Những người không nên ăn bột sắn dây

Bột sắn dây là thức uống được nhiều người yêu thích, đặc biệt là trong mùa hè, nhưng không phải ai cũng có thể sử dụng được bột sắn dây.

Thành phần dinh dưỡng của bột sắn dây

Bài viết của BS Nguyễn Thu trên Báo Sức khỏe & Đời sống cho biết, sắn dây có hàm lượng carbohydrate tự nhiên cao, tinh bột sắn có thể được chiết xuất và làm thành bột làm bánh, nguyên liệu nấu chè, làm nước giải khát, nguyên liệu cho các món súp, cháo.

Theo y học cổ truyền, tinh bột sắn dây vị ngọt, tính mát, vào được các kinh tỳ, vị và phế. Bột sắn dây còn công dụng tán nhiệt, tuyên độc, giải biểu, thấu chẩn, sinh tân dịch, chỉ tả, giải co giật, chỉ khát, giải độc rượu, thoái nhiệt, giải cơ và thăng đề vị khí; thường được dùng để chữa chứng biểu nhiệt, làm cho ra mồ hôi, tiêu độc, chữa đau vai gáy, viêm họng, nhức đầu.

Bột sắn dây có khả năng giúp cải thiện các dấu hiệu trao đổi chất, chẳng hạn như lượng đường trong máu và mức cholesterone. làm giảm tốc độ tiêu hóa thức ăn, hỗ trợ ngăn ngừa các căn bệnh do rối loạn trao đổi chất như béo phì, tiểu đường và các bệnh tim mạch.

Những người không nên sử dụng bột sắn dây

Bột sắn dây tuy tốt cho sức khỏe nhưng không phải ai cũng có thể ăn được.

Bột sắn dây tốt cho sức khỏe nhưng không phải ai cũng có thể uống được

Bột sắn dây tốt cho sức khỏe nhưng không phải ai cũng có thể uống được

Báo Thanh Niên dẫn lời Thạc sĩ, bác sĩ Kiều Xuân Thy, Phó trưởng Cơ sở 3, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết dưới đây là những người được khuyến cáo không nên ăn bột sắn dây:

Người cơ địa mệt mỏi, hay lạnh tay chân.
Người được chẩn đoán âm hư hỏa vượng, thương thực hạ hư.
Người đang sốt cảm giác lạnh.
Ở phụ nữ có thai cần được tham vấn bởi bác sĩ chuyên khoa.
Không sử dụng bột sắn dây bị biến màu, mùi, hoặc xuất hiện ẩm mốc.
Mỗi ngày chỉ nên sử dụng 1 ly nước sắn dây.
Không dùng trong thời gian quá dài. Không cho quá nhiều đường vào bột sắn dây.

Cách phân biệt bột sắn dây nguyên chất

Ngày nay vì lợi nhuận, nhiều người thường hay trộn bột sắn thường với bột sắn dây để kiếm lời. Vì vậy, khi mua người tiêu dùng cần thận trọng, tốt nhất là nên tự mình mua củ sắn dây tươi về tự chế biến hoặc thuê các cơ sở có uy tín và đảm bảo vệ sinh.

- Bột sắn dây thật là loại bột hạt to, sắc cạnh, màu trắng tinh khiết, hương thơm tự nhiên đặc trưng của bột sắn dây, bột khô, không ẩm. Khi đưa lên miệng cắn, bột sắn dây thật có vị giòn tan, tan nhanh trong miệng và thấy ấm nơi đầu lưỡi. Bột sắn dây sau khi tan ra lưỡi chúng ta sẽ cảm nhận được sự mềm mịn và không có hạt sạn nào cả.

- Ngược lại, nếu là bột sắn dây giả, bột có lẫn nhiều tạp chất thì viên bột không sắc cạnh, hạt nhỏ. Khi quan sát không có màu trắng tự nhiên, thường không có mùi thơm hoặc rất nặng mùi, khi cắn thử thấy viên bột mềm.

- Ngoài ra, khi đi mua bột sắn dây, bạn không nên mua loại bột đã được ướp hoa bưởi vì rất dễ bị mốc, hoặc do người làm giả ướp hoa bưởi lên để khử mùi ẩm mốc của bột sắn dây giả. Vì vậy, bạn nên mua bột thật khô, thật giòn thì mới để được lâu.

Trên đây là thông tin giải đáp về những người không nên uống bột sắn dây. Nếu bạn thuộc nhóm những người trên hãy tránh xa loại thực phẩm này nhé.

Hạ An (Tổng hợp)

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/nhung-nguoi-khong-nen-an-bot-san-day-ar883476.html