Những ngày giáp hạt
BHG - Bất giác tôi sực nhớ câu thành ngữ “tháng ba ngày tám” giữa những ngày cuối Xuân sang Hè tràn đầy hương sắc, rạo rực lòng người. Sau Giêng hai là tháng Ba âm lịch, mặc dù năm nay nhuận tháng Hai. Thời tiết cấy trồng của các cụ ta từ xưa vẫn theo lịch âm. Hình như lớp trẻ hiện thời đã quên bẵng câu thành ngữ này. Họ có lí do để quên ý nghĩa của nó. Vì họ không có ký ức nhói lòng như cha mẹ, ông bà mình một thời chịu cảnh “tháng ba ngày tám” như vừa mới đây.
Đã biết câu thành ngữ này nói về những ngày giáp hạt. Theo cách làm nông nghiệp kiểu cũ, dịp tháng Ba là lúc lúa vụ trước đã hết mà vụ sau thì chưa tới kỳ thu hoạch. Tất nhiên cảnh thiếu đói, hay là nạn đói, thậm chí là giặc đói tràn lên hoành hành. Đại đa số nông dân, xưa nay chỉ trông vào hạt thóc, sống trong cảnh này và lặp đi lặp lại rất nhiều năm. Hết thóc gạo thì kiếm rau măng, ngô, khoai sắn độn chút gạo ăn, hoặc là ăn thay cơm. Không chỉ thời phong kiến xa xưa mà ngay thời bao cấp, chiến tranh rồi những thập niên đầu thời kỳ đổi mới, cảnh “tháng ba ngày tám” vẫn diễn ra dai dẳng. Chẳng còn nạn đói giết chết hàng triệu người như năm 1945 nữa nhưng nó cũng đủ làm thui chột nhiều ước mơ và tạo nên mảng ký ức buồn thương cho nhiều thế hệ.
Tôi cũng không dám chắc bây giờ ở đâu đó, nơi nghèo khó nhất của đất nước mình đã hết cảnh này? Nếu còn thì nó sẽ khác thời xưa. Trước đây vì không có điều kiện và cơ hội làm giàu nên mức sống chung nghèo đói là lẽ tất nhiên. Còn bây giờ thiếu đói là do đối tượng không nắm bắt được điều kiện và cơ hội tốt. Ngoài ra cá biệt họ là những người yếu thế và là đối tượng chính sách, xã hội.
Ngày ấy, mỗi lần viết sơ yếu lý lịch để làm gì đó, trong mục “hoàn cảnh gia đình” luôn ghi là “thiếu ăn khoảng ba tháng”. Có thể tính cả lúc giáp hạt tháng Bảy nũa. Chẳng nghĩ ngợi gì cả, khai báo hồn nhiên và máy móc vậy thôi. Thiếu đói như là lẽ tất nhiên, là một phần không thể thiếu trong cuộc đời. Có thể kể được ngàn lẻ một chuyện về chủ đề này. Đi mót có lẽ là chuyện phổ biến thời bấy giờ. Tất cả những thứ gì mà người ta hay muông thú đã thu hoạch, còn sót chút gì đó thì mình đi mót lại. Điều thú vị là nó diễn ra không phải một thảm cảnh hay là sự tủi hổ mà thực sự là niềm vui sống, vô tư. Tôi vẫn luôn tự hỏi: Điều gì làm cho người ta có thói quen chấp nhận cả những điều tồi tệ nhất trong cuộc sống của mình?
Ừ nhỉ, nếu một thời, giữa lúc “tháng ba ngày tám” kia, những ngô, khoai, sắn… từng là nỗi ám ảnh, thậm chí là sự hành xác vì phải ăn để sống, thì hiện tại nó lại là thứ đặc sản với nhiều người, nhất là ở thị thành. Ngô, khoai nướng, ngô bung đậu đen, ngô nếp nấu xôi, rồi sắn nướng sắn luộc… luôn là những món ngon thích thú và cả đắt đỏ nữa. Tính ra một cân khoai lang ngon như khoai Nhật chẳng hạn, luôn có giá cao hơn gạo ngon. Ngô nếp cũng thế và sắn nữa, nếu bán đúng chỗ, đúng người mua.
Thì ra, những thứ thay gạo nuôi sống người luôn được con người trân trọng, trân quí. Nhiều lần nhớ về thời nghèo đói tôi cứ ước hôm nào tự mình làm món bánh bột sắn nhân đỗ xanh như hồi xưa vẫn hay được ăn đến phát ngán. Hay là nấu bữa cơm độn mỳ sợi, độn ngô say hoặc độn sắn nạo ăn để thưởng thức lại hương vị của một thời bao cấp. Mà gạo thời đó phần nhiều là “gạo mậu” – tức là gạo mậu dịch, từ kho gạo của nhà nước, gạo đã cũ, vào hơi sắp mốc. Có lẽ chưa có thời nào mà tiếng dao thớt lại râm ran khắp thôn xóm quê tôi đến thế. Bởi đó là thời điểm băm sắn để độn gạo nấu ăn. Còn nhà nào bất ngờ có thịt cần băm, chặt thì người ta làm mọi cách giấu tiếng kêu đó đi bằng cách kê thớt lên cái chăn bông chẳng hạn. Để mọi người khỏi ghen tỵ, mủi lòng.
Sau này tôi mới hiểu rằng tại sao đến củ sắn mà cũng thiếu ăn đối với dân miền núi vốn nhiều đồi nương. Là bởi qui định của địa phương mỗi hộ gia đình không được trồng quá 250 gốc sắn, tức là khoảng 2 sào Bắc bộ. Làm nhiều hơn, kể cả những thứ khác cho riêng mình là có tính tư lợi lớn, là có xu hướng tư bản chủ nghĩa, trái với tư tưởng hợp tác xã đương thời. Âu đó cũng là thứ ấu trĩ chính trị một thời, thật đáng tiếc. Chính thời đó người lớn hay kể chuyện nạn đói năm “bốn nhăm” dường như ngầm ý thời nay tốt hơn thời trước. Rằng có nhà còn thái cả chổi rơm ra để nấu ăn cầm hơi. Nhà khác thì lặn xuống ao đào đất củ lên ăn chống đói. Ấy là lúc không còn gì để ăn được nữa. Và những cái chết thảm khốc ám ảnh cả một dân tộc cần cù, chịu khó.
Vài điều lan man trong “tháng ba ngày tám” này cũng đủ cho ta thấy cái giá của cuộc sống no đủ bình yên hôm nay mà bao lớp người đã phải hy sinh vì nó. Nhưng cũng dễ thấy ở một bộ phận nào đấy đã và đang có xu hướng hưởng thụ quá đà, gây lãng phí xã hội. Thậm chí là những hệ lụy của nạn dư thừa dinh dưỡng trong cơ thể cũng đang là những vấn nạn dẫn đến nhiều loại bệnh tật mang tính xã hội. Từ đó nạn đói tiềm ẩn – thiếu vi chất dinh dưỡng, cũng xuất hiện. Ăn nhiều mà không đủ chất là như vậy.
Khi an ninh lương thực được giải quyết thì cái đói giáp hạt với nhà nông cũng xóa sổ và ký ức về những ngày giáp hạt nhớ đời chỉ còn trong tâm khảm một vài thế hệ nào đó. Nhưng muôn kiếp đời người vẫn còn tất cả vì nó cô đọng lại trong tinh chất của văn hóa.
Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/van-hoa/202304/nhung-ngay-giap-hat-dd31743/