Những 'ngày vàng' còn lại để ngăn dịch sởi bùng phát ở TP.HCM

Tỷ lệ tiêm chủng vaccine sởi ở TP.HCM chưa đạt 95% - mức đủ để tạo miễn dịch cộng đồng, trong khi đó chỉ còn vài ngày nữa học sinh sẽ tựu trường.

 Một bệnh nhi đang điều trị bệnh sởi tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM. Ảnh: Khương Nguyễn.

Một bệnh nhi đang điều trị bệnh sởi tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM. Ảnh: Khương Nguyễn.

Theo thông tin từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, trong năm nay, nhiều địa phương đã ghi nhận sự gia tăng các trường hợp mắc bệnh sởi, ho gà và một số bệnh truyền nhiễm khác. So với cùng kỳ 2023, số mắc sởi tăng hơn 8 lần, số mắc ho gà tăng hơn 25 lần.

Trong văn bản gửi Bộ Giáo dục & Đào tạo, Bộ Y tế cho biết cả nước đang bước vào năm học mới, học sinh các cấp đang quay trở lại trường học. Điều này đồng nghĩa cần nhanh chóng tận dụng nhanh nhất, tối đa "những ngày vàng" còn lại trước khi sự lây nhiễm khó kiểm soát hơn.

Thời gian vàng để tiêm chủng

Trao đổi với Tri Thức - Znews, bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết muốn đạt được miễn dịch cộng đồng để bảo vệ trẻ trước bệnh sởi, cần có trên 95% trẻ đã tiêm ít nhất 2 mũi vaccine.

Những ngày tới là thời gian vàng để tiêm chủng. Phải tập trung tiêm ở giai đoạn này để phòng bệnh tăng cao

BS Trương Hữu Khanh

Tuy nhiên, hiện TP.HCM chưa đạt được miễn dịch cộng đồng với bệnh sởi, nếu học sinh quay trở lại trường học có khả năng ca bệnh sẽ tăng. Bác sĩ Khanh cho rằng tỷ lệ lây lan bệnh trong trường học sẽ xảy ra nhiều hơn, khi học sinh tiếp xúc với nhau, phải di chuyển từ nhà đến trường học và ngược lại. Những trẻ chưa được tiêm vaccine, nguy cơ mắc sởi sẽ cao hơn.

 Một phụ huynh đưa con đi tiêm vaccine sởi, phế cầu ở Viện Pasteur TP.HCM. Ảnh: Linh Thùy.

Một phụ huynh đưa con đi tiêm vaccine sởi, phế cầu ở Viện Pasteur TP.HCM. Ảnh: Linh Thùy.

"Như vậy, những ngày tới là thời gian vàng để tiêm chủng. Cần vận động và triển khai tiêm trước và trong thời gian trẻ đi học, phải tập trung tiêm ở giai đoạn này để phòng bệnh tăng cao", bác sĩ Khanh nói.

Trước nguy cơ bùng dịch sởi, ngành y tế TP.HCM đang nỗ lực đến từng gia đình để vận động phụ huynh đưa con đi tiêm.

Chia sẻ với Tri Thức - Znews, bác sĩ Nguyễn Văn Chức, Giám đốc Trung tâm Y tế TP Thủ Đức, cho biết trung tâm đã gửi văn bản tờ trình kế hoạch về UBND TP Thủ Đức để ban hành kế hoạch. Song song đó, đơn vị cũng rà soát, lên danh sách những trẻ cần tiêm bù, tiêm bổ sung trong giai đoạn này.

Tại TP Thủ Đức hiện có 47 trẻ đủ 9 tháng chưa được tiêm vaccine để đạt tỷ lệ bao phủ mũi 1 từ 95% trở lên. Trong chiến dịch lần này sẽ có 49.947 trẻ được tiêm bù, tiêm bổ sung. Hiện, tỷ lệ tiêm chủng vaccine sởi mũi 1 ở địa phương đạt 94,5%, mũi 2 đạt 91%.

"Thủ Đức đang có 19 ca bệnh sởi, trong đó 9 ca xét nghiệm dương tính, 10 ca lâm sàng. Ngành y tế địa phương đang tích cực truyền thông cho phụ huynh đưa con đi tiêm chủng thông qua mạng xã hội, dán áp phích tại các khu tập trung đông dân", bác sĩ Chức cho hay.

Chủ động phòng bệnh nhưng không hoang mang

Theo bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), trong các cuộc họp phòng chống dịch, các địa phương báo cáo những trẻ trên 5 tuổi ở TP.HCM đa số đã tiêm đủ 2 mũi vaccine sởi, tình trạng tiêm thiếu hoặc chưa tiêm lại rơi vào những trẻ dưới 5 tuổi.

