Những người 'giữ hồn' di sản văn hóa (Bài 2): Phía sau danh hiệu

Nhằm tôn vinh, đề cao công lao của những 'báu vật sống' trong gìn giữ và phát huy di sản văn hóa, việc phong tặng, truy tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân là việc cần thiết và ý nghĩa. Tuy nhiên, phía sau danh hiệu cao quý ấy còn tồn tại không ít bất cập, khiến những người có tâm với di sản không khỏi băn khoăn.

Trò Xuân Phả được trình diễn tại Tuần lễ Văn hóa, du lịch Điện Biên - Thanh Hóa. Ảnh: Thùy Linh

Trò Xuân Phả được trình diễn tại Tuần lễ Văn hóa, du lịch Điện Biên - Thanh Hóa. Ảnh: Thùy Linh

Khắc khoải chờ vinh danh

Ngũ trò Viên Khê (dân ca Đông Anh) trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2017. Trên hành trình ghi danh ấy, không thể thiếu sự đóng góp của “con trò” Lê Thị Cảnh (thôn Viên Khê 1) - người đã có 35 năm gắn bó với Ngũ trò Viên Khê.

Ngũ trò Viên Khê cũng từng đứng trước nguy cơ mai một. Để văn hóa truyền thống của địa phương không bị thất truyền, khoảng từ năm 1989 đến nay, chị Cảnh cùng những người cao tuổi trong xã đã luôn nỗ lực kết nối, tập hợp những người có chung niềm đam mê nhằm thực hành và khôi phục lại các tích trò của Ngũ trò Viên Khê. Không chỉ hăng say luyện tập, chị Cảnh thường xuyên tổ chức tập luyện tại nhà cho con cháu, người thân trong gia đình và cộng đồng. Đến năm 2017, Ngũ trò Viên Khê được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Những đóng góp của chị Cảnh cho việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của Ngũ trò Viên Khê đều được người dân và chính quyền địa phương công nhận. Ấy vậy, trong những lần xét tặng danh hiệu “nghệ nhân ưu tú”, chị Cảnh đều không được phong tặng khiến ai cũng bất ngờ. Trong khi học trò của chị có người đã được công nhận là “nghệ nhân ưu tú”.

Cũng là người có nhiều đóng góp cho văn hóa dân gian, bà Cầm Thị Đành, xã Vạn Xuân (Thường Xuân) vẫn chưa được công nhận là “nghệ nhân ưu tú”. Được biết, bà Cầm Thị Đành là một trong số ít những người hiểu rất rõ các tri thức và việc thực hành các nghi lễ của lễ hội Nàng Han - di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2023. Tuy nhiên, bà Đành vẫn chưa được công nhận nghệ nhân ưu tú và huyện Thường Xuân hiện cũng không có ai là nghệ nhân ưu tú. Bà Cầm Thị Đành cho biết: "Tôi đã thực hành các nghi thức, tri thức dân gian từ khi ngoài 20 tuổi. Đến nay, tuổi đã ngoài 60 mà vẫn chưa được Nhà nước ghi nhận là nghệ nhân ưu tú".

Trao đổi về trường hợp bà Cầm Thị Đành, công chức Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thường Xuân, Cầm Bá Đức, cho biết: Bà Cầm Thị Đành chưa làm hồ sơ công nhận nghệ nhân ưu tú, bởi theo tiêu chuẩn xét danh hiệu nghệ nhân ưu tú có quy định người được công nhận có cống hiến được ghi nhận cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể do cá nhân nắm giữ. Mà lâu nay lĩnh vực bà đang nắm giữ hiếm thấy địa phương đề xuất khen thưởng nên bà không có giấy khen của huyện, hay tỉnh. Điều này dẫn đến việc dù bà có am hiểu và nhiều năm thực hành, truyền dạy tri thức dân gian nhưng vẫn chưa được phong tặng nghệ nhân ưu tú.

Nỗi niềm sau danh hiệu

Danh hiệu nghệ nhân trở thành niềm vinh dự, tự hào của mỗi người đã hết mình cống hiến cho văn hóa truyền thống. Để đạt được danh hiệu không hề đơn giản. Thế nhưng, phía sau danh hiệu ấy, vẫn còn những nỗi niềm, trăn trở...

Ngũ trò Viên Khê được trình diễn tại Liên hoan văn hóa các dân tộc tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Thùy Linh

Ngũ trò Viên Khê được trình diễn tại Liên hoan văn hóa các dân tộc tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Thùy Linh

Từ năm 1990, khi trò Xuân Phả được khôi phục lại đến khi phát triển nở rộ như ngày nay đều có công sức của ông Bùi Văn Hùng, thôn 1 xã Xuân Trường (Thọ Xuân). Ông Hùng chia sẻ: "Di sản văn hóa là tài sản thế hệ trước đã dày công hình thành nên, thế hệ con cháu cần dành tình yêu, đam mê cho văn hóa truyền thống và có trách nhiệm bảo vệ, phát huy các di sản văn hóa. Với tâm thế đó, mọi hoạt động của địa phương liên quan đến trò Xuân Phả tôi đều tích cực tham gia và truyền dạy, tổ chức các hoạt động văn hóa tại địa phương".

Những cống hiến của ông Hùng từ việc sưu tầm đến truyền dạy, phát huy giá trị của trò Xuân Phả đều được chính quyền và cộng đồng công nhận. Năm 2015, ông Bùi Văn Hùng được công nhận là nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể. Danh hiệu này đã khẳng định thêm những công hiến của ông cho văn hóa truyền thống.

Thế nhưng, theo Nghị định 109/2015/NĐ-CP về việc hỗ trợ đối với nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn, ông Hùng không thuộc những nghệ nhân có thu nhập thấp và hoàn cảnh khó khăn nên không được nhận trợ cấp.

