Những nguyên nhân khiến giá khí đốt thế giới giảm mạnh

Trong một báo cáo của EBW Analytics Group gửi cho AFP hôm 23/7, ông Eli Rubin - chuyên gia phân tích năng lượng của công ty này - đã lý giải nguyên nhân khiến giá hợp đồng khí đốt giao tháng 8 giảm mạnh trong ngày 21/7, với mức giảm lên tới 6,7%.

Hình minh họa

Hình minh họa

“Trong ngày 21/7, hợp đồng tháng 8 đã giảm 24 cent, xuống còn 3,325 USD/million BTU - gần như xóa sạch toàn bộ mức tăng của tuần trước, chỉ còn cao hơn 1,1 cent so với mức chốt ngày thứ Sáu, 11/7”, ông Rubin cho biết trong báo cáo.

Ông cho rằng, nguyên nhân chính khiến giá giảm là do sản lượng cuối tuần tăng, nhu cầu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) không ổn định và thời tiết mát mẻ hơn.

Ông Rubin cũng lưu ý, chỉ số nhu cầu làm mát (Cooling Degree Days - CDD) trong tuần thứ 3 đã giảm 7,4 điểm chỉ trong 24 giờ qua, khiến tâm lý thị trường trở nên tiêu cực. “Miền Đông nước Mỹ đang trở nên mát mẻ hơn, với chỉ số CDD giảm 15 điểm so với tuần trước, làm giảm khả năng giá tăng bền vững”, ông nói thêm.

Ngoài ra, ông Rubin cảnh báo rằng sản lượng có thể tăng trở lại trong tuần tới, làm tăng nguy cơ giá giảm thêm.

Theo ông, giá khí đốt giao ngay tại trung tâm Henry Hub hôm 22/7 ở mức trung bình 3,47 USD/MMBtu, đồng thời dự báo “3 ngày nóng nhất mùa hè có thể sẽ rơi vào tuần tới”.

“Một đợt bơm khí vào kho ở mức trung bình khoảng 15 tỷ feet khối có thể giúp phe kỳ vọng giá tăng, có thêm hy vọng”, ông Rubin nhận định.

Tuy vậy, ông cũng cảnh báo rằng: “Dù giá có thể biến động trong 7-10 ngày tới, nhưng lượng khí tồn kho cao, sản lượng mạnh và nguy cơ bão nhiệt đới có thể sẽ hạn chế đà tăng của giá trong trung hạn”.

Trong một báo cáo khác cũng của EBW gửi cho AFP hôm 21/7, ông Rubin cho biết mức giá đóng cửa hôm thứ Sáu tuần trước là 3,565 USD/MMBtu - mức cao nhất kể từ đầu tháng đối với hợp đồng khí giao tháng 8. Nhưng đến 21/7, hợp đồng này đã “trả lại phần lớn mức tăng của tuần trước, do sản lượng cuối tuần cao và dự báo thời tiết mát hơn từ các cơ quan khí tượng đáng tin cậy”.

Ông Rubin cũng nói thêm trong báo cáo ngày 21/7: “Đà giảm giá này có thể đã bị khuếch đại bởi biến động hàng ngày - do chỉ số CDD giảm trong ngày 22/7, trước khi tăng trở lại 3,6 điểm vào cuối tuần. Bên cạnh đó, sản lượng điện gió từ ERCOT được dự báo sẽ giảm vào cuối tuần”.

Ông cũng cho biết thêm, lượng khí cung cấp cho các nhà máy LNG giảm trong sáng cùng ngày, do hoạt động không ổn định tại nhà máy Corpus Christi, nhưng có khả năng phục hồi vào tuần tới khi thời tiết trở nên nóng hơn.

Cuối cùng, ông Rubin cảnh báo: “Nhiệt độ dịu đi, tồn kho cao, dấu hiệu sản lượng tăng trở lại và nguy cơ bão có thể kìm hãm đà tăng giá khí trên sàn NYMEX”.

Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh: “Đợt nắng nóng dữ dội vào cuối tuần này, cùng với dự báo bơm thêm khoảng 15 tỷ feet khối vào kho trong tuần cuối tháng 7, có thể khiến giá biến động trước thời điểm chốt hợp đồng tháng 8 vào tuần tới”.

Báo cáo còn cho biết, giá hợp đồng khí giao tháng 8 đóng cửa ngày thứ Sáu tuần trước ở mức 3,565 USD/MMBtu - tăng 2,3 cent, tương đương 0,6%, so với ngày thứ Năm tuần trước.

AFP đã liên hệ với Cheniere Energy - đơn vị sở hữu nhà máy LNG Corpus Christi - để hỏi ý kiến về báo cáo của EBW, nhưng công ty từ chối bình luận.

Trong báo cáo Triển vọng Năng lượng Ngắn hạn (STEO) mới nhất công bố đầu tháng này, Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA) đã điều chỉnh giảm dự báo giá khí giao ngay tại trung tâm Henry Hub cho các năm 2025 và 2026.

Cụ thể, trong báo cáo STEO tháng 7, EIA dự báo giá khí tại Henry Hub trung bình sẽ ở mức 3,67 USD/MMBtu trong năm 2025 và 4,41 USD/MMBtu vào năm 2026. Trước đó, trong báo cáo tháng 6, cơ quan này từng dự báo giá khí trung bình là 4,02 USD/MMBtu trong năm nay và 4,88 USD/MMBtu vào năm sau.

Cả hai báo cáo đều cho biết giá khí tại Henry Hub trong năm 2024 dự kiến ở mức trung bình 2,19 USD/MMBtu.

Theo trang web của EBW Analytics Group, công ty này chuyên cung cấp các phân tích độc lập về thị trường khí đốt, điện và dầu thô. Trang cũng cho biết ông Rubin là chuyên gia về kinh tế lượng, thống kê, kinh tế học vi mô và chính sách năng lượng công, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng các thuật toán mô hình của công ty, nhằm đánh giá độ chênh lệch giữa lý thuyết và phản ứng thực tế của thị trường.

Nh.Thạch

AFP

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/vi-sao-gia-khi-dot-the-gioi-giam-manh-730408.html