Những người nuôi giấc mơ an cư trong căn phòng trọ chật hẹp

Nhiều mảnh đời công nhân vẫn lay lắt sống qua ngày trong những khu trọ ẩm thấp, chật hẹp trong bối cảnh mục tiêu xây 1,2 triệu căn NOXH của Chính phủ vẫn chưa và thậm chí là khó có thể hoàn thành.

Những phòng trọ nhếch nhác, tạm bợ của người lao động

Một buổi sáng bình thường diễn ra trong căn nhà trọ nhỏ của anh Hồ Văn Chanh (35 tuổi, Hòa Bình) bắt đầu bằng việc nấu đồ ăn dặm cho con nhỏ mới chưa đầy 6 tháng tuổi.

Vì mưu sinh, vợ chồng anh Chanh phải đi làm công nhân tại Khu công nghiệp VSIP, Ninh Bình với đồng lương chỉ đủ "cơm ăn 3 bữa, quần áo mặc cả ngày".

Anh Chanh cho biết bản thân đã có 6 năm làm việc tại nơi đất khách quê người, cũng là 6 năm vợ chồng cái con chen chúc trong căn trọ chật hẹp với diện tích chưa đến 15m2 tọa lạc tại phường Phù Chẩn, Thành phố Từ Sơn, Bắc Ninh.

Căn phòng nhỏ được gia đình anh Chanh thuê với giá 1,2 triệu đồng/tháng, thêm cả điện nước và các chi phí phát sinh vào có giá xấp xỉ 2 triệu đồng.

Là nơi chui ra chui vào của cả một gia đình nhỏ, căn trọ lại nhếch nhác, mọi sinh hoạt bị bó gọn trong không gian chật hẹp và bí bách, mùa hè thì nóng, mùa đông thì lạnh.

Nhưng theo anh Chanh chia sẻ: "Với đồng lương ít ỏi của công nhân lao động, việc ở trong những căn trọ như này là điều bắt buộc bởi chúng tôi không còn lựa chọn nào khác".

Căn phòng nhỏ nhếch nhác được thuê với giá 1,2 triệu đồng/tháng, thêm cả điện nước và các chi phí phát sinh vào có giá xấp xỉ 2 triệu đồng.

Căn phòng nhỏ nhếch nhác được thuê với giá 1,2 triệu đồng/tháng, thêm cả điện nước và các chi phí phát sinh vào có giá xấp xỉ 2 triệu đồng.

Trước đây nhà anh có một bé lớn sinh năm 2015 ở cùng bố mẹ, nhưng mới đây gia đình sinh thêm em bé, phải gửi con lớn về cho ông bà nội trông. Phần vì bố mẹ đi làm không có thời gian chăm sóc, phần vì diện tích phòng trọ quá nhỏ không đủ để cho 4 người cùng sinh sống.

Mỗi tháng, vợ chồng anh Chanh có thu nhập khoảng 16-17 triệu đồng, gia đình 2 con nên chi tiêu cũng tốn kém. Cho biết vài tháng trở lại đây, đơn hàng tại nhà xưởng suy giảm nên thu nhập của hai vợ chồng cũng bị hạn chế, vì vậy gần như không bỏ ra được đồng tiền tiết kiệm nào.

Suốt 6 năm lặn lội nơi đất khách, trải qua 3 năm Covid-19 hoành hành, vợ chồng anh chị chỉ bỏ ra chưa tới 200 triệu đồng tiền vốn. Mong muốn có một căn nhà nhưng với số tiền này anh Chanh tự nhận thức bản thân rất khó chạm tới giấc mơ an cư.

Chia sẻ với Người Đưa Tin, anh Chanh cho biết mục tiêu của 2 vợ chồng là trong 2 năm tới sẽ mua nhà giá rẻ nếu có "suất". Còn nếu không mua được nhà, anh chị sẽ về quê sinh sống với số vốn ít cóp được trong ngần đấy năm tha hương cầu thực.