Chiếu theo Nghị định 109/2015/NĐ-CP, tỉnh Thanh Hóa chỉ có 11/66 nghệ nhân được nhận trợ cấp. Bởi, theo quy định của nghị định này, chỉ những nghệ nhân thuộc hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người hàng tháng thấp hơn mức lương cơ sở do Chính phủ quy định; và những nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn mới được nhận hỗ trợ với các mức 700 nghìn đồng, 800 nghìn đồng và 1 triệu đồng/tháng, tùy từng hoàn cảnh. Chưa hết, nhiều người khi nhận trợ cấp dành cho nghệ nhân dân gian lại không được nhận trợ cấp mà trước đây họ đang hưởng; hoặc nếu đang hưởng trợ cấp khác thì không được nhận trợ cấp của nghệ nhân dù có hoàn cảnh khó khăn.

Ông Lê Hồng Triệu (sinh năm 1945), quê xã Hà Tân (Hà Trung) sinh ra đã thiệt thòi hơn những người khác. Ông bị mù bẩm sinh cả hai mắt. Nhưng ông lại có đam mê hát chèo và các nhạc cụ dân tộc. Với nhiều năm hoạt động và kinh nghiệm truyền dạy trong lĩnh vực văn hóa truyền thống, năm 2019, ông Triệu được công nhận là nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể. Sau đó, được sự quan tâm của địa phương, ông Triệu đã hoàn thiện hồ sơ để nhận trợ cấp hàng tháng ở mức cao nhất, 1 triệu đồng/tháng theo Nghị định 109/2015/NĐ-CP. Tuy nhiên, khi được nhận trợ cấp của nghệ nhân thì trợ cấp dành cho người khuyết tật nặng lâu nay ông đang hưởng đã bị cắt. Ông Lê Hồng Triệu chia sẻ: “Được công nhận là nghệ nhân trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể là một vinh dự của tôi. Nhưng được vinh danh và hưởng trợ cấp từ danh hiệu nghệ nhân tôi lại không được hưởng trợ cấp dành cho người khuyết tật. Trong khi tôi vẫn là người khuyết tật và vẫn đang cống hiến cho văn hóa truyền thống”.

Tương tự, nghệ nhân Nguyễn Thị Cốc (sinh năm 1937), quê xã Đông Khê (Đông Sơn) được công nhận là nghệ nhân ưu tú năm 2019 và được nhận trợ cấp hàng tháng ở mức 1 triệu đồng/tháng. Và vì được nhận trợ cấp hàng tháng này, bà Cốc đã không được nhận trợ cấp dành cho người khuyết tật nữa. Bà Nguyễn Thị Cốc chia sẻ: “Tôi bị khuyết tật một chân và được nhận trợ cấp hàng tháng. Đó là quyền lợi tôi được hưởng. Nhưng khi được công nhận nghệ nhân, tôi lại không được hưởng trợ cấp người khuyết tật. Cùng với đó, đã nhiều lần tăng lương cơ sở, nhưng mức trợ cấp cho nghệ nhân bao năm vẫn không được tăng theo”.

Nhận định về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Khê (Đông Sơn) Hoàng Văn Hóa cho biết: Địa phương hiện còn 7 nghệ nhân (đã mất 5 nghệ nhân), trong đó chỉ có 1 nghệ nhân được hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng theo Nghị định 109/2015/NĐ-CP. Bởi, việc xác định nghệ nhân có mức thu nhập thấp không có tiêu chí mà dựa vào tiêu chí, mức thang đánh giá hộ nghèo và cận nghèo. Mà Đông Khê đạt chuẩn NTM kiểu mẫu năm 2022 nên tỷ lệ hộ nghèo thấp. Do đó, không có nghệ nhân nào thuộc diện hộ nghèo. Chỉ có nghệ nhân Nguyễn Thị Cốc được nhận trợ cấp bởi bà là người khuyết tật. Nhưng khi bà được hưởng trợ cấp của nghệ nhân thì lại bị cắt trợ cấp của người khuyết tật. Trong khi, dù là người khuyết tật nhưng lâu nay bà vẫn tham gia các hoạt động trình diễn, sưu tầm, truyền dạy văn hóa truyền thống của địa phương.

Phó Chủ tịch UBND xã Hà Tân (Hà Trung) Đoàn Thị Hương cho biết: Nghệ nhân là những người tham gia tích cực trong lĩnh vực văn hóa được Nhà nước vinh danh. Bởi vậy, nên có chế độ đãi ngộ xứng đáng với cống hiến của họ để họ được động viên tinh thần và tích cực, trách nhiệm hơn trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa. Bởi, rất nhiều nghệ nhân có cuộc sống khó khăn nhưng do điều kiện không đáp ứng các tiêu chí Nghị định 109/2015/NĐ-CP nên họ không được nhận hỗ trợ hàng tháng.

Nghệ nhân dân gian là những người có đam mê với văn hóa truyền thống, có tài năng đặc biệt. Họ luôn tự rèn luyện, tự trau đồi để cống hiến, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Mỗi nghệ nhân dân gian được ví như “bảo tàng sống”, “di sản sống”, là người “truyền lửa” văn hóa dân gian. Chính vì vậy, cần thiết phải có những chính sách hỗ trợ thiết thực, phù hợp để họ có thể “tiếp lửa” tình yêu văn hóa truyền thống đến thế hệ kế cận.

Nhóm Phóng viên

Bài cuối: Giữ nguồn “dưỡng nuôi” di sản

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/nhung-nguoi-giu-hon-di-san-van-hoa-bai-2-phia-sau-danh-hieu-231052.htm