Những người không nên ăn trứng gà để tránh ảnh hưởng xấu đến sức khỏe

Thông thường, tác hại của quả trứng gà lên cơ thể chỉ xảy ra khi ăn quá số lượng cần thiết với mức hấp thu của cơ thể, nhưng có một số người dù ăn ít hay nhiều cũng sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

(Ảnh: Getty images)

(Ảnh: Getty images)

Trứng gà là một thực phẩm rất bổ dưỡng, có thể kết hợp với nhiều loại thực phẩm khác để tạo ra những món ăn hấp dẫn, cũng không cần mất quá nhiều thời gian để chế biến.

Vậy, trứng gà mang lại những lợi ích gì cho sức khỏe? Nó có mang lại lợi ích cho tất cả chúng ta không?

1. Lợi ích của trứng gà

Trứng gà chứa một hàm lượng dinh dưỡng rất cao, có mùi vị thơm ngon. Trong trứng gà có đến 60% protein và nhiều vitamin, khoáng chất khác hỗ trợ tốt cho sức khỏe.

Cung cấp nguồn protein để phục hồi mô cơ

Cơ thể chúng ta cần đến protein để tăng dưỡng chất, phát triển cơ thể và hệ mô cơ. Mỗi quả trứng gà chứa nhiều protein nên đáp ứng tốt nhu cầu protein của cơ thể. Đặc biệt, trong trứng còn có nhiều axít amin thiết yếu cho cơ thể, cung cấp yếu tố vi lượng hoàn hảo.

Tốt cho sức khỏe thần kinh và não bộ

Trong trứng gà có một lượng choline lý tưởng giúp tạo ra acetylcholine tốt cho não bộ. Chất dẫn truyền xung động thần kinh acetylcholine sẽ giúp trí não tăng cường khả năng ghi nhớ.

Choline có trong trứng gà khi kết hợp với vitamin B2, B12 và tryptophan cũng làm giảm nguy cơ về các bệnh trầm cảm, làm giảm sự lo lắng, căng thẳng và giúp bạn ngủ ngon giấc hơn.

Phát triển hệ xương: Nếu ăn một lượng trứng gà vừa đủ sẽ rất tốt cho hệ xương của bạn. Hàm lượng vitamin D có trong trứng gà sẽ giúp tăng khả năng hấp thụ canxi và phốt pho giúp cho hệ xương luôn khỏe mạnh.

 (Ảnh: Getty images)

(Ảnh: Getty images)

Ngăn ngừa ung thư vú ở phụ nữ

Nếu ăn một lượng trứng phù hợp, phụ nữ sẽ giảm được đến 44% nguy cơ ung thư vú. Đặc biệt là trứng cũng có thể giúp hạn chế các gốc tự do phát triển giúp phụ nữ giữ được tuổi xanh và ngăn được tình trạng lão hóa hiệu quả.

Kiểm soát cholesterol xấu LDL

Lòng đỏ trứng có hàm lượng cholesterol HDL cao tự nhiên. Ăn trứng gà thường xuyên ngoài việc cung cấp cholesterol HDL cho cơ thể còn cân bằng lại cholesterol tổng thể bằng cách loại bỏ/vận chuyển cholesterol xấu LDL ra khỏi cơ thể.

Ngoài ra, trứng còn cung cấp một lượng omega 3 có khả năng lọc và giảm cholesterol xấu trong cơ thể.

Tốt cho mắt

Trong trứng gà có chứa nhiều hợp chất chống ôxy hóa có thể giúp giảm nguy cơ thoái hóa điểm vàng, đục thủy tinh thể. Bên cạnh đó, lượng vitamin A trong trứng cũng rất quan trọng, góp phần phòng tránh các bệnh về mắt.

 (Ảnh: Getty images)

(Ảnh: Getty images)

Hỗ trợ giảm cân

Trong một quả trứng có chứa gần như đầy đủ các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể. Chính vì thế, khi ăn trứng bạn có cảm giác no lâu hơn. Do đó, đây là thực phẩm thường được bổ sung trong chế độ ăn kiêng, giảm cân của rất nhiều người.

2. Vì sao không nên ăn nhiều trứng gà?

Dù có nhiều lợi ích nhưng trứng gà cũng gây ra nhiều nguy cơ đối với sức khỏe nếu ăn quá nhiều. Vậy nếu ăn quá nhiều có thể dẫn đến các hệ lụy gì?

Tăng nguy cơ đột quỵ, suy tim dẫn tới tử vong

Trứng có nguồn chất béo quý giá có khả năng giúp giảm cholesterol xấu. Tuy nhiên, một quả trứng có thể chứa đến 200mg cholesterol, vì vậy ăn trứng quá nhiều có thể dẫn đến tình trạng tăng cholesterol trong máu và xơ vữa động mạch.

