Những người gánh 'hai vai' trách nhiệm
Thực hiện Kết luận số 1037-KL/TU ngày 12/5/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chủ trương bố trí bí thư chi bộ đồng thời là trưởng bản, tiểu khu, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh, đến nay, huyện Thuận Châu có 253/391 bí thư chi bộ đồng thời là trưởng bản, đạt 64,7% tổng số bản, tiểu khu. Những cán bộ gánh 'hai vai' luôn nêu cao trách nhiệm, nhiệt huyết, phát huy vai trò lãnh đạo, tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ của địa phương.
Phát huy vai trò “Đảng cử, dân bầu”
Năm 2020, tại Đại hội chi bộ bản nhiệm kỳ 2020-2023, ông Nguyễn Bá Vụ được bầu làm Bí thư chi bộ đồng thời là Trưởng bản Đông Quan, xã Phổng Lái. Ông Vụ chia sẻ: Trước đây, mỗi khi có các nghị quyết mới ban hành, phải chờ chi bộ quán triệt, sau đó mới về bản tổ chức các cuộc họp, xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện, nên mất nhiều thời gian. Bây giờ, là Bí thư chi bộ nên việc tiếp cận các văn bản chỉ đạo của cấp ủy cấp trên nhanh hơn, đồng thời là người trực tiếp tổ chức thực hiện, nên công việc triển khai nhanh, đồng bộ hơn.
Phát huy vai trò người đứng đầu, ông Vụ cùng tập thể cấp ủy đã chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong việc tổ chức sinh hoạt chi bộ; các nghị quyết, nhiệm vụ được triển khai thực hiện hiệu quả; các vấn đề phát sinh tại bản cũng được xử lý, giải quyết nhanh chóng; phát huy vai trò của các đảng viên trong chi bộ gương mẫu, đi đầu vận động người dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Với sự thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo, ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành, xử lý công việc, tất cả các hoạt động của bản đều được người dân đồng tình hưởng ứng.
Trước đây, ông Hoàng Văn Thắng là Bí thư chi bộ bản Quỳnh Thuận, xã Chiềng Pha, còn vai trò trưởng bản do người khác đảm nhiệm. Từ năm 2020 đến nay, ông Thắng được tín nhiệm bầu là Bí thư chi bộ đồng thời là Trưởng bản. Ông Thắng cho hay: Đảm nhiệm 2 chức danh, cùng lúc “vừa chỉ đạo, vừa thực hiện”, khi có vấn đề quan trọng, vụ việc phát sinh được đưa ra bàn bạc ngay trong Chi ủy và Ban quản lý bản, kịp thời có hướng giải quyết, không để kéo dài. Nhiều năm nay, bản Quỳnh Thuận luôn được đánh giá là bản đi đầu trong các phong trào phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; bản còn tiên phong trồng 13 ha thanh long ruột đỏ theo hướng hữu cơ, đáp ứng yêu cầu thị trường xuất khẩu; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên; bản chỉ còn 2 hộ nghèo. Chi bộ 2 năm liền đạt trong sạch, vững mạnh.
Đó là 2 trong số nhiều bí thư chi bộ đồng thời là trưởng bản, tiểu khu, dân phố trên địa bàn huyện Thuận Châu đã phát huy vai trò lãnh đạo toàn diện các hoạt động ở địa bàn; chủ động nắm bắt tình hình chung, kịp thời chỉ đạo giải quyết những vấn đề phát sinh tại cơ sở, tiết kiệm thời gian hội họp, khắc phục tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, đổi mới phương thức hoạt động của chi bộ.
Thực tiễn còn khó khăn, vướng mắc
Thực tiễn cho thấy, việc thực hiện chủ trương bố trí bí thư chi bộ đồng thời là trưởng bản, tiểu khu, tổ dân phố có hiệu quả. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai Kết luận số 1037-KL/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy vẫn có khó khăn. Theo đồng chí Đinh Thị Minh Hoa, Phó trưởng Ban Tổ chức huyện ủy Thuận Châu, cho biết: Bí thư chi bộ đồng thời là trưởng bản, công việc, trách nhiệm nặng nề hơn nhưng mức phụ cấp chưa được nâng lên; một số đảng viên lớn tuổi có uy tín, song lại có mặt hạn chế về trình độ, sức khỏe; một số trưởng bản là đảng viên, có sức khỏe, trình độ trong độ tuổi lao động lại có nhu cầu làm việc ở những nơi thu nhập cao hơn; có người làm tốt vai trò trưởng bản lại chưa phải là đảng viên. Toàn huyện Thuận Châu còn 25/391 trưởng bản, tiểu khu chưa phải là đảng viên.
Hơn nữa, huyện Thuận Châu đã sáp nhập 570 bản, thôn, tiểu khu xuống còn 391 bản, thôn, tiểu khu nên số hộ/bản, thôn, tiểu khu tăng, số lượng đảng viên đông, phạm vi quản lý địa bàn rộng, khoảng cách xa, nhà văn hóa không đáp ứng nhu cầu sinh hoạt; có nhiều dân tộc hay dòng họ khác nhau, khác biệt về phong tục, tập quán nên khi sáp nhập thành một bản, gặp nhiều khó khăn trong chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện.
