Những người 'giữ lửa' nghề dệt lụa Nha Xá
Cởi mở, tâm huyết và luôn đau đáu với sự sống còn của làng nghề hơn 700 năm tuổi - đó là cảm nhận đầu tiên của tôi về anh Nguyễn Tiến Quảng, nguyên Chủ tịch hiệp hội lụa Nha Xá (xã Mộc Nam, Duy Tiên), hiện là Phó Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Du lịch sinh thái dệt lụa Hồng Tiến Nha Xá.
Cởi mở, tâm huyết và luôn đau đáu với sự sống còn của làng nghề hơn 700 năm tuổi - đó là cảm nhận đầu tiên của tôi về anh Nguyễn Tiến Quảng, nguyên Chủ tịch hiệp hội lụa Nha Xá (xã Mộc Nam, Duy Tiên), hiện là Phó Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Du lịch sinh thái dệt lụa Hồng Tiến Nha Xá.
Là một trong những người “giữ lửa” và luôn khát khao đưa sản phẩm và văn hóa của làng nghề truyền thống đến với bạn bè trong nước, quốc tế, nhiều năm qua, anh đã đồng hành cùng những nghệ nhân, thợ giỏi của làng tìm hiểu, nghiên cứu thị trường để tạo ra những sản phẩm lụa cao cấp. Với những đường nét hoa văn tinh tế, những mảng màu đa sắc, sản phẩm lụa Nha Xá đã vượt ra khỏi “lũy tre làng”, có mặt rộng khắp thị trường trong nước và đang từng bước vươn tới thị trường quốc tế.
Tiếp chúng tôi tại văn phòng của HTX, vẫn đau đáu những câu chuyện đời, chuyện nghề, anh Nguyễn Tiến Quảng chia sẻ: Sinh ra từ làng, gắn bó với nghề cũng đã gần cả đời người, có trải qua bao thăng trầm cùng cái nghề “cha truyền con nối” như tôi mới hiểu hết được những nhọc nhằn cũng như tâm huyết giữ nghề của những lao động ở làng, được tiếp nối từ đời này sang đời khác. Tính từ khi xuất hiện những chiếc khung cửi được làm thô sơ từ cây gỗ xoan trong vườn, với những sản phẩm dệt chủ yếu là hàng xăm vặn để cung cấp cho những người làm nghề vợt bắt cá bột trên sông Hồng hay những chiếc bao tượng, tay nải và những vật dụng đơn giản phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân trong vùng đến nay cũng đã hơn 700 năm. Điều đáng tự hào là làng nghề dệt lụa truyền thống Nha Xá vẫn sống bền bỉ và ngày càng phát triển, tạo nên những bản sắc riêng có cho vùng đất trù phú ven sông Hồng nói riêng, và cho quê hương Hà Nam nói chung... Tiếng lành đồn xa, rất nhiều người đã tìm về với Nha Xá không chỉ để chọn cho mình và bạn bè những vuông lụa như ý, mà còn để thỏa mãn những ham muốn được học hỏi, tìm hiểu, khám phá và trải nghiệm cùng nghề dệt. Dù những sản phẩm tự tay làm ra còn vụng về, nhưng đối với nhiều du khách, đó chính là điều thú vị nhất khi đến với làng lụa Nha Xá.
Cửa hàng giới thiệu sản phẩm may mặc thiết kế từ chất liệu lụa Nha Xá của cơ sở dệt lụa Thúy Sơn (xã Mộc Nam, thị xã Duy Tiên). Ảnh: Thu Minh
Giống như anh Nguyễn Tiến Quảng, chị Phạm Thị Ngọc Liên, Phó Chủ tịch HTX Du lịch sinh thái dệt lụa Hồng Tiến Nha Xá, chủ cơ sở dệt lụa Liên Thực có tiếng trong vùng, cũng là người tâm huyết “giữ lửa” nghề của làng, chị chia sẻ: Dù không sinh ra và lớn lên ở làng nghề nhưng cái duyên đã đưa tôi đến với nghề và gắn bó với nghề dệt lụa cũng đã gần 30 năm. Vốn sinh ra ở làng Từ Đài, xã Chuyên Ngoại (thị xã Duy Tiên), nơi nổi tiếng với nghề ươm tơ để cung cấp cho làng dệt lụa Nha Xá, nên từ nhỏ tôi đã rất thích nghề dệt lụa nơi đây. Vì thế, ngay sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, tôi đã xin cha mẹ đến làng Nha Xá để học nghề dệt lụa và khi thành nghề cũng là lúc tôi bén duyên với anh Nguyễn Văn Thực, nay là một trong 2 nghệ nhân của làng dệt Nha Xá. Gần 30 năm qua, tiếp nối nghề dệt lụa truyền thống của gia đình, tôi đã dành cả tình yêu, thanh xuân và đam mê cho nghề...
Được biết, hiện cơ sở của gia đình chị là một trong số ít những cơ sở trong làng có thể đảm nhận tất cả các công đoạn dệt lụa, từ kéo sợi, dệt, tẩy nhuộm đến khâu hoàn thiện sản phẩm và xuất bán ra thị trường. Bình quân, mỗi tháng cơ sở sản xuất và tiêu thụ khoảng 14 nghìn mét vải lụa các loại từ cao cấp đến bình dân. Hôm dẫn người bà con từ Mỹ trở về, đến thăm cơ sở sản xuất của gia đình chị, nghe chị Liên giới thiệu về những sản phẩm lụa dệt của gia đình, chị tôi đã mê mẩn mua một sấp lụa các màu mang sang Mỹ để làm quà. “Hữu xạ tự nhiên hương”, những vuông lụa mềm mướt cứ thế theo chân du khách đi xa.
