Những người trẻ ngại đi xe máy ở TP.HCM

Tay lái yếu, lo lắng về giao thông, một số người trẻ không còn thói quen sử dụng xe máy. Họ lựa chọn di chuyển bằng xe công nghệ, phương tiện công cộng, xe đạp.

Sau một tháng di chuyển bằng xe máy, Nguyễn Thành An (27 tuổi, quận Gò Vấp, TP.HCM) quay trở lại thói quen đặt xe công nghệ. Dù nhận thấy loại hình phương tiện này liên tục tăng giá cước, ít mã khuyến mãi, anh vẫn chấp nhận bởi cảm thấy mệt mỏi khi phải tự lái xe máy trên đường.

2 năm qua, mỗi ngày, Thành An đặt xe tối thiểu 2 lần, chi trả khoảng 300.000 đồng sau khi áp dụng các mã giảm giá. Như vậy, chi phí di chuyển mỗi tháng của anh lên tới gần 10 triệu đồng.

 Cảnh ùn tắc trên đường phố vào mỗi giờ cao điểm. Ảnh minh họa: Duy Hiệu.

Cảnh ùn tắc trên đường phố vào mỗi giờ cao điểm. Ảnh minh họa: Duy Hiệu.

Nhiều lý do ngại đi xe máy

Theo khảo sát của Q and Me được công bố vào năm 2021, 68% người lái xe máy ở Việt Nam bị ám ảnh bởi ùn tắc giao thông, 67% sợ ô nhiễm không khí và 60% lo ngại chạy xe trong mưa.

Ngoài ra, có đến 75% người tham gia khảo sát từng tai nạn giao thông, lý do phổ biến nhất là do va chạm với người đi xe máy (61%).

Công việc của Thành An yêu cầu phải ở văn phòng trong giờ hành chính. Do vậy, anh luôn phải chịu cảnh tắc đường kinh hoàng vào khung giờ cao điểm. Làm công việc áp lực, thêm việc di chuyển mệt mỏi trên đường, cộng với tiếng còi xe inh ỏi, thời tiết nóng nực vào mùa khô, triều cường vào mùa mưa tại TP.HCM, anh quyết định chi tiền để "có người đưa đón".

 Nhiều bạn trẻ lựa chọn xe đạp khi di chuyển trong cuối tuần hoặc tới các địa điểm gần.

Nhiều bạn trẻ lựa chọn xe đạp khi di chuyển trong cuối tuần hoặc tới các địa điểm gần.

"Có những ngày, chạy được xe máy tới được chỗ làm, tôi đã mệt nhoài, mồ hôi như tắm, còn đầu óc thì căng thẳng. Không phải tự chạy xe, tôi cũng có thể tập trung làm việc trên điện thoại. Nhà tôi ở khá xa khu trung tâm, mỗi lần di chuyển thường mất khoảng 30-45 phút. Nếu tự đi xe, tôi dễ bị lỡ những cuộc gọi, tin nhắn quan trọng", anh nói với Zing.

Nguyễn Hà Hoài Anh (24 tuổi, TP Thủ Đức, TP.HCM) từng gặp tai nạn giao thông nghiêm trọng đầu năm 2021. Một tối đi chơi về, khi đang dừng đèn đỏ, cô bị tông từ đằng sau. Thời điểm đó, cô gãy 1 bên đùi, bị thương nặng vai, mặt, và nằm viện trong 2 tháng. Toàn bộ sinh hoạt phải nhờ tới cha mẹ và bạn trai.

"Sau đó, mình chủ yếu di chuyển bằng taxi, xe buýt. Nếu đi gần, mình chọn xe đạp", cô kể.

Sau có 4 năm học đại học ở Berlin, Đức, Hoài Anh khá lo lắng khi tự tham gia giao thông, nhất là vào giờ cao điểm ở TP.HCM. Thêm vụ tai nạn, giờ đây, cô thuộc lòng các tuyến xe buýt trong thành phố. Ngoài ra, công ty cô cũng có phụ phí đi lại cho nhân viên.

"Số tiền không nhiều, nhưng đủ để mình cân đối, gọi taxi mỗi khi cần di chuyển gấp. Số lần mình tự đi xe máy rất ít, phần lớn là cuối tuần, khi không cần vội vàng, giao thông cũng đỡ náo loạn hơn", Hoài Anh nói.

Trong khi đó, Phương Lam (22 tuổi, quận 10) cho biết 4 năm qua không tự đi xe máy ở TP.HCM bởi luôn lo sợ nguy cơ va chạm hoặc tai nạn trên đường.

Mỗi tháng, cô tiêu tốn khoảng 600.000-700.000 đồng/tháng cho việc đi lại. Tháng nào di chuyển nhiều hơn, số tiền lên đến hơn một triệu đồng.

Chung tâm sự, Trần Nguyễn Quỳnh Gia (23 tuổi, quận Tân Bình, TP.HCM) hầu như không tự lái xe máy. Số tiền cô dành để di chuyển là khoảng 3 triệu đồng/tháng.

