Những người truyền lửa cách mạng cho thế hệ trẻ

Với những câu chuyện chân thực, sinh động của những năm tháng xông pha giữa mưa bom, bão đạn nơi chiến trường, ông Tô Hoàng Phi (77 tuổi), ngụ khu phố 3, thị trấn Thứ Ba, huyện An Biên (Kiên Giang) và ông Nguyễn Thành Út (69 tuổi), ngụ ấp Ngã Cạy, xã Đông Yên (An Biên) đã truyền lửa cách mạng cho thế hệ trẻ.

HƠN 15 NĂM KỂ CHUYỆN KHÁNG CHIẾN

Gia đình có hai người hy sinh vì Tổ quốc, từng tham gia kháng chiến ở địa phương và hai lần thoát chết trước bom đạn của kẻ thù là động lực thôi thúc ông Tô Hoàng Phi gắn bó với công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

Tuổi cao, sức yếu, vết thương thường xuyên tái phát nhưng ông Phi vẫn miệt mài đọc sách, nghiên cứu tài liệu, ghi chép để tích lũy kiến thức quý báu truyền lại cho thế hệ trẻ. Với ông Phi, những buổi kể chuyện về chiến tranh là trách nhiệm của cựu chiến binh trong công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

Ông Phi cho biết: “Tôi muốn truyền lửa cách mạng cho đoàn viên, thanh niên thông qua những câu chuyện có thật về những đồng chí, đồng đội của tôi đã hy sinh; ý chí tự lực, tự cường, tinh thần đoàn kết của quân và dân ta trong kháng chiến. Để thu hút sự chú ý của các cháu, quá trình truyền đạt tôi lồng ghép những câu chuyện ý nghĩa với những bài thơ, bài hát, ca dao gắn với hình ảnh người lính và phong trào cách mạng”.

Ông Tô Hoàng Phi kể chuyển thời chiến cho học viên lớp bồi dưỡng lý luận chính trị cho đảng viên mới khóa II năm 2024 huyện An Biên.

Ông Tô Hoàng Phi kể chuyển thời chiến cho học viên lớp bồi dưỡng lý luận chính trị cho đảng viên mới khóa II năm 2024 huyện An Biên.

Hơn 15 năm qua, ông Phi có hàng trăm buổi kể chuyện truyền thống với đoàn viên, thanh niên, đảng viên trẻ. Nhiều thế hệ học sinh, thanh niên trên địa bàn huyện quen với ông Phi bởi vào những ngày kỷ niệm lớn của đất nước ông thường được mời về các trường học, Trung tâm Chính trị huyện, Nghĩa trang Liệt sĩ huyện kể chuyện. Với sự chuẩn bị kỹ, những câu chuyện ông kể cuốn hút, khơi gợi lòng yêu nước, tự hào dân tộc cho học sinh, đoàn viên, thanh niên.

Anh Danh Tuấn, ngụ xã Nam Thái (An Biên) nói: “Sinh ra và lớn lên trong thời bình, nhưng qua những câu chuyện chân thực, lôi cuốn, xúc động về thời chiến của bác Phi, tôi hiểu sự gian khổ chống giặc ngoại xâm của dân tộc và biết ơn sâu sắc sự hy sinh của cha ông. Những câu chuyện là động lực giúp tôi phấn đấu, rèn luyện, học tập, phát triển bản thân tiếp bước cha anh, góp sức xây dựng quê hương”.

VẸN NGUYÊN KÝ ỨC HÀO HÙNG

Phát huy truyền thống cách mạng của gia đình, năm 18 tuổi ông Nguyễn Thành Út trở thành du kích ấp Ngã Cạy, xã Đông Yên. Năm 1974, ông được cấp trên điều động nhận nhiệm vụ tại Tiểu đoàn 207.

Trở về địa phương sau những năm tháng sống và chiến đấu trong quân ngũ, ông tiếp tục tham gia công tác ở địa phương với các chức danh như ấp đội trưởng, trưởng ấp, chủ tịch hội chữ thập đỏ xã. Từ năm 2009 đến nay, ông là Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Đông Yên. Không chỉ nhiệt tình trong công việc, ông còn tâm huyết với sự nghiệp giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho thế hệ trẻ.

Ông Nguyễn Thành Út nghiên cứu, ghi chép đề cương giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

Ông Nguyễn Thành Út nghiên cứu, ghi chép đề cương giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

Ông Nguyễn Thành Út cho biết: “Tôi may mắn được sống, làm việc sau khi đất nước hòa bình, nhưng những kỷ niệm, nỗi đau thương, mất mát của một thời khói lửa vẫn còn trong tâm trí tôi. Tôi trăn trở làm sao để những câu chuyện đó được lan tỏa và truyền lại cho thế hệ sau. Vì vậy tôi tích cực tham gia kể chuyện truyền thống cho thế hệ trẻ hiểu về lịch sử đấu tranh kiên cường, bất khuất của dân tộc, quê hương”.

Gần bước sang tuổi thất tuần song ông Út vẫn miệt mài kể chuyện lịch sử. Trước mỗi buổi nói chuyện, ông dành từ 1-2 ngày chuẩn bị nội dung chu đáo, hấp dẫn, phù hợp với độ tuổi để người nghe dễ tiếp cận. Bên cạnh những nội dung lịch sử, truyền thống, trong các buổi nói chuyện, ông khéo léo thông tin, truyền tải đến người nghe nhiều nội dung thời sự, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Với ông ngày nào còn sức khỏe, còn minh mẫn, ông sẽ tiếp tục truyền lửa cách mạng, góp phần vào sự nghiệp giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho thế hệ trẻ.

Dù còn công tác hay trở về đời thường, ông Phi và ông Út vẫn sáng ngời phẩm chất bộ đội cụ Hồ, là người truyền lửa cách mạng nhiệt huyết để âm vang lịch sử mãi trường tồn, lan tỏa, khắc ghi trong trái tim mỗi người dân, nhất là đoàn viên, thanh niên, thế hệ trẻ.

Bài và ảnh: BẢO TRÂN

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/xa-hoi/nhung-nguoi-truyen-lua-cach-mang-cho-the-he-tre-21593.html