Với tỷ lệ tiêm chủng sởi không đạt 95% toàn thành phố, rất khó ngăn chặn được sự tấn công của dịch sởi

BS Lê Hồng Nga, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC)

Tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, có 20 trẻ mắc bệnh sởi đang điều trị nội trú, trong đó, có đến 50% trẻ chỉ mới tiêm 1 mũi vaccine, gần 50% trẻ chưa tiêm mũi nào. Như vậy, trẻ chưa tiêm vaccine sẽ có nguy cơ cao trong thời gian này.

Tuy nhiên, các địa phương đang tổ chức rà soát và lên danh sách cho những trẻ cần thiết tiêm, trường học đang làm rất tốt trong việc giám sát và phát hiện ca bệnh, phụ huynh không nên lo lắng.

Khi được vận động, phụ huynh nên cho con đi tiêm. Trong thời gian tựu trường, những trẻ có dấu hiệu sốt, ho hoặc phát ban không nên đi học.

Trẻ mắc sởi đang được điều trị trong phòng cách ly tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh: Khương Nguyễn.

Trẻ mắc sởi đang được điều trị trong phòng cách ly tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh: Khương Nguyễn.

Bên cạnh đó, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y Dược TP.HCM, nhận định trong khoảng thời gian trẻ tựu trường, sẽ có nguy cơ lây lan bệnh sởi ở những trẻ chưa được tiêm vaccine. Khi số ca bệnh tăng, bệnh viện có nguy cơ quá tải, ảnh hưởng đến việc điều trị cho trẻ.

"Vấn đề này đã được ngành y tế nhận thấy và có phương án xử lý, phụ huynh nên yên tâm", PGS Dũng nhấn mạnh.

PGS Đỗ Văn Dũng khuyến cáo người dân không nên ồ ạt đi tiêm vaccine sởi trong thời gian này. Bởi, với tâm lý lo lắng, nhiều người không nằm trong diện cần tiêm vẫn đi tiêm, gây ra tình trạng quá tải, tạo ra nhu cầu giả tạo. Điều này khiến những trẻ nằm trong diện cần tiêm không được tiêm sớm.

Do vậy, người dân nên tuân thủ theo hướng dẫn của ngành y tế địa phương, sẵn sàng đưa con đi tiêm khi đến lượt. Tiêm phòng là một việc lâu dài, người dân không cần vội vàng, tránh nguy cơ sai sót khi tiêm.

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), tính từ ngày 12/8 đến ngày 18/8, có 100 ca phát ban nghi sởi sống tại TP.HCM. Tổng số ca phát ban nghi sởi tích lũy của thành phố là 441 ca, trong đó có 170 ca phòng thí nghiệm, phân bố tại 15/22 quận, huyện.

Tỷ lệ tiêm chủng vaccine sởi mũi 1 ở trẻ sinh năm 2020-2022 đạt 95%, trẻ sinh năm 2023 đạt 89,2% và chưa có quận huyện nào đạt trên 95%.

Tỷ lệ tiêm chủng vaccine sởi mũi 2 cho trẻ sinh năm 2019-2022 đều chưa đạt trên 95%. Trong đó, quận 5, 8, 11,12,Tân Phú và huyện Củ Chi, Bình Chánh, TP Thủ Đức có 4 năm liên tiếp không đạt tỷ lệ 95%.

"Với tỷ lệ tiêm chủng sởi không đạt 95% toàn thành phố, rất khó ngăn chặn được sự tấn công của dịch sởi", bà Nga nói.

Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus sởi gây ra, bệnh chủ yếu thường được gặp ở trẻ dưới 5 tuổi. Trẻ mắc bệnh thường có các dấu hiệu như sốt, mắt đỏ, kèm nhèm, sưng nề mi mắt, phát ban dài từ phía sau tai lan đến mặt, cổ, ngực, lưng, tay, chân…

Để phòng ngừa bệnh sởi, Sở Y tế TP.HCM khuyến cáo phụ huynh nên cho con đi tiêm vaccine bệnh sởi mũi 1 khi trẻ đủ 9 tháng và mũi 2 khi trẻ đủ 18 tháng. Khi trẻ mắc bệnh sởi, phụ huynh lưu ý hạn chế tiếp xúc gần, đeo khẩu trang, rửa tay và giữ vệ sinh da, mắt, mũi, họng…

Nguyễn Thuận

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/nhung-ngay-vang-con-lai-de-ngan-dich-soi-bung-phat-o-tphcm-post1493413.html