Cũng là người dân lao động từ tỉnh khác tới, chị Hoàng Thị Thu (Yên Bái, 25 tuổi) đang làm việc tại Khu công nghiệp Nội Hoàng, Yên Dũng, Bắc Giang dù tuổi còn trẻ nhưng đã đi làm công nhân tại đây được gần 5 năm.

Chị vừa kết hôn được chưa đầy 1 năm, giờ cả hai vợ chồng đều làm việc trong một công ty sản xuất linh kiện điện thoại của nước ngoài với thu nhập khoảng 6-8 triệu đồng/tháng.

Nhiều mảnh đời công nhân vẫn lay lắt sống qua ngày trong những khu trọ ẩm thấp, chật hẹp.

Nhiều mảnh đời công nhân vẫn lay lắt sống qua ngày trong những khu trọ ẩm thấp, chật hẹp.

Không đến mức phải "chạy ăn từng bữa" nhưng chị Thu chia sẻ đời sống công nhân cũng khó dư dả, mỗi tháng nghe tin có hiếu hỉ giỗ chạp là vẫn giật mình thon thót vì các khoản phải chi. Trong đó, tiền thuê nhà, điện nước là bắt buộc mỗi tháng đã ngốn của hai vợ chồng hơn 2 triệu đồng.

Khi được hỏi về việc có muốn sở hữu một căn nhà của riêng mình tại nơi làm việc, chị Thu cho biết bản thân xác định làm đến năm 30 tuổi sẽ về quê sinh sống chứ không gắn bó với mảnh đất này nên không tìm hiểu kỹ. Một số thông tin chị nghe được các đồng nghiệp truyền tai nhau về hình thức căn hộ này lại khá tiêu cực.

"Tôi có nghe về nhà giá rẻ 700 – 800 triệu/căn cho trả góp lâu lâu đấy, nhưng họ bảo khó mua lắm, giấy tờ làm thì đủ thứ, bọn tôi dân lao động có biết gì nhiều chữ nghĩa đâu để làm được cái đó. Mấy đứa làm cùng còn trêu nhau bảo lên mạng mà mua, còn khướt mới tới lượt chúng mình", chị Thu thật thà chia sẻ.

Những ước mơ an cư xa tầm với

Các trường hợp trên chỉ là một trong số hàng triệu lao động ngoại tỉnh đổ về các tỉnh, thành phố có khu công nghiệp để làm việc. Phải đến tận nơi ăn ở, sinh sống của người công nhân mới thấu hiểu được nỗi vất vả của những mảnh đời lao động nhập cư, ngoại tỉnh.

Dù phải xa quê hương nhưng họ cũng chỉ nhận về đồng lương ít ỏi, chỉ dám sống trong những khu trọ ẩm mốc, mất vệ sinh, thiếu an toàn.

Khi được hỏi về mong muốn được sở hữu một căn nhà khang trang của riêng mình để ổn định cuộc sống thì đa phần người lao động đều cho rằng đó là một ước mơ khó chạm tay vào.

Theo Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, hiện nay, trên cả nước đang có 3,78 triệu công nhân lao động trực tiếp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất. Trong số đó, có khoảng 1,8 triệu lao động có nhu cầu về nhà ở. Đối với công nhân ngoài các khu công nghiệp, số lượng có nhu cầu càng lớn hơn.

Khảo sát của tổ chức Công đoàn cũng cho thấy, người lao động đang sống trong các phòng trọ chật chội, ẩm thấp, thiếu ánh sáng, nóng bức với tiền thuê từ khoảng 800 nghìn đồng - 1,5 triệu đồng/tháng.

Có trên 60% số công nhân lao động đang phải thuê trọ tại các khu nhà trọ do người dân tự đầu tư xây dựng thiếu tiện ích, không bảo đảm an ninh, an toàn.

Nhu cầu về NOXH dành cho người thu nhập thấp, công nhân các khu công nghiệp của các địa phương giai đoạn 2021-2030 vào khoảng 2,4 triệu căn.

