Những ngôi nhà bỏ hoang và nỗi lo của Nhật Bản

Nhà bỏ hoang là những ngôi nhà bị bỏ trống lâu dài, không có người ở, không bao gồm nhà cho thuê, nhà nghỉ và các tài sản khác phục vụ có mục đích cụ thể. Người dân Nhật Bản còn gọi những ngôi nhà này là 'Ngôi nhà phù thủy' bởi nó mang vẻ u ám với hình dáng xiêu vẹo và khó sửa chữa, cải tạo.

Theo một cuộc khảo sát của Chính phủ Nhật Bản công bố tháng 4 vừa qua, tính đến tháng 10/2023, số nhà bỏ hoang đã vượt trên 9 triệu căn, chiếm gần 14% tổng số nhà tại nước này. Tuy nhiên, trên thực tế con số này có thể còn cao hơn.

Nhà hoang ngày càng nhiều

Theo số liệu của Viện nghiên cứu Nomura Nhật Bản, có gần 11 triệu ngôi nhà bỏ hoang và số lượng này có thể chiếm hơn 30% tổng số nhà hiện có của nước này. Trong đó, hơn 4,4 triệu bất động sản được điều tra có sẵn để cho thuê, nhưng đã bỏ trống từ lâu, chủ yếu ở các vùng nông thôn hoặc ở xa các trung tâm, hơn 3,8 triệu ngôi nhà khác được cho là không rõ tình trạng. Chỉ có 330.000 trong số 9 triệu ngôi nhà bỏ hoang đang được rao bán.

Các cuộc khảo sát được Nhật Bản tiến hành 5 năm 1 lần bắt đầu từ năm 1948. Theo đó, số lượng nhà bỏ hoang năm 1973 là 1,72 triệu, chiếm 5,5% tổng số nhà. Con số này tăng lên 4,48 triệu vào năm 1993 và đã tăng gấp đôi trong 30 năm qua. Hai tỉnh Tokushima và Wakayama có tỉ lệ nhà hoang cao nhất trong số 47 tỉnh thành của Nhật Bản, chiếm 21,2%. Cũng theo kết quả của cuộc khảo sát, tổng số ngôi nhà ở Nhật Bản đến nay là 65,02 triệu căn, trong đó số nhà có người ở là 55,65 triệu căn.

Nhật Bản đang có hơn 9 triệu căn nhà bỏ hoang thế này.

Nhật Bản đang có hơn 9 triệu căn nhà bỏ hoang thế này.

Hệ lụy từ vấn đề già hóa dân số

Nguyên nhân chính của tình trạng nhà bỏ hoang tăng cao tại Nhật Bản đó là vấn đề già hóa dân số bởi những người già cô đơn ở vùng nông thôn được đưa vào viện dưỡng lão hoặc qua đời ngày càng tăng cao. Theo Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản, tính đến tháng 9/2023, tỉ lệ người già từ 65 tuổi trở lên cao ở mức kỷ lục với 36,17 triệu người, chiếm hơn 29% dân số Nhật Bản, là tỉ lệ cao nhất thế giới và cứ 10 cư dân thì có 1 người từ 80 tuổi trở lên, tương đương 10% dân số nước này. Con số này sẽ tăng rất nhanh và được Viện Nghiên cứu An sinh xã hội và Dân số quốc gia Nhật Bản dự đoán sẽ chiếm 35,3% vào năm 2040. Nhật Bản cũng là một trong những quốc gia có tuổi thọ trung bình cao nhất thế giới, góp phần làm tăng dân số già.

Nhật Bản cũng là một trong những quốc gia có tỉ lệ sinh thấp nhất ở châu Á với tỉ lệ sinh giảm mạnh xuống còn 1,3 ca sinh trên 1 phụ nữ, thấp hơn nhiều so với mức 2,1 cần thiết để duy trì dân số ổn định. Năm 2022 chỉ có gần 800.000 trẻ em được sinh ra tại Nhật Bản trong khi quy mô dân số ở mức 125 triệu người. Cùng với quy mô dân số giảm, các thị trấn, huyện lị có dân số dưới 10.000 người, chiếm tới 50%, dự báo năm 2050, các địa phương có dân cư sinh sống sẽ chỉ còn 60% so với hiện nay, 20% sẽ trở thành khu vực hoàn toàn hoang hóa và không có người ở.

