Những người phụ nữ mưu sinh dưới tán rừng ngập mặn

Mò cua, bắt ốc, bắt cáy, bắt cá... dưới tán rừng ngập mặn là những công việc hằng ngày giúp nhiều phụ nữ ở ven biển Thanh Hóa có thêm thu nhập.

Mỗi ngày có hàng chục phụ nữ ở huyện ven biển Hậu Lộc, Nga Sơn (Thanh Hóa) đi vào những tán rừng ngập mặn sú, vẹt nơi cửa biển để bắt cua, cáy, ốc, cá... về bán kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Đa số họ là những người phụ nữ trung niên, điều kiện kinh tế gia đình khó khăn và không có công việc ổn định.

Để bắt được những con vật trú ngụ dưới tán rừng sú vẹt, họ thường bì bõm dưới lớp bùn lầy từ sáng sớm (khi thủy triều rút), đến khi thủy triều lên mới trở về.

Rừng sú, vẹt nơi cửa biển là nơi mưu sinh của nhiều phụ nữ. Ảnh: TN

Rừng sú, vẹt nơi cửa biển là nơi mưu sinh của nhiều phụ nữ. Ảnh: TN

Bà Nguyễn Thị Bổn (trú xã Hưng Lộc, huyện Hậu Lộc) cho biết, từ 5h sáng bà đã đạp xe từ Hậu Lộc sang rừng sú vẹt bên xã Nga Tân, huyện Nga Sơn để bắt ốc. Việc bắt ốc phải dựa theo con nước, nước lên mình về, nước xuống thì mình bắt.

Trung bình mỗi ngày bà bắt được khoảng 10kg ốc xoắn. Với giá bán từ 18.000-20.000 đồng/kg, mỗi ngày bà cũng kiếm được khoảng 200.000 đồng, có thêm đồng ra, đồng vào trang trải cuộc sống.

Con nước xuống cũng là lúc những người phụ nữ đi bắt cá, cua, ốc... Ảnh: TN

Con nước xuống cũng là lúc những người phụ nữ đi bắt cá, cua, ốc... Ảnh: TN

Một buổi đi bắt, mỗi người cũng kiếm được 100 đến 200 nghìn đồng. Ảnh: TN

Một buổi đi bắt, mỗi người cũng kiếm được 100 đến 200 nghìn đồng. Ảnh: TN

Ốc đinh là thành quả sau mỗi chuyến đi bắt. Ảnh: TN

Ốc đinh là thành quả sau mỗi chuyến đi bắt. Ảnh: TN

Mỗi ngày dưới tán rừng sú vẹt có hàng chục phụ nữ mưu sinh. Ảnh: TN

Mỗi ngày dưới tán rừng sú vẹt có hàng chục phụ nữ mưu sinh. Ảnh: TN

Vui mừng khi bắt được cá bống. Ảnh TN

Vui mừng khi bắt được cá bống. Ảnh TN

Còn bà Hồ Thị Tiến (57 tuổi, trú xã Nga Tiến, huyện Nga Sơn) cho biết, tuổi cao nên đi làm công ty họ không nhận. Bà tranh thủ ở nhà làm nông, lúc rảnh thì đi vào rừng sú vẹt bắt thêm con tôm, cua, cá, cáy kiếm thêm thu nhập.

Bà Tiến đi từ sáng sớm đến 9-10h trở về cũng kiếm được 100.000 đồng. Tuy nắng nôi vất vả và khó nhọc nhưng bà cũng cảm thấy vui khi đó là thành quả lao động của mình.

Không chỉ bắt ốc, cua, cáy... ở những cánh rừng ngập mặn các xã Nga Tân, Nga Thủy, huyện Nga Sơn mà tại khu vực rừng ngập mặn ở huyện Hậu Lộc, nhiều phụ nữ cũng mưu sinh với việc bắt cáy, cá còi..., cho thu nhập mỗi ngày vài trăm nghìn đồng.

Được biết, toàn tỉnh Thanh Hóa hiện nay có gần 1.000ha rừng ngập mặn, tạo điều kiện cho nhiều loài giáp xác, nhuyễn thể sinh sống dưới tán rừng, góp phần bảo vệ môi trường, tạo sinh kế cho người dân sống ở khu vực ven biển.

Trần Nghị

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nhung-nguoi-phu-nu-muu-sinh-duoi-tan-rung-ngap-man-o-thanh-hoa-2160787.html