Những người con của bản

Trên dải biên cương phía Tây Bắc của Tổ quốc, thông qua những mô hình phát triển kinh tế bền vững cùng tấm lòng với đồng bào, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Lai Châu đã góp phần tạo sự khởi sắc cho nhiều vùng đất khó. Các anh đã giúp bà con có mái ấm che mưa nắng; có những nương lúa, nương ngô, rừng quế, đồi chè và bò, dê đầy chuồng... Bà con các dân tộc nơi đây coi BĐBP là những người con của bản.

Bài 1: Đổi thay trên vùng đất khó

Chuyện BĐBP “ba bám, bốn cùng” với đồng bào, nỗ lực làm đổi thay những vùng đất khó được cán bộ và người dân kể rất nhiều trong hành trình chúng tôi đi thực tế tại tỉnh Lai Châu...

"Công lao của Bộ đội Biên phòng lớn lắm!"

Từ trung tâm thành phố Lai Châu, sau 5 tiếng di chuyển vượt gần 200km trên những cung đường heo hút, chúng tôi mới tới trung tâm huyện Mường Tè, huyện khó khăn nhất của tỉnh Lai Châu. Để vào xã Pa Ủ, nơi 100% dân số là người La Hủ sinh sống, chúng tôi phải đi thêm 60km nữa trên con đường độc đạo men theo dòng sông Đà, khi ớn lạnh bởi một bên vực sâu hun hút, một bên là vách đá dựng đứng, lúc ruột gan lộn tùng phèo vì liên tục cua tay áo, leo dốc, xuống đèo. Vậy mà Trung tá Nguyễn Đức Hùng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy BĐBP tỉnh Lai Châu, đi cùng chúng tôi, bảo: "Bây giờ đường sá đã dễ đi hơn nhiều. Trước đây, để vào đây chỉ có cách duy nhất là... cuốc bộ. Thế nhưng dù phải đi bộ từ thị trấn Mường Tè mất cả ngày đường, BĐBP vẫn chẳng sá chi...".

Đón chúng tôi, đồng chí Thàng Xuân Ly, Phó chủ tịch UBND xã Pa Ủ, hồ hởi chia sẻ ngay: "Nếu không có BĐBP thì đồng bào dân tộc La Hủ không thể có cuộc sống như ngày hôm nay. Những năm 2008-2009, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pa Ủ đã vác tôn đi bộ cả ngày vào làm nhà cho bà con ở, đón từng hộ ở trong rừng ra. Rồi để ổn định cuộc sống cho bà con, các anh ở lại giúp bà con mấy tháng liền”.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Vàng Ma Chải giúp dân gặt lúa, năm 2022. Ảnh: THU GIANG

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Vàng Ma Chải giúp dân gặt lúa, năm 2022. Ảnh: THU GIANG

Theo đồng chí Thàng Xuân Ly, người La Hủ ở hai xã Pa Ủ và Pa Vệ Sủ của huyện Mường Tè, trước đây có tập quán du canh, du cư, sống hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên. Bà con thường làm nhà và lán rải rác trên đồi núi cao, trong rừng. Nhà lợp mái lá, lúc lá lợp mái chuyển sang màu vàng thì bà con lại chuyển đi nơi khác nên người La Hủ còn có tên gọi khác là Xá Lá Vàng. Phải đến khi Đề án "BĐBP Lai Châu tham gia giúp đồng bào La Hủ định canh, định cư, xóa đói, giảm nghèo gắn với bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới" được triển khai thì bà con mới trở về định cư. Có nhà rồi, bà con lại được BĐBP hướng dẫn ăn chín, uống sôi, dạy chăn nuôi, làm nương rẫy... “Từ tập quán du canh, du cư, đến nay, đồng bào đã quần tụ theo các bản làng. Nhiều người La Hủ đã không còn đói, dần thoát nghèo, có người đã trở nên khá giả, có của ăn của để, lại có thể giúp đồng bào mình thoát nghèo bằng các mô hình phát triển kinh tế. Công của BĐBP lớn lắm!”, đồng chí Thàng Xuân Ly nói.

