Những mùa len trâu sót lại
Mùa len trâu chỉ xuất hiện vào những năm nước nổi tràn đồng, ngập sâu, cỏ cây lút ngọn, chủ trâu phải len (lùa) đi tìm đồng cỏ khác. Giờ đây, khi con nước nổi miền Tây Nam bộ ngày một thất thường, những mùa len trâu cũng sẽ lùi dần vào ký ức.
Trả ơn con vật trung thành
Ngọn gió bấc ngày càng thổi mạnh, vỗ từng chập vào vách lá của căn chòi nằm thoi loi bên bờ đê giữa bốn bề nước nổi của Đồng Tháp Mười.
Lão nông Năm Hiệp (Trần Văn Hiệp, 79 tuổi, quê xã Phú Đức, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp) ngồi hóp ngụm nước trà dưới tán tre, thoáng chốc lại đưa mắt ngóng xa xăm ra đồng nước.
Chỉ cho chúng tôi những "vệt đen" đang di chuyển trên đồng nước phía xa xa, ông Năm Hiệp quả quyết, đó là những đàn trâu di trú đang tất bật trở về chuồng, sau mấy tháng ròng chạy… lũ.
Bởi thời điểm này, nước trên các cánh đồng ngập lũ bắt đầu rút, chảy ngược ra sông, sắp cuối mùa nước nổi đồng bằng Châu thổ này.
Rồi lão đưa chúng tôi ngược dòng ký ức về những tháng ngày xưa cũ. Theo lời kể của lão, mùa len trâu thường chỉ xuất hiện vào những năm lũ lớn ở miền Tây Nam bộ như: năm Thìn bão lụt 1968, năm 1996, năm 2000.
Lúc bấy giờ, cả vùng Đồng Tháp Mười chìm trong biển nước, nhà cửa, vườn tược, lúa thóc của người dân hư hỏng, thiệt hại không sao kể xiết.
Ngoài đồng cỏ cây lút ngọn, ngập sâu. Trong nhà, tuyến lộ nông thôn nhiều nơi cũng bị vỡ, nước tràn qua lênh láng, trâu bò không có chỗ đứng chân.
Vậy là sau khi dựng chiếc lều tạm ở gò đất cao còn sót lại ven đường cho vợ con trú ngụ, ông Năm Hiệp cùng với năm, sáu người đàn ông trong làng lùa đàn trâu hơn 60 con vượt những cánh đồng nước lũ đi tìm sự sống.
Nhìn tứ bề trắng xóa nước, vợ ông cảm thấy lo âu, không muốn chồng mình mạo hiểm, vượt đồng nước sâu. "Tôi vừa trấn an, vừa giải thích cho bả hiểu. Đoàn đi có tận sáu người, chứ phải mình tôi đâu mà sợ.
Trâu quanh năm vất vả cày bừa, giúp mình làm ra hạt lúa. Giờ nước lũ ngập sâu, không còn cỏ cho ăn, không đầy một tháng là cả bầy trâu trơ xương, chết đói. Len trâu đi đồng xa kiếm cỏ rất cực, nhưng đó là cách để người chủ trả ơn cho con vật trung thành", lão nói.
Dẫu phải nén nước mắt vào lòng, bấm bụng để cho chồng mạo hiểm, vợ ông Năm Hiệp đã âm thầm chuẩn bị cà ràng, nồi niêu, xoong chảo, củi, gạo, mắm, muối… xuống chiếc xuồng cui. "Đêm đó, trời chưa rạng sáng là tụi tôi đã lên đường", lão Năm Hiệp kể tiếp.
Lão vẫn nhớ như in hành trình đầy gian nan, vất vả của những mùa len trâu ấy. Xuồng cứ chống, cứ dí ở hai bên và phía sau, len đàn trâu đi tới. Đoạn đường từ huyện Tam Nông tới Gò Gòn, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp, tiếp giáp biên giới Campuchia, cả đoàn người và trâu phải đi mất một ngày trời, vượt bao cánh đồng nước lũ.
"Đến nơi cũng là lúc xế chiều, xung quanh có rất nhiều đàn trâu từ nơi khác cũng chạy về Gò Gòn tránh lũ. Đó là một gò đất cao lớn còn nhô lên khỏi mặt nước lũ, với những bờ cỏ xanh cuối cùng còn sót lại quanh giồng đất. Trên bờ rắn rết hiểm nguy, dưới nước đỉa tựa bánh canh, muỗi kêu như sáo thổi, những người len trâu phải bấm gan mà chịu đựng", ông Năm Hiệp nhớ lại.
