Những ngày tháng Tư lịch sử ở Đà Lạt

Đã 47 năm trôi qua, nhưng mỗi khi tháng Tư về, ký ức của những năm tháng tuổi trẻ thời hoa lửa lại ùa về khiến ông Nguyễn Duy Dũng (73 tuổi, đường Thông Thiên Học, Phường 2, Đà Lạt) bồi hồi, hoài niệm.

Ông Nguyễn Duy Dũng kể chuyện lịch sử, truyền lửa yêu nước và niềm tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ

Ông Nguyễn Duy Dũng kể chuyện lịch sử, truyền lửa yêu nước và niềm tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ

Ông Nguyễn Duy Dũng sinh năm 1949 trên quê hương Bắc Ninh - cái nôi của nền văn minh sông Hồng, giàu truyền thống văn hóa, văn hiến và cách mạng. Trước cuộc chống Mỹ cứu nước ngày càng ác liệt, tốt nghiệp trung học sư phạm ông không yên phận làm thầy giáo trường làng mà cùng bao trí thức, học sinh, sinh viên đi vào cuộc chiến. Tháng 2/1968 ông tình nguyện đi bộ; cuối tháng 3/1968 ông nằm trong số 40 đồng đội cùng quê Hà Bắc (cũ) được Bộ Tư lệnh Đặc công chọn về huấn luyện cùng 20 đồng đội từ Hải Hưng (cũ), thêm 3 chỉ huy cấp trên đưa xuống hình thành một Đại đội Đặc công. Trưa 27/12/1968, ông cùng đại đội lên tàu ở ga Văn Điển vào đến Vinh, rồi đi bộ vào Nam. Ở tuổi 19, ông chưa có một mối tình đầu, chưa hò hẹn cùng ai.

Đường hành quân, bao gian nan vất vả, lại mang trên mình ba lô, súng đạn nặng 36 kg, có lúc phải đi bên Tây dãy Trường Sơn vòng qua nước bạn Lào. Nhiều đồng đội sốt rét, đau ốm phải vào bệnh viện dã chiến, người khỏe lại chia nhau mang cho người ốm. Từ ngã ba Đông Dương vào đến đất Campuchia nhiều anh em mang vác đến 45 kg. Nhiều khi vượt núi cao, 6 giờ ăn sáng ở chân núi, 12 giờ trưa mới lên đến đỉnh núi lại ăn trưa. Gian nan không thể kể xiết, nhưng cứ phía trước mà tiến lên, không ai lùi bước. Là đơn vị binh chủng, được rèn luyện tốt, huấn luyện chu đáo, anh em đều có sức khỏe tốt nên dọc đường không ai hy sinh. Trong gian nan ấy, thi thoảng một câu nói đùa, một làn điệu dân ca quan họ được ông Dũng cất lên mà cùng đồng đội quên đi mệt nhọc. Ròng rã suốt 4 tháng trèo đèo, lội suối, vượt núi, băng rừng, cuối tháng 4/1969, ông vào đến Bộ Tư lệnh miền ở Tây Ninh, được về Đoàn 429 và là đại đội độc lập của Bộ Tư lệnh Đặc công. Tháng 6/1969, ông được trải nghiệm trận đánh đầu tiên của Sư đoàn 9.

Nhằm tăng cường lực lượng cho chiến trường Tây Nguyên, Bộ Tư lệnh điều Đại đội Đặc công của ông Dũng về Đà Lạt - Tuyên Đức. Ngày 29/9/1969, đại đội hành quân từ Tây Ninh, sau 2 tháng - đúng ngày 29/11/1969 thì đặt chân đến Đà Lạt, đóng quân ở Suối Dọc (Phường 11 bây giờ). Ngày 31/3/1970, ông Dũng trận đánh đầu tiên của Đại đội đánh vào trường chiến tranh chính trị. Vượt qua cái lạnh lẽo ở một vùng rừng núi hoang vu, suốt những năm tháng sau đó, là đại đội trưởng đặc công, ông chỉ huy nhiều trận đánh lớn nhỏ diễn ra vào các cứ điểm làm nao núng ý chí của quân thù.

