Những người thầy không đứng trên bục giảng

Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 là dịp để tôn vinh nghề giáo, những người đã và đang ngày ngày dìu dắt bao thế hệ học trò đi đến những ước mơ, những bến bờ thành công trong tương lai. Mặc dù có phần trầm lặng hơn so với những người thầy trong ngành giáo dục, nhưng những người thầy trong lĩnh vực thể thao vẫn có hạnh phúc riêng mỗi khi đến ngày Hiến chương Nhà giáo Việt Nam. Ðối với họ, hạnh phúc rất đơn giản, bình dị, thầm lặng giống như cái nghề họ đã chọn.

Huấn luyện viên Văn Thanh Xuân, Trưởng bộ môn Vovinam, Trung tâm Huấn luyện thể thao tỉnh Cà Mau, năm nay 67 tuổi, hơn 30 năm tuổi nghề huấn luyện bộ môn Vovinam. Không biết bao nhiêu thế hệ học trò đã trưởng thành và gặt hái được nhiều thành công từ cái duyên huấn luyện của người thầy có vóc dáng mảnh khảnh, nhỏ bé này.

Huấn luyện viên Văn Thanh Xuân (bên phải), Trưởng bộ môn Vovinam đang hướng dẫn môn sinh tập luyện.

Huấn luyện viên Văn Thanh Xuân (bên phải), Trưởng bộ môn Vovinam đang hướng dẫn môn sinh tập luyện.

Theo ông Xuân, những huấn luyện viên thể thao cũng ví như những người thầy thầm lặng, không được thể hiện rõ ràng như những người thầy dạy văn hóa, thế nhưng dịp ngày Nhà giáo Việt Nam họ cũng được hưởng niềm vui chung của những người thầy. Huấn luyện viên Xuân hồ hởi chia sẻ: “Vào ngày 20/11 cũng có nhiều học trò khi xưa mình huấn luyện nhắn tin chúc mừng, một số ở gần thì tổ chức buổi tiệc nho nhỏ để gặp nhau tâm sự, chia sẻ. Ðối với tôi như vậy là quá ấm áp rồi, vì nhiều học trò tới ngày này vẫn nhớ tới mình”.

Cùng tâm trạng như Huấn luyện viên Văn Thanh Xuân, Huấn luyện viên Ngô Văn Vui, Trưởng bộ môn Ðiền kinh, Trung tâm Huấn luyện thể thao tỉnh Cà Mau, cũng có nhiều cảm xúc mỗi khi tới ngày 20/11. Theo ông Vui, mặc dù không nổi bật như dạy văn hóa, nhưng đối với thể dục thể thao cũng phải học, bởi ngoài chuyện năng khiếu thì người chơi thể thao chuyên nghiệp phải học cách chơi cho đúng kỹ thuật để có thể đạt được thành tích cao. Ở đó, những huấn luyện viên thể thao chính là những người thầy giúp đỡ, dìu dắt những người chơi thể thao thực hiện ước mơ vươn xa của mình. "Thế nên, đến ngày 20/11, chỉ cần nhận được những lời chúc ngắn thôi thì những người thầy thể thao như chúng tôi cũng thấy hạnh phúc rồi", ông Vui chia sẻ.

Em Nguyễn Nhật Khánh, võ sinh Vovinam, bày tỏ: “Dù vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng đến ngày 20/11 chúng em cũng tranh thủ làm buổi tiệc nho nhỏ để chúc mừng các thầy, cũng như gởi tin nhắn chúc mừng các thầy, mong muốn các thầy vui vẻ, hạnh phúc, tiếp tục dạy dỗ chúc em đạt thành tích cao trong thi đấu”.

Các huấn luyện viên thể thao ngày ngày đóng góp công sức của mình vào thành tích chung của thể thao tỉnh Cà Mau. (Trong ảnh: Ðội Kick Boxing đang tập luyện).

Các huấn luyện viên thể thao ngày ngày đóng góp công sức của mình vào thành tích chung của thể thao tỉnh Cà Mau. (Trong ảnh: Ðội Kick Boxing đang tập luyện).

Không hoa, không quà, không thể hiện rõ ràng như nghề giáo, thế nhưng những người thầy thể thao cũng đang thầm lặng hưởng niềm vui nghề giáo theo cách riêng của mình. Ðối với họ, lời động viên thăm hỏi trong ngày này chính là niềm vui lớn, niềm vui ấy đã và đang được nhiều thế hệ học trò duy trì. Sự trân quý này tiếp thêm động lực cho những người thầy không đứng trên bục giảng chắp cánh ước mơ vươn xa của các vận động viên, góp phần vào thành tích chung của thể thao tỉnh nhà.

Lê Chí

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/nhung-nguoi-thay-khong-dung-tren-buc-giang-a30187.html