Rời cơ sở sản xuất của gia đình chị Liên, theo chân anh Nguyễn Tiến Quảng, chúng tôi đến thăm cơ sở sản xuất lụa Thúy Sơn, chủ cơ sở là chị Lương Thị Thúy. Chỉ tay vào những dãy kệ trưng bày sản phẩm trống trơn của gia đình chị Thúy, anh Quảng cười bảo: Chưa năm nào lụa Nha Xá “cháy hàng” như năm nay. Hơn hai năm đại dịch Covid - 19 bùng phát đã tác động trực tiếp đến đời sống của những người dân làng nghề. Thị trường tiêu thụ truyền thống gần như bị “đóng băng”. Nhưng “trong cái khó lại ló cái khôn”, với tư duy kinh tế nhanh nhạy, người dân làng nghề đã chủ động tiếp cận với phương thức kinh doanh mới, đó là phát triển kênh bán hàng online. Nếu như trước khi có dịch, cả làng chỉ có 40% cơ sở sản xuất, kinh doanh online, sau dịch số cơ sở tham gia thị trường thương mại điện tử đã tăng lên 80%.
Hiện, ở Nha Xá có 150 hộ trong làng đều làm nghề dệt, với 375 máy dệt các loại, bình quân một năm sản xuất và tiêu thụ từ 600 - 960 nghìn mét lụa các loại. Nghề dệt phát triển đã đem lại cuộc sống khấm khá và bình yên cho người dân làng Nha Xá. Đặc biệt, sau khi Hiệp hội Lụa Nha Xá được thành lập đã góp phần làm thay đổi tư duy và cung cách làm ăn của những người lao động làng nghề. Người lao động đã có sự liên kết trong sản xuất và tiêu thụ, không còn kiểu “mạnh ai nấy làm”. Chất lượng và uy tín sản phẩm cũng vì thế ngày càng được nâng cao. Đến thời điểm này Nha Xá được coi là địa phương đứng số 1 trong cả nước về sản lượng cũng như chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, khi được hỏi về những mong ước của người dân làng nghề hiện nay là gì, sau phút trầm tư, anh Quảng bộc bạch: Là người có thâm niên 6 năm lăn lộn cùng Hiệp Hội lụa Nha Xá ngay từ những năm đầu mới thành lập, với vai trò là người đứng đầu, đã bao lần tôi “mang chuông đi đấm xứ người”, cứ ở đâu có hội chợ, triển lãm là tôi có mặt, với mong muốn tìm kiếm, mở rộng thị trường, đưa sản phẩm dệt lụa của Nha Xá đến với người tiêu dùng một cách nhanh nhất và hiệu quả nhất. Nhưng cũng chính qua những lần tham gia hội chợ, triển lãm thương mại, làng nghề, trong lòng tôi lại trĩu nặng những trăn trở: Làm sao để nghề dệt lụa Nha Xá sống khỏe và giữ được bản sắc? Làm sao giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường ở Nha Xá tồn tại bao lâu nay? Làm sao để có được sự đồng hành của cấp ủy, chính quyền trong việc tháo gỡ những khó khăn cho làng nghề? Dường như bấy lâu nay, người dân làng nghề tự dò dẫm tìm hướng đi. Để tự cứu lấy mình, người dân làng nghề đã tự đầu tư hàng tỷ đồng để xây dựng hệ thống xử lý nước thải từ công đoạn tẩy, nhuộm trước khi xả ra môi trường, hạn chế tối đa mức độ ô nhiễm.
Cũng theo anh Quảng, từ năm 2021, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) và NTM mới kiểu mẫu của xã Mộc Nam và định hướng của UBND thị xã Duy Tiên về phát triển du lịch tâm linh trong chuỗi kết nối các địa danh Tam Chúc, chùa Long Đọi Sơn, đền Lảnh Giang và trải nghiệm tham quan tại làng nghề dệt lụa truyền thống Nha Xá, HTX Du lịch sinh thái Dệt lụa Hồng Tiến Nha Xá đã được thành lập và anh bàn giao lại vị trí Chủ tịch Hiệp hội Dệt lụa Nha Xá để bắt tay vào xây dựng HTX Du lịch sinh thái Dệt lụa Hồng Tiến Nha Xá với cương vị phó giám đốc.
Mặc dù, thành lập vào đúng thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh nhưng ngay sau khi dịch Covid- 19 được kiểm soát, các hoạt động kinh tế du lịch được phục hồi, với sự hỗ trợ, tạo điều kiện của ngành văn hóa, thể thao và du lịch Ninh Bình, đặc biệt, là doanh nghiệp Xuân Trường, HTX đã có một gian hàng giới thiệu sản phẩm ở phố cổ Hoa Lư (Ninh Bình). Đó chính là cơ hội tốt để HTX quảng bá giới thiệu sản phẩm và đưa văn hóa truyền thống của làng nghề đến với du khách...
Là một người tâm huyết, gắn bó và hiểu nghề, với vai trò là Phó Giám đốc HTX, anh Quảng mong muốn, ngoài những nỗ lực của những người “giữ lửa”, rất cần có sự đồng hành thực sự của cấp ủy, chính quyền địa phương, các ngành chức năng.
Kinh tế phát triển, đời sống người dân ngày càng khấm khá, văn hóa truyền thống được giữ gìn và phát huy, cả làng không có nghiện hút, không tệ nạn xã hội, cảnh quan môi trường ngày càng được cải thiện, Nha Xá đang hướng tới trở thành một điểm dừng chân hấp dẫn trong tuyến du lịch Hà Nội - Tràng An (Ninh Bình). Hy vọng rằng, với sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền địa phương, các ngành chức năng, những mơ ước, khát vọng của người dân Nhá Xá sớm trở thành hiện thực.