Những người trả lại 'hồn cốt' cho làng quê Việt
Đạo sắc phong được quy ước như một giá trị quý báu về cả tinh thần lẫn vật chất. Đó là văn bản cổ do vua ban tặng cho những người có công với đất nước và mỗi địa phương đều coi đó như xác nhận tối cao về mặt văn hóa, lịch sử, hành chính lẫn tâm linh. Hiểu rõ điều này nên nhiều năm qua nhóm Nhân sĩ Hà Đông đã cất công tìm kiếm và trao tặng tất cả những sắc phong mà họ sở hữu cho làng quê Việt Nam.
Xót xa trước những giá trị quý báu bị thất lạc
Từ hàng chục năm trước, ông Trịnh Văn Sỹ, một thành viên trong nhóm Nhân sĩ Hà Đông đã bắt đầu sưu tầm các đạo sắc phong. Cơ duyên khiến ông Sỹ bắt đầu công việc này là vì ông nghe người ta nói nhiều sắc phong bị mất đa số được bán ra nước ngoài với giá rất cao, bởi nó chính là cổ vật. Càng về sau, ông Sỹ càng say sưa với công việc sưu tầm này vì trong quá trình tìm hiểu, ông nhận ra giá trị lịch sử và văn hóa thiêng liêng của sắc phong.
Từ niềm say mê của bản thân, ông Sỹ dần lan tỏa đến các thành viên trong nhóm Nhân sĩ Hà Đông gồm: nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, NSƯT Chu Lượng, họa sĩ Hoàng A Sáng, tác giả Trịnh Hữu Sỹ, đạo diễn - nhà thơ Lương Tử Đức, nhà thơ Nguyễn Quyến, doanh nhân Lê Phương Trung và doanh nhân Đỗ Văn Hiểu.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ: "Chúng tôi thường xuyên trao đổi với nhau về những vấn đề văn hóa dân tộc. Xót xa trước những giá trị quý báu bị tản mạn, trở thành hàng hóa, cả nhóm đã bàn nhau rồi thuê dịch hàng trăm sắc phong với giá khoảng 2 triệu đồng/bản, hợp tác với chuyên gia phân loại, liên hệ về địa phương bị mất. Sau đó chúng tôi quyết định trao tặng lại tất cả những sắc phong mà chúng tôi có".
Các thành viên trong nhóm Nhân sĩ Hà Đông biết rằng, sắc phong chính là một phần trong bộ hồ sơ có tính pháp lý trong việc khẳng định chủ quyền của dân tộc Việt và khẳng định nền văn hóa Việt. Khi phong kiến Trung Hoa đô hộ nước ta thì một trong mục tiêu của nhà nước phong kiến Trung Hoa là tiêu hủy hết những bằng chứng văn hóa Việt ở mọi hình thức. Khi một dân tộc không còn những bằng chứng, những di sản văn hóa thì dân tộc đó đã biến mất ở một hình thức nào đó.
Kể về hành trình gian nan tìm kiếm và trao trả sắc phong, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều tâm sự: "Hầu hết, những nơi mất sắc phong đều rơi vào các trường hợp: Không có khả năng đi tìm, chấp nhận bỏ rất nhiều tiền để chuộc lại và cũng có những làng quê nghèo, họ thật lòng không muốn nhận vì sợ giữ ở đình làng tiếp tục mất trộm lại mang "tội". Nhóm chúng tôi gồm có 8 người, hầu hết làm văn chương, nghệ thuật, một vài người là doanh nhân và tự ý thức được mình không đủ sức làm một việc lớn như thế suốt quá trình lâu dài nên chúng tôi đưa lên Facebook, kêu gọi ai đang giữ sắc phong hoặc hãy dâng tặng, hoặc trước đây mua bao nhiêu thì để lại giá ấy cho dân làng. Một số người buôn bán, sưu tập đã trao trả, nhiều nhà nghiên cứu cũng vào "công đức". Nhóm "nhân sĩ" nhận nghĩa vụ kết nối, làm việc với địa phương để trao trả lại bằng nghi lễ long trọng về văn hóa, tinh thần. Nơi nào không có kinh phí, chúng tôi cùng chung tay hỗ trợ".
Chứng kiến hoạt động ý nghĩa của nhóm Nhân sĩ Hà Đông, một số người chơi cổ vật, buôn bán cổ vật đã tặng cho nhóm những đạo sắc phong họ đang giữ. "Việc làm của họ đã khiến chúng tôi rất hạnh phúc bởi đã đánh thức được sự quan tâm của người dân với những di sản văn hóa dân tộc", nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho biết thêm.
Khi có các sắc phong, nhóm sẽ thuê chuyên gia dịch nội dung sắc phong. Từ đó sẽ biết được sắc phong đó được Vua ban cho địa phương nào. Khi đã nắm rõ nguồn gốc, xuất xứ của sắc phong, nhóm sẽ tìm cách liên lạc với địa phương đó để trao tặng.
Hóa giải mối "thâm thù" nhờ tìm lại được sắc phong
Tính tới thời điểm này nhóm Nhân sĩ Hà Đông đã trao tặng khoảng 500 đạo sắc phong cho nhiều địa phương. Nếu tính ra tiền thì số đạo sắc phong này có giá trị khổng lồ.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho biết: "Hiện nay chúng tôi còn khoảng 200 sắc phong đã được giám định bởi các chuyên gia và được dịch để từng bước trao trả cho các địa phương bị mất. Ngoài ra chúng tôi cũng đã tặng cho Bảo tàng tỉnh Hòa Bình bộ sưu tập cổ vật liên quan đến văn hóa của người Mường, Thái... như cồng chiêng cổ, sách cổ, tranh thờ cổ, đồ thờ cổ...Theo các chuyên gia, số cổ vậy này có trị giá khoảng 1 triệu USD".
