Những 'ngôi nhà' giữa biển - Bài 1
'Đảo là nhà, biển cả là quê hương'. Đó chính là câu nói nghe rất quen thuộc đồng thời như một khẩu hiệu hành động của mọi người con đất Việt. Đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: 'Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng, ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó'.Có dịp đến thăm các hòn đảo thân yêu của chúng ta tại quần đảo Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hòa mới đây, chúng tôi càng thêm tự hào trước những 'ngôi nhà' giữa biển.
Bài 1: Đảo Trường Sa, một “Thủ đô” giữa biển

Chiến sĩ hải quân đảo Trường Sa luôn tự hào với truyền thống hào hùng.
Trong tâm khảm của mỗi người con đất Việt, Trường Sa là hòn đảo thiêng liêng, nơi khơi nguồn nguồn của những ngọn sóng ở Biển Đông và luôn gắn bó máu thịt với Tổ quốc.
Vượt hành trình hơn 200 hải lý từ quân cảng Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, chúng tôi đã đến với một Trường Sa xinh đẹp, hiền hòa, tràn đầy sức sống, được mệnh danh là “Thủ đô” của huyện đảo. Nổi lên như một pháo đài sừng sững, kiên trung giữa Biển Đông, đảo Trường Sa là điểm dừng chân lý tưởng cho các con tàu vượt qua quần đảo bão tố. Nơi đây đã từng in dấu ấn của những con tàu thuộc đoàn tàu không số trên con đường huyền thoại Hồ Chí Minh trên biển. Những chuyến tàu chi viện vũ khí, trang bị cho chiến trường, chia lửa với miền Nam ruột thịt, góp phần vào Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước.
Trường Sa là đảo lớn trong cụm đảo Trường Sa có diện tích hơn 48ha. Điều kiện khí hậu, thủy văn ở đảo Trường Sa mang đặc trưng với mùa hè mát mẻ, mùa đông ấm áp. Mùa khô từ tháng 02 đến tháng 4, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 01 của năm sau. Riêng những tháng mùa khô, khí hậu rất khắc nghiệt, ngày nắng nóng, oi bức. Tuy nhiên, đây là thời điểm “sóng yên, biển lặng” rất thuận lợi cho các đoàn khách từ đất liền ra thăm và làm việc với quân và dân trên đảo.
Do nằm gần đường xích đạo, số ngày nắng nóng nhiều, thực vật ở Trường Sa chủ yếu là cây phong ba, bàng vuông, dừa, phi lao, rau muống biển… Trong khi đó, biển quanh đảo có nguồn hải sản phong phú, giá trị kinh tế cao, nên có nhiều tàu thuyền đánh bắt xa bờ của ngư dân các tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình thuận, Khánh Hòa và Phú Yên... đến khai thác. Chính điều kiện trên đã giúp hòn đảo này in đậm những dấu vết của người Việt xưa.

