ ngoài bằng loại vỏ bò bía giúp chả giò vàng ươm, không bị nát.
Chung quy lại, với thực khách dễ tính, chỉ cần thanh chả giò giòn, thơm, vị vừa ăn là đã tuyệt lắm rồi.