"Việc đi lại như vậy khá tốn kém nhưng kỹ năng lái xe máy của tôi rất yếu. Ngoài ra, tôi còn mắc bệnh về hô hấp và huyết áp, bác sĩ và người thân đều không khuyến khích tôi tự lái xe", cô chia sẻ.

Bất tiện

Tuy vậy, đối với Quỳnh Gia, xe công nghệ tiềm ẩn nhiều tình huống bất tiện, thậm chí là nguy hiểm.

Qua nhiều năm đặt xe, cô cho rằng không phải bác tài nào cũng thạo đường. Nhiều lần, vì tài xế loay tìm đường đi và không đọc được bản đồ, cô bị muộn 20 phút so với lịch trình.

 Quỳnh Gia đã có 8 năm gần như không tự lái xe máy ra đường. Ảnh: NVCC.

Quỳnh Gia đã có 8 năm gần như không tự lái xe máy ra đường. Ảnh: NVCC.

Còn với Thành An, việc phụ thuộc hoàn toàn vào tài xế khiến anh nhiều lần rơi vào cảnh bối rối, bị động.

Vào các thời điểm như đêm khuya, trời mưa hoặc giờ cao điểm, anh đứng chờ đến một tiếng đồng hồ mới có thể đặt được chuyến xe về nhà. Không ít lần tài xế bấm nhận chuyến nhưng lại hủy, anh phải gọi điện hứa trả thêm tiền để được ưu tiên.

"Đợt vừa rồi, các hãng xe đều tăng giá cước, không những vậy còn ít tặng mã giảm giá hơn, chi phí đi xe của tôi theo đó mà bị tăng lên đáng kể. Tôi đang nghĩ đến phương án di chuyển kết hợp giữa xe công nghệ và xe buýt", anh nói.

Vấn đề tiền bạc cũng rất quan trọng. Sau thời gian dịch bệnh, công việc bị ảnh hưởng, thu nhập giảm, Hoài Anh không dám mạnh tay đặt xe đi lại nữa.

"Tự đi xe chỉ mất khoảng 500.000 đồng tiền xăng, nếu chịu khó, tôi tiết kiệm được kha khá. Không chỉ vậy, có một số cung đường quá ngắn, hoặc kế hoạch bị thay đổi, việc tự đi xe máy cũng chủ động hơn nhiều", Hoài Anh chia sẻ.

Mong chờ xe công cộng

Theo Thành An, một số lần đi Singapore hoặc Thái Lan công tác, anh rất thích ngồi làm việc trên những chuyến xe buýt và tàu điện. Tuy nhiên, về Việt Nam, tâm lý này bất ngờ biến mất.

"Có thể khi ở nước ngoài, tôi mang tâm lý 'sính ngoại' nên thấy phương tiện của họ tốt hơn dù phải đi bộ khá xa dưới trời nắng. Nhưng dù sao tôi vẫn mong TP.HCM có hệ thống xe buýt thuận tiện, đặc biệt là tàu điện", anh bày tỏ.

 4 năm qua, Phương Lam hầu như không đi xe máy. Ảnh: NVCC.

4 năm qua, Phương Lam hầu như không đi xe máy. Ảnh: NVCC.

Thành An không phải người trẻ duy nhất dành sự quan tâm cho phương tiện công cộng và tàu điện.

Theo khảo sát của Q and Me tại Việt Nam, mức độ quan tâm về dịch vụ tàu điện ngầm/tàu trên cao là 51%. Tỉ lệ này cao hơn ở TP.HCM.

Trong đó, 45% người được hỏi cho biết có ý định sử dụng metro để di chuyển vào những dịp cuối tuần hoặc những dịp đặc biệt nhưng không thường xuyên. Nhiều người cân nhắc metro do sự thuận tiện và tránh được khói bụi.

Tuy nhiên, hầu hết vẫn lo ngại về sự bất tiện của metro, bao gồm sự thiếu hụt những trạm gần nhà.

Như Phương Lam, cô cho biết mình đặt kỳ vọng vào hệ thống metro tại TP.HCM bởi phương tiện này có thể che mưa nắng, di chuyển nhanh mà không cần lo cảnh tắc đường.

Nhưng cô sẽ chỉ lựa chọn phương tiện này nếu các trạm dừng được bố trí dày và thuận tiện.

"Nếu metro hoặc xe buýt có nhiều trạm thuận tiện, tôi chắc chắn sẽ chuyển sang phương tiện này để tiết kiệm chi phí. Nhưng có lẽ xe công cộng sẽ di chuyển lâu hơn nên tôi chỉ lựa chọn khi thời gian thư thả. Nếu gấp gáp, tôi vẫn ưu tiên xe ôm công nghệ", cô nói.

Thục Hạnh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhung-nguoi-tre-ngai-di-xe-may-o-tphcm-post1312338.html