Cán bộ, chiến sĩ và người dân đảo Trường Sa cùng những vị khách từ đất liền ra thăm đảo.
Theo Viện khảo cổ học Việt Nam, những phát hiện khảo cổ năm 1995 tại đây là căn cứ lịch sử và pháp lý đanh thép để khẳng định chủ quyền quần đảo Trường Sa là của Việt Nam. Từ đó càng củng cố lòng tin, sức mạnh cho những người lính giữ đảo, quyết tâm bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng mà ông cha ta đã để lại.
Giữa lúc cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 của quân dân ta đang diễn ra với khí thế “thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng”. Ngày 04/4/1975 Quân chủng Hải quân được Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương giao nhiệm vụ cùng Quân khu 5 gấp rút chuẩn bị, tranh thủ thời cơ giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa do quân ngụy miền Nam chiến đóng. Quán triệt và chấp hành nghiêm Chỉ thị của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, mệnh lệnh của Bộ Tổng Tư lệnh, Bộ Tư lệnh Hải quân cùng Bộ Tư lệnh Quân khu 5 đã khẩn trương chuẩn bị lực lượng giải phóng quần đảo Trường Sa, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước.
Theo đó, ngày 14/4/1975 ta hoàn toàn làm chủ đảo Song Tử Tây. Đến ngày 29/4/1975 các lực lượng của ta đã đổ bộ lên và làm chủ đảo Trường Sa. Từ đó, đảo Trường Sa nói riêng và quần đảo Trường Sa nói chung bước vào thời kỳ lịch sử mới, thời kỳ xây dựng và phát triển, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Sau ngày giải phóng, được sự quan tâm, đầu tư của Đảng, nhà nước, sự chung tay giúp sức của các bộ, ban, ngành từ Trung ương đến địa phương và Nhân dân cả nước, kể cả kiều bào ta ở nước ngoài; cùng ý chí nghị lực, sức sáng tạo, tinh thần lao động hăng say của quân và dân trên đảo nên diện mạo của đảo Trường Sa hôm nay được đổi thay từng ngày, khang trang hơn, tươi đẹp hơn. Phía “mặt tiền” của đảo là chiếc cầu cảng dài 150m như cánh tay trần vạm vỡ, vững chắc vươn ra đón nhận những con tàu từ đất mẹ vượt qua muôn ngàn sóng gió để đến với hòn đảo thân yêu.
Những công trình quốc phòng kết hợp phục vụ dân sinh như sân bay, âu tàu, trạm thu phát tín hiệu truyền hình, điện thoại qua vệ tinh, đài khí tượng thủy văn, trạm hải đăng, nhà khách Thủ đô, nhà thờ Bác Hồ, đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, chùa, hệ thống năng lượng sạch, bệnh xá... được xây dựng đã góp phần nâng cao đời sống của quân và dân trên đảo.
Đặc biệt, thông qua những công trình đó đã góp phần thực hiện thắng lợi chương trình phát triển kinh tế - xã hội trên các vùng biển và hải đảo của Đảng và nhà nước ta. Các công trình đồng thời cũng là nơi sinh hoạt, giao lưu văn hóa, giáo dục truyền thống, giúp nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho quân và dân thị trấn Trường Sa. Đến nay 100% hộ dân và các đầu mối đơn vị bộ đội… được trang bị ti-vi, có hệ thống thu tín hiệu vệ tinh; hệ thống karaoke kỹ thuật số hiện đại. Trên đảo có phòng đọc sách, báo với gần 4.800 đầu sách và trên 28 đầu báo các loại cùng 01 tủ sách pháp luật.
Bên cạnh, đảo còn được trang bị một số xuồng CQ có tốc độ cao, chất lượng tốt, hoạt động trong điều kiện thời tiết sóng, gió cấp 5, cấp 6, đáp ứng tốt nhiệm vụ tuần tra xua đuổi tàu, thuyền của nước ngoài xâm phạm chủ quyền vùng biển của ta và làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn...

Cùng với nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, quân và dân thị trấn Trường Sa hiện nay luôn làm tốt công tác cứu hộ, cứu nạn giúp đỡ ngư dân trên vùng biển, đảo. Từ đó, góp phần tô thắm hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ - người chiến sĩ Hải quân” trong lòng Nhân dân. Thực hiện có hiệu quả chương trình “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi bám biển”. Hàng năm, đảo Trường Sa cấp cứu, khám và cấp thuốc cho hàng chục ngư dân.
Với ý chí, nghị lực và quyết tâm cao quân và dân trên đảo đã chăm chút, cải tạo Trường Sa từ đảo cát trắng trở thành một hòn đảo xanh tươi, rợp bóng cây, trái 04 mùa xanh tốt. Trải qua 50 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, quân và dân thị trấn Trường Sa luôn đoàn kết, sát cánh bên nhau để xây dựng đảo “Mạnh về phòng thủ, tốt về lối sống, đẹp về cảnh quan môi trường, mẫu mực về đoàn kết quân dân”. Từ đó góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Đáng chú ý, ngày 29/8/1985, đảo Trường Sa vinh dự nhận danh hiệu cao quý, đơn vị “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”. Năm 2001, được tặng Huân chương Chiến công hạng Nhì. Năm 2004 được tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất, cùng nhiều danh hiệu khác do Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Hải quân Vùng và tỉnh Khánh Hòa trao tặng...
Theo Trung tá Cấn Ngọc Sơn, Chỉ huy trưởng, Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa, để tiếp tục phát huy truyền thống đơn vị “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”, cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân thị trấn Trường Sa luôn đoàn kết chủ động sáng tạo, khắc phục mọi khó khăn, để hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao. Từng cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân trên đảo tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ - Người chiến sĩ Hải quân”, xây dựng đảo Trường Sa “Mạnh về phòng thủ, tốt về lối sống, đẹp về cảnh quan môi trường, mẫu mực về đoàn kết quân dân”. Từng bước xây dựng và phát triển huyện Trường Sa trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước, là pháo đài vững chắc bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc.
Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/xa-hoi/nhung-ngoi-nha-giua-bien-bai-1-43728.html