Có một quân nhân ở Đồn Biên phòng Pa Ủ mà chúng tôi rất ấn tượng, được anh em ở đồn gọi vui là “lão thành” bởi anh đã gắn bó với địa bàn hơn 30 năm, đó là Thiếu tá QNCN Lý Văn Hướng. Sinh ra trên mảnh đất Mường Tè, anh Hướng đi nghĩa vụ quân sự rồi gắn bó với BĐBP. Anh kể rằng, những năm 90 của thế kỷ trước, từ thị xã Lai Châu về Đồn Biên phòng Pa Ủ phải mất đến... 4 ngày đi bộ chứ chưa có phương tiện cơ giới như bây giờ. Đời sống của bà con thì vô cùng lạc hậu. Là một trong những cán bộ đầu tiên đi triển khai mô hình giúp đồng bào La Hủ định canh, định cư từ năm 2008, có nhiều kỷ niệm vẫn theo anh đến tận bây giờ. Khi có chủ trương của trên, anh cùng đồng đội đi khảo sát địa hình rồi trực tiếp vác vật liệu trên vai, hành quân bộ khoảng 20km đường rừng để xây dựng bản. Khó khăn, vất vả là vậy, nhưng cứ nghĩ rồi đây bà con sẽ có nơi ở ổn định, có phương tiện lao động để thoát đói, ăn ở vệ sinh, không bị bệnh tật hành hạ... là anh em đều gắng sức làm.

Mỗi người cố gắng tạo nên sức mạnh của cả tập thể. Khi nhà dựng xong, các anh lại vào rừng vận động bà con quay về định cư. Vừa giải thích chính sách của Nhà nước, vừa động viên bà con về lợi ích của việc định canh, định cư. “Mưa dầm thấm lâu”, những hộ đầu tiên đã dắt díu nhau về “nhà của BĐBP”. Thế nhưng, có hộ về được vài ngày lại kéo nhau đi chỉ vì... chưa quen với nếp sống mới. Rồi nhờ sự kiên trì của BĐBP, mọi thứ cũng dần thay đổi. Từ vài hộ ổn định được cuộc sống, nhiều hộ khác đã rời rừng về xin chỗ ở. “Thế mà phải mất đến 3 năm chúng tôi mới hoàn thiện chương trình, kéo hoàn toàn bà con La Hủ ra khỏi cuộc sống du canh, du cư-việc năm đầu tưởng chừng như không thể thực hiện được”, anh Hướng chia sẻ.

Vì bản làng no ấm

Trên hành trình dọc miền biên viễn, bên cạnh những câu chuyện về BĐBP nỗ lực giúp bà con các dân tộc ổn định nơi ở, chúng tôi còn được nghe nhiều về việc các anh giúp đỡ người dân làm kinh tế, nhất là tạo dựng được những thương hiệu “độc quyền”. Một trong số đó là thương hiệu trà Shan Mồ Sì San, được khai thác từ cây chè cổ thụ sinh trưởng ở độ cao hơn 2.000m so với mực nước biển, có niên đại hàng trăm năm trên núi Phàn Liên Shan thuộc địa bàn xã Mồ Sì San, huyện Phong Thổ. Thiếu tá QNCN Phan Mạnh Thiết, nhân viên Đội Tham mưu-Hành chính, Đồn Biên phòng Vàng Ma Chải là một trong những người đầu tiên đi khảo sát, nghiên cứu xây dựng thương hiệu trà cổ thụ này. Dáng người dong dỏng, da ngăm đen, anh BĐBP có giọng nói trầm ấm kể về những ngày đầu đi tìm cây chè cổ thụ cách đây gần 4 năm:

- Quê tôi ở Phú Thọ, sinh ra và lớn lên ở huyện Yên Bình (Yên Bái) nên tôi gắn bó với những đồi chè từ nhỏ và rất am hiểu cây chè. Giống chè cổ thụ trên núi Phàn Liên Shan rất ngon nên trước đây bà con đua nhau thu hái, bán cho thương lái, dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng. Việc định hướng giúp bà con vừa khai thác hiệu quả, vừa có trách nhiệm bảo tồn trở thành yêu cầu cấp bách, nên chúng tôi dành gần một tháng leo khắp các đỉnh núi giữa sương mù, giá rét để kiểm đếm, đánh dấu, đo tọa độ cho những cây chè. Tôi nhớ mãi cảm giác phấn khích của mình khi tìm được những cây chè cổ thụ đến hai người ôm không xuể, có chiều cao từ 25 đến 30m. Chuyến ấy, chúng tôi đã “đánh dấu” được gần 10.000 cây chè. Từ việc xác định số lượng cây đến sau này thành lập Hợp tác xã Biên Cương để bao tiêu, chế biến sản phẩm, nhân giống chè cũng như tuyên truyền, vận động để bà con không khai thác kiểu “tận diệt” loại chè quý, BĐBP đều trực tiếp làm. Đến nay, thương hiệu trà Shan Mồ Sì San đã bay xa khắp các miền Tổ quốc, đời sống của bà con cũng được nâng lên từng ngày.

Chuyện BĐBP “ba bám, bốn cùng” với đồng bào (3 bám: Bám đơn vị, bám địa bàn và bám chủ trương, chính sách; 4 cùng: Cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng đồng bào), nỗ lực làm đổi thay những vùng đất khó được cán bộ và người dân kể rất nhiều trong hành trình chúng tôi đi thực tế tại tỉnh Lai Châu. Giữa màu xanh trùng điệp của núi rừng là san sát những ngôi nhà hai tầng của các bản người Thái, hay những căn nhà mái bằng vững chãi của người Dao, người Mông... Tuy còn nhiều khó khăn, nhưng đời sống của bà con các dân tộc nơi đây đã có sự đổi thay rõ rệt. Nhiều phong tục, tập quán lạc hậu đã được loại bỏ, điển hình là câu chuyện được Thiếu tá Đoàn Trường Giang, cán bộ Đồn Biên phòng Vàng Ma Chải (ở huyện Phong Thổ) kể với chúng tôi: "Trước đây, bà con dân tộc Mông có tục lệ người chết phải để trong nhà cúng lễ cả tuần, rồi người ốm không được uống thuốc mà phải làm lễ cúng con “ma rừng”... Bây giờ, nhờ BĐBP giảng giải, thuyết phục mà những hủ tục này không còn nữa. Bà con đau ốm đã đi khám bệnh hoặc nhờ quân y của đồn biên phòng đến giúp".

Hiện tỉnh Lai Châu có 20 dân tộc cùng sinh sống, mỗi dân tộc có điều kiện sinh hoạt, ngôn ngữ và phong tục, tập quán khác nhau. Để giúp bà con xóa đói, giảm nghèo, Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương đã có nhiều chính sách quan tâm chăm lo. Trong đó, lực lượng BĐBP đã tích cực vào cuộc tuyên truyền, vận động, thực hiện cùng ăn, cùng ở, cùng làm, tận tình hướng dẫn, giúp đỡ đồng bào. Đại tá Nguyễn Văn Hưng, Chính ủy BĐBP tỉnh Lai Châu tâm sự: “Không thể một sớm, một chiều mà thay đổi được nếp sống, nếp nghĩ của đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa. Nhưng chúng tôi tin tưởng rằng, cùng với quyết tâm của các cấp, các ngành, sự chung tay, góp sức của BĐBP sẽ giúp bà con các dân tộc có cuộc sống ngày càng ổn định, là tấm phên giậu vững chắc trong việc bảo vệ bình yên biên cương của Tổ quốc”.

Thực tế đã có biết bao cán bộ, chiến sĩ BĐBP tình nguyện gắn bó đời quân ngũ với vùng biên viễn. Nhiều đồng chí “hợp lý hóa” gia đình, đưa vợ con lên sinh sống cùng bà con các dân tộc ở biên giới xa xôi với quyết tâm xây dựng vùng gian khó có cuộc sống tốt đẹp, tạo nhiều "cột mốc sống" giữ vững biên cương. Những câu chuyện này sẽ được phản ánh ở các bài sau.

PHẠM THỦY - NGUYỆT MINH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/nhung-nguoi-con-cua-ban-722946