Nhu cầu về NOXH dành cho người thu nhập thấp, công nhân các khu công nghiệp của các địa phương giai đoạn 2021-2030 vào khoảng 2,4 triệu căn.

Nhu cầu về NOXH dành cho người thu nhập thấp, công nhân các khu công nghiệp của các địa phương giai đoạn 2021-2030 vào khoảng 2,4 triệu căn.

Đi ngược lại với những con số thể hiện nỗi khát khao của người lao động về một nơi ăn, chốn ở đàng hoàng, sạch đẹp thì theo báo cáo từ các địa phương, trong đến quý III/2024, cả nước chỉ có tổng cộng 8 dự án NOXH đang được triển khai với quy mô khoảng 4.960 căn hộ. Trong số này, chỉ có 1 dự án đã hoàn thành một phần với 200 căn hộ, và 4 dự án khác đã tiến hành khởi công xây dựng.

Còn tính từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn cả nước mới chỉ có 79 dự án đã hoàn thành, mới chỉ cung cấp ra 42.414 căn cho toàn thị trường.

Bên hành lang Quốc hội, trao đổi với Người Đưa Tin về việc xử lý các dự án bị đình trệ hoặc không thể hoàn thành đúng tiến độ, ĐBQH Trần Hoàng Ngân (Đoàn Tp.Hồ Chí Minh) cho rằng, vai trò của thị trường bất động sản rất lớn.

"Đối với người lao động, quan trọng nhất là họ mong muốn có nhà để ở chứ không phải mong muốn có sở hữu căn nhà. Bởi, thu nhập không thể đảm bảo được việc có dư để mua nhà nên họ muốn có căn nhà để ở, có điều kiện hồi phục sức khỏe để tiếp tục lao động.

Vì vậy, cần tiếp tục phát triển thị trường nhà ở cho thuê, nhà lưu trú công nhân. Rất mong Chính phủ và địa phương dành nguồn đất ưu đãi nhất cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư xây dựng nhà ở cho người lao động", ông Ngân nói.

Đồng thời, cần xem các dự án đang vướng ở đâu, nếu vướng thi hành án thì phải thi hành án thật nhanh, nếu vướng nguồn vốn thì phải giải quyết bài toán vốn.

ĐBQH Trần Hoàng Ngân (Đoàn Tp.Hồ Chí Minh).

ĐBQH Trần Hoàng Ngân (Đoàn Tp.Hồ Chí Minh).

Cũng chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam và Chủ tịch Hiệp hội Môi giới BĐS Việt Nam cũng nhấn mạnh công nhân là đối tượng cần nhận được sự quan tâm đặc biệt từ trung ương đến địa phương vì số lượng lớn, là nguồn lao động dồi dào, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế của cả nước.

Đây còn là đối tượng có nguồn thu nhập thấp, rất cần được tạo điều kiện, đặc biệt là về nhà ở để họ có thể yên tâm lao động.

Ông Đính cho rằng với mức thu nhập hiện nay của công nhân thì việc mua NOXH là rất khó, chứ chưa nhắc đến các thủ tục phức tạp để họ được xét duyệt mua nhà.

Do đó, vị chuyên gia khẳng định việc đảm bảo nơi ở của người lao động cần gắn liền với trách nhiệm của địa phương, càng những địa phương có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất thì càng có trách nhiệm đầu tư xây dựng nhà ở cho thuê.

"Tại các địa phương, khi tiến hành duyệt các dự án hoặc quản lý các khu công nghiệp thì đều phải có chính sách cụ thể để xây dựng nhà ở cho công nhân. Bên cạnh đó bản thân chủ các khu công nghiệp cũng phải tạo ra nhà ở cho công nhân thuê để san sẻ trách nhiệm cộng đồng, bảo đảm đời sống của người lao động", ông Đính nêu.

Nguyễn Hồng Nhung

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/nhung-nguoi-nuoi-giac-mo-an-cu-trong-can-phong-tro-chat-hep-204241120163304713.htm