Ở tuổi 73, giọng nói của ông Dũng vẫn hào sảng đầy chí khí, khi nhắc đến những ngày tháng Tư lịch sử, mắt ông ánh lên niềm xúc động. Trước ngày giải phóng Đà Lạt 1 tuần, nhận được điện của Thị đội Đà Lạt lệnh cho ông chuẩn bị 6 mục tiêu, tìm đường vào mục tiêu gần nhất, chỉ dẫn quân chủ lực để đánh vào Đà Lạt; ông Dũng đã nhanh chóng phân công 1 nửa đơn vị đi dẫn quân chủ lực tiến về Đà Lạt, ông cùng các chiến sĩ còn lại ở nhà chuẩn bị chiến trường. Những ngày cuối tháng 3, khi nghe tin các tỉnh Tây Nguyên và duyên hải miền Trung giải phóng, địch bắt đầu rút khỏi Đà Lạt, đêm 1/4 ông Dũng bò vào sân bay Cam Ly, kiểm tra trận địa pháo Tân Lạc, tất cả đều trống không, địch đã rút hết. Sáng 2/4, ông Dũng viết điện báo tình hình địch đã rút cho Thị đội Đà Lạt, khi ông Dũng đang ra suối tắm thì nghe tin quân chủ lực đã tiến vào Đà Lạt. 10g sáng, đại đội của ông cũng vào đến rạp Hòa Bình, bà con gánh cơm trưa lên cùng ăn. 13g chiều đơn vị ông Dũng nhận nhiệm vụ bám chốt sân bay Cam Ly. Ngày 3/4 Đà Lạt giải phóng, mọi người ùa ra đường trong niềm vui sướng, không khí hân hoan tự hào ngập tràn khắp nơi, trên đường tiến từ Cam Ly về, đoàn quân của ông Dũng đi trong tiếng vỗ tay, phất cờ chào đón của Nhân dân Đà Lạt. Khi đi trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa bây giờ, ông Dũng đi đầu, một người dân chỉ vào quả thủ pháo dù ông Dũng đang cầm trên tay hỏi “Nó là thứ gì đây đồng chí bộ đội”, trong niềm vui, ông Dũng đùa: “Nó là chiếc chày giã cua đấy. Giải phóng rồi, nó chỉ dùng vào việc giã cua thôi”, mọi người cùng cười.

Ông Nguyễn Duy Dũng (bìa phải) trong 1 lần gặp mặt đồng đội cựu chiến binh

Ông Nguyễn Duy Dũng (bìa phải) trong 1 lần gặp mặt đồng đội cựu chiến binh

Trong suốt cuộc chiến, từ 63 anh em hành quân vào Tây Ninh tháng 12/1968, đến ngày giải phóng, đơn vị ông chỉ còn 17 người, 46 đồng đội đã nằm lại ở vùng rừng núi lạnh lẽo. Còn 17 người còn lại đều là thương binh, có người thương binh nặng, và tất cả đều bị nhiễm chất độc da cam, riêng ông Dũng bị nhiễm tới ba lần. Bên cạnh sự hy sinh khi đối mặt với quân thù, thì những ngày đầu đến Đà Lạt, 3 đồng chí tự nhiên giãy giụa rồi qua đời, trong đó có đồng chí tiến quân vào đến suối Nguyễn Công Trứ bây giờ thì lên cơn thần kinh rồi nằm lại đó; người thì tự nhiên ốm đau nằm trên võng rồi ra đi luôn. Mãi sau này, anh em mới lý giải được sự hy sinh “kỳ lạ” đó là do những ngày mới vào Tây Ninh, bị 1 trận B52 rải chất độc hóa học, sáng ra dậy trắng xóa hết như sương mù, là lính mới nên đại đội không biết, cứ tập thể dục, hít thở sâu... Mỗi lần chứng kiến đồng đội nằm xuống, ông đều đau xót, cứ nghĩ rằng rồi có thể một ngày sẽ đến lượt mình nên lại càng tăng thêm tinh thần chiến đấu, không ai sợ chết. Chỉ khi ngày giải phóng tiến vào Hòa Bình - Đà Lạt ngồi ăn cơm đồng bào gánh đến, trong niềm hạnh phúc vỡ òa, lúc này nhớ đến từng đội hy sinh, lòng mới nghẹn lại, nước mắt tuôn trào…