Tăng nguy cơ xơ gan

Các chất protein, lipid, carbohydrate, vitamin tổng hợp và khoáng chất có trong trứng có thể kích thích tăng sản xuất men gan, hormone và tích tụ chúng trong gan, gây ra tình trạng xơ gan.

 (Ảnh: Getty images)

(Ảnh: Getty images)

Làm tăng lượng đường trong máu

Chất béo có trong trứng có ảnh hưởng đáng kể đến mức đường trong máu. Khi bạn ăn trứng quá nhiều, chất béo này có thể tăng kháng insulin, làm cho lượng đường trong máu không thể được sử dụng để cung cấp năng lượng như bình thường. Kết quả là tuyến tụy sẽ phải sản xuất nhiều insulin hơn để điều chỉnh, và mức đường trong máu sẽ tăng lên.

Đầy bụng

Ăn quá nhiều trứng có thể khiến hệ tiêu hóa bị ảnh hưởng. Triệu chứng đầy hơi sau khi ăn trứng sẽ thường gặp hơn ở những người bị dị ứng hoặc nhạy cảm với trứng nhưng chưa được chẩn đoán.

Nổi mụn nhọt

Trứng gà cũng chứa nhiều progesterone. Đây là một trong những “thủ phạm” gây ra mụn nhọt. Ngoài ra, chất albumin trong trứng sẽ khiến dạ dày khó tiêu hóa và hấp thu. Những tác động xấu đến dạ dày này sẽ khiến cho hệ thống bạch huyết bị tắc nghẽn làm cho các vùng da ở cằm và má dễ bị viêm, mụn nhọt sẽ càng khó lành hơn.

 (Ảnh: Getty images)

(Ảnh: Getty images)

3. Nên ăn bao nhiêu trứng là đủ?

Để hạn chế các tác hại của quả trứng gà đối với sức khỏe, bạn cần có một khẩu phần ăn thích hợp.

Trẻ nhỏ dưới 5-6 tháng, một tuần chỉ nên ăn 3 lần, mỗi lần một nửa lòng đỏ trứng gà dưới dạng nhuyễn như nấu bột hay nấu cháo.

Trẻ trên 7 tháng, mỗi bữa ăn 1/2 lòng đỏ trứng gà.

Trẻ từ 8-9 tháng tuổi, mỗi bữa ăn 1 lòng đỏ trứng gà.

Trẻ từ 10-12 tháng tuổi cho ăn cả lòng đỏ và lòng trắng và mỗi bữa ăn 1 quả.

Trẻ từ 1-2 tuổi ăn từ 3-4 quả/tuần

Với người lớn, một tuần chỉ nên ăn 3-4 lần trứng gà.

 (Ảnh: Getty images)

(Ảnh: Getty images)

4. Những người không nên ăn trứng

Tác hại của quả trứng gà lên cơ thể người thường sẽ chỉ xảy ra khi ăn quá số lượng trứng cần thiết với mức hấp thu của cơ thể. Tuy nhiên, với một số đối tượng dưới đây, dù ăn ít hay nhiều cũng sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Người đang sốt ăn trứng gà sẽ khiến nhiệt lượng của cơ thể tăng cao hơn.

Bệnh tiểu đường ăn nhiều trứng gà sẽ dẫn đến hiện tượng kháng insulin, tăng cholesterol trong máu và làm tăng nguy cơ gây ra các biến chứng tiểu đường.

Người bị bệnh gan ăn trứng sẽ gây tổn hại cho gan. Ăn trứng sẽ có nguy cơ xơ gan với những người có hiện tượng men gan cao.

Người mắc bệnh sỏi mật cũng không nên ăn quá nhiều trứng, bởi hàm lượng protein có nhiều trong trứng sẽ kích thích chức năng co bóp của túi mật làm cho người bệnh mệt hơn, dẫn đến các hiện tượng nôn mửa.

Người bị tiêu chảy ăn trứng sẽ khiến dạ dày bị rối loạn, gây ra khó tiêu và khiến cho tình trạng bệnh trầm trọng hơn.

Người cơ địa dị ứng với trứng gà. Trường hợp này sẽ dễ phát hiện khi trưởng thành. Nhưng có một số trẻ nhỏ dưới 6 tuổi dị ứng với trứng gà. Nên khi cho con trẻ ăn những lần đầu tiên, bạn hãy sử dụng một lượng nhỏ để thử trước khi ăn với số lượng lớn.

Người bị béo phì, huyết áp cao, các bệnh về tim mạch cũng nên hạn chế ăn trứng gà./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/nhung-nguoi-khong-nen-an-trung-ga-de-tranh-anh-huong-xau-den-suc-khoe-post958591.vnp