Lùi dần vào ký ức
Để tiếp cận đàn trâu, chúng tôi nhờ anh Lắm, thanh niên 30 tuổi ở địa phương dùng vỏ lãi đưa vào tận đồng sâu. Đàn trâu hơn trăm con đang ào ào vượt cánh đồng nước nổi. Cũng là người nuôi trâu nên Lắm biết ngay đây là đàn trâu lạ, "chạy lũ" được len từ đồng khác tới.
Rồi chỉ tay về phía con trâu mộng đang hùn hụt tiến về phía trước, Lắm quả quyết đó con đầu đàn. Phía sau, cả trăm con trâu lao theo làm nước văng tung tóe. Đến một bờ kênh khá sâu, khi cả đàn đang do dự thì một thanh niên leo hẳn lên lưng con trâu mộng rồi thúc hai chân vào hông nó. Giây phút con trâu lao ùn xuống dòng nước để vượt sông, khiến cả đàn trâu cũng lao theo xuống nước.
Trong đoàn người len trâu, có một người đàn ông với màu da rám nắng, ngoài 50 tuổi. Ông cho biết tên Lê Văn Dự, nhà ở huyện biên giới Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. Do khu vực ông sinh sống tiếp giáp với biên giới Campuchia nên mỗi năm nước nổi về là cánh đồng tràn ngập nước.
Đầu mùa, ông Dự còn có thể cắt cỏ ven đường, dọc triền đê cho trâu ăn lót dạ. Dần dần, nước dâng cao, cỏ ngoài đồng lút ngọn thì cả xóm phải len trâu đi tìm những cánh đồng cỏ khác, những gò đất cao hơn, nơi những thảm cỏ xanh còn xót lại.
Giải thích vì sao phải lùa trâu vượt đồng nước vừa gian nan, vất vả, vừa mất nhiều thời gian, ông Dự bảo: "Coi vậy chứ nó an toàn, lại ít tốn kém chi phí hơn vận chuyển bằng xe tải. Bởi vì len trâu với số lượng lớn, có khi lên đến vài trăm con nên việc lùa lên, xuống xe tải rất khó khăn, đi đường giằn xốc, đàn trâu rất mệt.
Còn len đi trên đồng, tới đâu có cỏ là dừng lại cho trâu ăn ở đó, có khi một hai ngày, rồi đi tiếp, hỏng chừng".
Anh Tuấn, một chủ trâu trong đoàn nói xen vào, hồi đó ba anh kể rằng, đường xá còn chưa hoàn thiện, nhỏ hẹp, lùa trâu trên đường chỉ có thể đi lúc nửa đêm. Còn khi trời rạng sáng là phải lùa trâu xuống đồng ruộng ngập nước, len đi.
"Vậy rồi ngâm nước mát mình, đàn trâu không chịu lên đường đi bộ nữa. Ba tui với mấy người hàng xóm cứ vậy len trâu vượt hết cánh đồng nước nổi này đến cánh đồng lũ khác. Mùa len trâu chạy lũ hàng năm đã trở thành cuộc di cư lớn của con người và hàng nghìn con trâu đi tìm sự sống", anh Tuấn chia sẻ.
Dẫu len trâu lắm gian nan, vất vả nhưng với những lão nông cố cựu vùng đất Phương Nam như ông Năm Hiệp, ông Dự… lại bồi hồi, nhung nhớ mỗi khi con nước nổi tràn đồng. Bởi mùa len trâu đã gắn liền với ký ức tuổi thơ của bao nhiêu thế hệ, trở thành bức tranh thiên nhiên độc đáo riêng có của mùa nước miền Tây Nam bộ.
Giờ đây, khi đồng bằng Châu thổ Cửu Long đang đối mặt với những tác động của biến đổi khí hậu cực đoan, tạo ra những thay đổi bất thường về mùa vụ, gây xáo trộn hệ sinh thái tự nhiên, mùa nước nổi cũng ngày một thất thường, kém nước.
"Có thể, đây là mùa len trâu còn sót lại, hiếm hoi. Con nước nổi không về thì mùa len trâu cũng chỉ còn trong ký ức!..", ông Dự nói trước khi chia tay tôi để trở về nhà, kết thúc hành trình của mùa len trâu năm nay.
Đàn trâu tiếp tục nối đuôi nhau băng qua những cánh đồng ngập lũ buông khi những giọt nắng cuối ngày buông dài trên cánh đồng biên giới Tây Nam, mùa gió bấc.
Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/nhung-mua-len-trau-sot-lai-192241124141451911.htm