Không còn phải ăn rừng, nằm rú trong cái lạnh, đất nước thống nhất, Đà Lạt hiện ra trong mắt ông Dũng đẹp lạ, con người hiền hậu, đùm bọc, yêu thương nhau, thôi thúc ông muốn gắn bó. Khi công cuộc tiếp quản chính quyền hoàn thành, giữa năm 1976, ông Dũng trở về quê hương Kinh Bắc gặp lại gia đình sau 8 năm dài đi xa. Quê hương trải qua sự tàn phá của bom đạn giặc cũng đang dần hồi sinh. Ông xin phép gia đình ở lại Đà Lạt ổn định cuộc sống. Gặp được duyên lành, ông cùng người con gái Đà Lạt nên vợ nên chồng. Đáng quý là gia đình nhà vợ là cơ sở cách mạng thường xuyên tiếp tế lương thực thực phẩm cho đơn vị những ngày trú ẩn ở hầm bí mật nên ông đã quen biết từ trước giải phóng. Ông chuyển ngành sang Sở Giáo dục, tiếp tục đi học đại học sư phạm, rồi về làm Ban Tổ chức chính quyền, qua làm Ban Thi đua của tỉnh… ở vị trí nào ông cũng tận tâm tận lực, nêu cao tinh thần gương mẫu của một người lính. Năm 1990, ba đứa con nhỏ, cuộc sống khó khăn, ông xin nghỉ để lo kinh tế gia đình, nuôi các con ăn học. Ông tích cực tham gia Hội Cựu chiến binh ở tổ, ở phường, khi tổ dân phố thành lập Tổ trực quản, ông là thành viên cao tuổi nhất cùng thanh niên trong tổ dân phố trực giữ gìn an ninh trật tự, nhất là vào những mùa cao điểm du lịch. Với lòng nhiệt tình, trách nhiệm của một cựu chiến binh giữa đời thường, ông Dũng được bà con quý trọng, tin yêu.

47 năm đã qua, trong đoàn quân tiến về giải phóng Đà Lạt và hưởng trọn niềm hân hoan của cả dân tộc trong mùa xuân đại thắng ấy, miếng cơm như nghẹn lại trong bữa trưa ngày 3/4 ở Trung tâm Hòa Bình khi nhớ đến những đồng đội không còn… tất cả cảm xúc vẫn như còn nguyên vẹn trong ông. Nhắc đến đồng đội, mắt ông bỗng lại rưng rưng. Những năm qua, ông đã vận động xây dựng nhà bia tưởng niệm trên Đồi công sự (Phường 11) giữa bốn bề thông xanh, ghi danh gần 200 liệt sĩ hy sinh trong những trận đánh ở hướng Đông Bắc Đà Lạt. Ngày rằm, mùng 1 hằng tháng và mỗi năm 3 lần vào các ngày 26/3, 26/7, 22/12, ông Dũng và bà con đều lên đây làm lễ dâng hương để đồng đội ấm lòng. Qua bao vất vả đời thường, ông Nguyễn Duy Dũng luôn nghĩ mình còn may mắn được trở về, được chứng kiến đất nước hòa bình, thống nhất, không ngừng đổi thay, phát triển hưng thịnh.

QUỲNH UYỂN

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/chinhtri/202205/nhung-ngay-thang-tu-lich-su-o-da-lat-3114329/