Một nguyên nhân nữa là do số người trẻ di cư về các thành phố lớn để sinh sống ngày càng nhiều vì dễ kiếm việc làm và có cuộc sống tiện nghi hơn ở nông thôn hay vùng sâu vùng xa. Người dân bỏ vùng nông thôn còn do ở đó thiếu điều kiện tiếp cận các tiện nghi cơ bản như bệnh viện, cửa hàng tiện lợi, các dịch vụ vui chơi giải trí…

Những ngôi nhà hoang đã quá cũ nát là hệ quả của chính sách xây nhà tạm cư, chất lượng kém phát sinh trong thời hậu chiến những năm 1950 khi quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa tăng cao tại Nhật. Hơn nữa, phần lớn người dân Nhật Bản hiện nay thích mua một ngôi nhà mới xây hơn là những ngôi nhà đã qua sử dụng từ 10 năm trở lên được ngầm hiểu là không còn giá trị. Nhiều người được thừa kế các bất động sản này nhưng không về ở, cũng không có khả năng nhận thừa kế do thuế phí nhận thừa kế khá cao. Cũng có người không muốn cải tạo hay phá bỏ chúng vì theo luật đất đai tại Nhật thì đất trống phải chịu thuế cao hơn so với đất có xây dựng. Ngoài ra, người sở hữu nhà tại Nhật Bản còn phải trả nhiều loại phí như: phí bảo dưỡng, phí bảo hiểm, phí thuế thừa kế, phí tháo dỡ nhà nếu không sử dụng, có khi đắt hơn cả tiền mua đất.

Vấn đề già hóa dân số và tỉ lệ sinh thấp đang là thách thức to lớn đối với nhịp sống, chính sách và thậm chí là cả chiến lược lâu dài của Nhật Bản. Trong đó, Nhật Bản phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng. Tại phiên họp Quốc hội đầu năm 2023, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã cảnh báo rằng: “Nhật Bản đang trên bờ vực không thể duy trì các chức năng xã hội”. Thực trạng tại Nhật cho thấy, những dịch vụ chăm sóc người cao tuổi nhiều hơn, trong khi các cơ sở trường học cho trẻ em lại ít đi; biển chỉ dẫn cho người già xuất hiện ngày càng nhiều ở những nơi công cộng. Dân số giảm với nửa số đô thị ở Nhật Bản hiện được xác định là khu vực ít dân cư, nơi dân số đã giảm 30% hoặc nhiều hơn kể từ năm 1980.

Hệ lụy của già hóa dân số cũng gây ra lỗ hổng khoảng cách giữa các thế hệ ngày càng gia tăng. Do số người già có ảnh hưởng lớn trong các lĩnh vực chính trị, nên chính sách quốc gia quan tâm nhiều hơn đến các chương trình phúc lợi cho người cao tuổi như lương hưu, dưỡng lão… Trong cuộc bầu cử Hạ viện năm 2021, độ tuổi trung bình của cử tri là 59, do đó, trọng tâm của các đảng phái khi tranh cử là tập trung vào các chính sách cho người cao tuổi hơn là cho giới trẻ, phản ánh tác động của người cao tuổi lên các nhà hoạch định chính sách.

Một hệ lụy không nhỏ đang tác động đến cả chiến lược an ninh quốc phòng. Tháng 12/2022, Nhật Bản tuyên bố tăng ngân sách quốc phòng lên 2% GDP vào năm 2027 với việc đầu tư hiện đại hóa cho Lực lượng Phòng vệ (SDF) bao gồm tăng cường năng lực địa phương, sản xuất tên lửa, máy bay và các trang thiết bị quân sự khác. Tuy nhiên, tờ Japan Times của Nhật Bản đã chỉ ra rằng kế hoạch tăng cường năng lực quân sự của nước này đang đối diện với tình trạng thiếu hụt nhân sự trầm trọng, nhất là trong tuyển dụng binh sĩ nghĩa vụ. Hiện Nhật Bản đang thiếu hụt 16.400 nhân sự cần thiết, trong khi đó số thanh niên độ tuổi từ 18 – 26, lực lượng nòng cốt tuyển dụng của SDF đã giảm từ 17 triệu năm 1994 xuống còn 10,5 triệu vào năm 2021 và còn tiếp tục giảm sâu trong những năm tới.

Giải pháp nào?