Các thành viên nhóm Nhân sĩ Hà Đông không nhớ nổi mình đã đến bao nhiêu làng quê Việt Nam để trao trả lại đạo sắc phong. Nhưng kỷ niệm đặc biệt trong chuyến trao trả sắc phong tại một địa phương ở tỉnh Hà Nam khiến các thành viên không thể nào quên được. Hôm đó, cả nhóm lên đường đi tìm một địa chỉ có ghi trong sắc phong, nhưng đó là tên địa phương có từ hơn một thế kỷ trước. Trước đó nhóm đã nhờ cả cơ quan chức năng ở tỉnh tìm giúp nhưng cũng không tìm được. Cuối chiều, trên đường trở về, nhóm gặp một quán nước dưới một gốc cây đầu một ngôi làng, các thành viên dừng xe vào uống nước. Tại đây, mấy thanh niên đầu cắt trọc, tay xăm trổ đang ngồi uống nước đã hỏi mọi người đi đâu mà gần tối rồi còn vào cái quán này. "Tôi kể cho họ nghe câu chuyện đi tìm một địa danh cũ. Họ reo lên và dẫn chúng tôi đến nhà một ông giáo già đã nghỉ hưu. Và ông giáo già ấy cho chúng tôi biết tên của làng đó bây giờ là gì. Chúng tôi có cảm giác các Ngài - những người đã được nhà Vua phong Thần trong các đạo sắc phong - đã dẫn dắt và chỉ lối cho chúng tôi", nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhớ lại.
Cũng vẫn là địa bàn Hà Nam, nhóm Nhân sĩ Hà Đông đã được chứng kiến một câu chuyện về đạo sắc phong vô cùng ly kỳ. Lần đó, nhóm đã tìm và trao lại đạo sắc phong cho làng Gòi Thượng (xã Xuân Lôi, Bình Lục, Hà Nam). Đối chiếu với tên xã trong địa giới hành chính thì tên xã ở sắc phong đã thay đổi từ 70 năm trước.
Năm 2007, thông tin sắc phong làng Gòi Thượng bị mất cắp đã khiến cả vùng xôn xao. Điều đáng nói là đúng tại thời điểm đó thì làng Gòi Hạ bên cạnh lại được tỉnh Hà Nam công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh. "Một mất mười ngờ", nhiều người dân làng Gòi Thượng truyền tai nhau đồn thổi chuyện làng bên đánh cắp đạo sắc phong làng mình mới đủ tiêu chuẩn công nhận di tích.
Giữa tháng 5/2016, nhóm Nhân sĩ Hà Đông tìm về làng Gòi Hạ để báo việc đang giữ 7 đạo sắc phong và ngỏ ý muốn dâng cho làng. Tuy nhiên, khi các bô lão trong làng dịch lại, phát hiện đó là 7 sắc phong của làng Gòi Thượng. Lúc này các bô lão Gòi Hạ đã họp lại với nhau và quyết định bỏ qua mối "thâm thù" trước đó, thông báo cho làng Gòi Thượng biết họ đang giữ 7 sắc phong của làng này. Tìm được đạo sắc phong trong niềm xúc động, mối "thâm thù" cũng được hóa giải, dân làng Gòi Thượng mang những bao gạo lên bày tỏ tấm lòng với nhóm "nhân sĩ". Biết làng nghèo khó, cả nhóm đề nghị sẽ tài trợ kinh phí để địa phương tổ chức lễ đón rước.
Một lần khác, nhóm trao lại sắc phong cho một xã của huyện Ứng Hòa, Hà Nội. Các bô lão đã dẫn thành viên của nhóm vào đình làng và chỉ cho họ nhiều đồ vật rất đắt tiền mà một số người làng cung tiến rồi nói: "Nhưng không tìm thấy sắc phong thì nghĩa là làng chúng tôi không có hồn. Chỉ khi nhận lại được các đạo sắc phong thì hồn làng mới trở về".
Chứng kiến khoảnh khắc xúc động ấy, các thành viên của nhóm đã cảm thấy rất hạnh phúc vì đã ý thức được trách nhiệm của mình trong việc giữ gìn những di sản văn hóa dân tộc. Một điều làm cho họ vui vì không chỉ các bô lão khát khao tìm lại được sắc phong của quê hương mình mà cả những người còn rất trẻ. Bởi những người trẻ phải hiểu được giá trị văn hóa dân tộc quan trọng và lớn lao như thế nào thì họ mới có khát khao ấy.
Thời gian qua, thông tin về ý nguyện trao lại sắc phong của nhóm Nhân sĩ Hà Đông đã được lan tỏa rộng rãi trên báo chí, mạng xã hội. Qua đó, một số địa phương cấp huyện, xã, thôn đã liên lạc xin được nhận lại sắc phong của địa phương mình hiện nhóm đang lưu giữ. Thời gian tới, nhóm sẽ tiếp tục việc trao lại sắc phong với mong muốn thúc đẩy tinh thần tôn vinh, ý thức về việc bảo tồn di sản văn hóa trong các cấp quản lý và cộng đồng nhân dân các địa phương.