UBND huyện Thuận Châu đã trình phương án sắp xếp, sáp nhập bản năm 2022. Theo đó, tiếp tục sáp nhập 68 bản thành 31 bản, giảm 37 bản của 18 xã (từ 391 bản hiện tại xuống còn 354 bản, tiểu khu). Công tác nhân sự gặp khó khăn, bởi một số bản đang chờ sáp nhập, nếu bầu trưởng bản và bí thư chi bộ xong, đến khi sáp nhập phải tổ chức bầu lại hoặc nếu chờ sáp nhập mới tổ chức bầu thì phải chờ đến khi HĐND tỉnh ban hành nghị quyết sáp nhập.
Tại xã Phổng Lăng, gặp trở ngại khi tổ chức bầu trưởng bản trước khi tổ chức đại hội chi bộ. Đồng chí Tòng Văn Biển, Bí thư Đảng ủy xã, cho biết: Đảng bộ xã có 17 chi bộ trực thuộc. Công tác nhân sự gặp khó khăn, thực tế triển khai, có đồng chí đang là trưởng bản khi được lựa chọn nguồn bí thư chi bộ đồng thời là trưởng bản đều chưa nhận, vì không tự tin “gánh vác” được hai vai; nhiều người am hiểu công tác Đảng, có kinh nghiệm, được cấp ủy, chi bộ giới thiệu ứng cử chức danh trưởng bản, nhưng khi đưa ra nhân dân bầu lại không trúng.
Hay ở bản Cổng Chặp, xã Phổng Lái, năm 2019, được sáp nhập từ 3 bản: Nà Ngụa, Mô Cổng, Pá Chặp. Ông Sùng A Só, Bí thư chi bộ, Trưởng bản Cổng Chặp, cho biết: Trước khi sáp nhập, bản có hơn 30 hộ dân, 100% là đồng bào dân tộc Mông. Sau khi sáp nhập 3 bản với nhau, dân số tăng lên 182 hộ, cụm bản gần nhất cách 5 km, xa nhất từ bản Nà Ngụa đến trung tâm bản sau sáp nhập gần 20 km; dân cư, đảng viên đông, địa bàn rộng, nên khi kiêm “hai vai” gặp khó khăn trong công tác quản lý, triển khai, thực hiện trực tiếp các chính sách đến từng hộ dân...
Giải pháp tháo gỡ
Tại xã Chiềng Ly, ban đầu có một số bản gặp khó khăn khi tổ chức lựa chọn, bầu trưởng bản, bởi ngoài việc nhiều người từ chối đảm nhận “một vai 2 gánh”, xã còn 2 trưởng bản được dân tín nhiệm nhưng chưa là đảng viên. Ông Lò Văn Thành, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Chiềng Ly, cho biết: Trước khi thực hiện chủ trương theo Kết luận 1037 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Đảng ủy xã đã chỉ đạo thực hiện quyết liệt các giải pháp và phân công cán bộ xuống các bản tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đến nay, xã đã tổ chức đại hội chi bộ ở 16/16 chi bộ nông thôn, hoàn thành nhân sự bí thư đồng thời là trưởng bản.
Để chủ trương bố trí bí thư chi bộ đồng thời là trưởng bản, tiểu khu, tổ dân phố phát huy hiệu quả, yếu tố nhân sự là điều quan trọng nhất. Trao đổi về giải pháp triển khai thời gian tới, đồng chí Nguyễn Đắc Lực, Bí thư huyện ủy Thuận Châu, cho biết: Ban Thường vụ Huyện ủy tiếp tục chỉ đạo các đảng bộ xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền chủ trương bí thư chi bộ, đồng thời là trưởng bản; cấp ủy chú trọng công tác định hướng; đối với chi ủy, chi bộ phối hợp với Ban công tác mặt trận bản thực hiện đầy đủ các bước trong quy trình lựa chọn, giới thiệu nhân sự là đảng viên tiêu biểu, có uy tín để giới thiệu ứng cử chức danh trưởng bản. Chỉ đạo cấp ủy các tổ chức cơ sở đảng rà soát, bồi dưỡng kết nạp đảng viên đối với các trưởng bản chưa phải đảng viên, đảm bảo quy trình. Đồng thời, chỉ đạo xây dựng kế hoạch bồi dưỡng kiến thức công tác xây dựng Đảng, nâng cao trình độ chuyên môn cho các bí thư đồng thời là trưởng bản...
Thường trực Huyện ủy giao UBND huyện chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tổ chức bầu trưởng thôn, bản, tiểu khu trước khi tổ chức đại hội chi bộ đảm bảo thực hiện tốt Kết luận số 1037 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Đến ngày 10/10, có 170/564 chi bộ tổ chức đại hội xong, đảm bảo nhân sự bí thư chi bộ đồng thời là trưởng bản, tiểu khu, tổ dân phố. Đến nay, Thị trấn và 5 xã Liệp Tè, Mường Bám, Nậm Lầu, Phổng Lập, Chiềng Ly đạt 100% số bản có bí thư chi bộ đồng thời là trưởng bản.
Dẫu còn khó khăn, song với sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền huyện, chủ trương bố trí bí thư chi bộ đồng thời là trưởng bản, tiểu khu, tổ dân phố từng bước thực hiện theo kế hoạch, theo đúng “ý Đảng, lòng dân”, tạo sự thống nhất, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, tạo khí thế mới trong mọi hoạt động ở khu dân cư, góp phần tích cực xây dựng Đảng, phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo bền vững ở cơ sở.
Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/nhung-nguoi-ganh-hai-vai-trach-nhiem-54246