Tình trạng nhà bỏ hoang và dân số già hóa đang gây áp lực lớn lên chính quyền trung ương và địa phương Nhật Bản trong việc thực thi các chính sách hiệu quả. Năm 2015, Nhật Bản đã ban hành Luật cho phép chính quyền địa phương đưa ra cảnh báo về những ngôi nhà bỏ trống có nguy cơ đổ sập và phá bỏ nếu như không được cải tạo. Tháng 4/2021, Chính phủ Nhật Bản đã sửa đổi Luật đăng ký bất động sản nhằm giải quyết thực trạng nhà bỏ hoang. Trong đó có hình thức phạt hành chính đối với những chủ sở hữu tài sản không đăng ký người thừa kế trong trường hợp họ qua đời. Luật này cũng quy định quyền sở hữu bất động sản bị bỏ hoang được chuyển giao cho nhà nước nếu có nhu cầu phát sinh.

Tuy nhiên, Luật này chỉ áp dụng đối với những ngôi nhà hoặc toàn bộ khu nhà bị bỏ hoang, chưa áp dụng đối với những căn hộ bỏ trống lâu ngày trong khu nhà phức hợp lớn hơn. Để giải quyết triệt để vấn đề này, năm 2022, Nhật Bản đã sửa đổi Luật quản lý chung cư để chính quyền địa phương đưa ra những cảnh báo cho chủ sở hữu những căn hộ được quản lý không đúng quy định. Theo Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản, có khoảng 1,25 triệu căn hộ chung cư trên khắp Nhật Bản được xây dựng cách đây hơn 40 năm, dự kiến sẽ tăng 3,5 lần trong 20 năm tới. Qua khảo sát cho thấy, hiện có khoảng 40.000 ngôi nhà thuộc diện phải phá bỏ để đảm bảo an toàn cho người dân xung quanh.

Ngoài ra, để đối phó với tình trạng nhà bỏ hoang ngày càng gia tăng, chính quyền một số địa phương đã hợp tác với công ty dịch vụ an sinh xã hội BussiEn, biến những căn nhà bị bỏ hoang thành các không gian chung dành cho cộng đồng… Một giải pháp nữa cho tình trạng nhà bỏ hoang mà chính quyền các địa phương áp dụng là “Bất động sản 0 đồng cho mọi người”. Giải pháp này nhằm phục vụ những người có nhu cầu mua nhà giá rẻ vì họ không phải mất phí thừa kế mà chỉ trả phí hành chính và thuế để sở hữu một căn nhà với giá chuyển nhượng là 0 đồng.

Để đối phó với tình trạng thiếu lao động ngày càng tăng cao nhằm vực dậy nền kinh tế đang trì trệ, Chính phủ Nhật Bản đã khuyến khích nhiều người cao tuổi tham gia vào thị trường lao động. Hiện nay, số người lao động cao tuổi từ 65 tuổi trở lên lên tới 9,12 triệu người, chiếm 13% lực lượng lao động tại Nhật, cao nhất trong số các nền kinh tế lớn trên thế giới. Hơn nữa, để giải quyết vấn đề thiếu hụt lao động, Nhật Bản cũng tăng cường phát triển và sản xuất các thiết bị thông minh thay thế con người như robot thú cưng, xe ô tô không người lái, các cơ sở chăm sóc sức khỏe từ xa…

Chính phủ Nhật Bản ngoài việc tăng cường các chính sách kinh tế vĩ mô để khôi phục nền kinh tế cũng đã đưa ra những chính sách như: khuyến khích các gia đình sinh nhiều con; gia tăng xây dựng các hệ thống y tế, dịch vụ chăm sóc trẻ em thay vì chỉ chú trọng quá nhiều cho người cao tuổi; có các biện pháp giúp phụ nữ có con và người cao tuổi tham gia nhiều hơn vào thị trường lao động thông qua việc cải thiện môi trường xã hội và điều kiện làm việc; tăng cường thu hút nguồn lao động nước ngoài, nhất là đội ngũ trí thức có trình độ cao…

Mặc dù là một nước có nền kinh tế lớn trên thế giới nhưng hiện tại Nhật Bản đang phải đối mặt với vấn đề già hóa dân số đến mức báo động. Tình trạng này được dự báo tiếp tục còn gây hệ lụy nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế, an sinh xã hội của Nhật bản, trong đó có tình trạng nhà bỏ hoang tăng cao trong thời gian tới.

Hà Minh

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/nhung-ngoi-nha-bo-hoang-va-noi-lo-cua-nhat-ban-i730891/