Những nhà báo Công an Việt Nam tác nghiệp ở 'điểm nóng' Nam Sudan

Nam Sudan là đất nước không chỉ cách xa, mà còn khác xa Việt Nam. Bởi ở đây, giao tranh, xung đột vũ trang, dịch bệnh và đói nghèo vẫn hiện diện ngay trước mắt. Vì thế, đây không phải là nơi đón khách du lịch, du học sinh, càng không phải là nơi diễn ra những cuộc hội thảo, hội nghị… Ở nơi tận cùng của châu Phi này, rất ít người đặt chân tới. Có lẽ đông nhất là nhân viên Liên hợp quốc đến đây làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình, trong đó có các sĩ quan Công an Việt Nam. Bởi thế, khi là những thành viên thuộc đoàn công tác của Bộ Công an sang Nam Sudan, nhóm phóng viên chúng tôi đã có một hành trình không thể nào quên.

Hai chặng bay đối lập

Từ sân bay quốc tế Nội Bài, chiếc máy bay cỡ lớn của Hãng Emirates khởi hành lúc nửa đêm đưa đoàn chúng tôi đến Nam Sudan. Chúng tôi thuộc đoàn tiền trạm nên xuất phát trước đoàn công tác chính thức 2 ngày. Để vượt hơn 8 nghìn cây số từ Hà Nội đến Nam Sudan thì việc chọn Hãng bay Emirates và quá cảnh ở Thủ đô Dubai thuộc Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất là phương án hợp lý để chia đôi quãng đường xa xôi này. Tuy biết đến hãng bay lớn nhất Trung Đông đã lâu, nhưng đây là lần đầu tiên tôi được trải nghiệm. Máy bay rộng và sang trọng. Cô tiếp viên vùng sa mạc Ả rập duyên dáng trong bộ trang phục màu socola, mũ đỏ, giày đỏ và dải khăn trắng che một góc khuôn mặt xinh đẹp. Nụ cười tươi tắn, thái độ phục vụ lịch thiệp của họ làm tan đi vẻ uể oải của hành khách khi phải di chuyển lúc đêm khuya.

Nhóm phóng viên tác nghiệp tại căn cứ Tomping, Nam Sudan.

Nhóm phóng viên tác nghiệp tại căn cứ Tomping, Nam Sudan.

Nhóm phóng viên báo chí có tôi, phóng viên Phí Trí Trung thuộc Truyền hình CAND và phóng viên Trần Xuân thuộc Cổng thông tin điện tử Bộ Công an. Tuân thủ quy định rất chặt chẽ về hành lý của hãng này, mỗi người chúng tôi chỉ được mang theo một túi xách tay. Đề phòng mọi tình huống bất trắc có thể xảy ra khi đến một nơi trung chuyển khổng lồ như Dubai, hay lách vào một nơi đặc biệt như sân bay Juba, chúng tôi thống nhất với nhau rằng tất cả các thiết bị tác nghiệp phải ưu tiên xách theo người. Vậy là cả ba chúng tôi cùng cõng balo nặng trịch trên lưng đựng laptop, máy quay mini, sạc dự phòng, máy ảnh, máy ghi âm và điện thoại. Dù mang tất cả “của cải” trên lưng, nhưng riêng anh Trí Trung vẫn đau đầu sắp xếp bởi thiết bị quay phim khá cồng kềnh. Phần chân máy quay được “tẩu tán” bằng cách đóng gói trong thùng hành lý kí gửi, còn lại phần máy quay thì đi theo người.

Sau gần 7 tiếng bay, đoàn chúng tôi có mặt ở sân bay quốc tế AlMaktoum ở Thủ đô Dubai. Với diện tích 1.200ha, sân bay này vượt mặt nhiều ứng cử viên khác để soán ngôi đông đúc và lớn nhất toàn cầu. Nơi đây chẳng khác gì một thành phố thu nhỏ, đường đi lối lại rộng thênh thang, những tòa nhà mái vòm với sức chứa khổng lồ. Những cây chà là – loài cây đặc trưng vùng sa mạc được trồng dọc các lối đi. Đi cuồng chân ở sân bay mới thấy nơi đây xứng đáng để đón một lượng bước chân khổng lồ của hành khách trên toàn thế giới. Nhưng khi phải vác chiếc balô nặng trịch trên lưng di chuyển ở một sân bay rộng đến không tưởng, quả là một cảm giác không hề dễ chịu.

Dù hệ thống biển hiệu, bảng chỉ dẫn rất tỉ mỉ, khoa học ở khắp nơi nhưng vẫn có cảm giác lạc vào mê cung. Rất nhiều khu bán hàng miễn thuế rực rỡ biển hiệu quảng cáo, bày bán đủ các loại mặt hàng như trung tâm thương mại. Dường như tất cả những nhãn hàng nổi tiếng trên thế giới ở các lĩnh vực đều có mặt ở đây, từ mĩ phẩm, thời trang, ôtô, đồ điện tử đến bánh kẹo, thuốc lá và rượu, đủ để hành khách dừng chờ ở bất cứ góc nào của sây bay cũng có thể mua sắm, ngắm nghía hàng hóa đã mắt. Đó là lí do hành khách thường không cảm thấy mệt mỏi, buồn chán trong thời gian quá cảnh nhiều giờ đồng hồ ở Dubai. Trong tổ hợp náo nhiệt ấy, vẫn có những góc vô cùng tĩnh lặng. Đó là phòng cầu nguyện trang nghiêm được bố trí ở nhiều nơi để các tín đồ tôn giáo khắp nơi trên thế giới thực hành tín ngưỡng.

Phóng viên Huyền Châm cùng các sĩ quan thuộc đơn vị cảnh sát Rwanda FPU 3 tại Nam Sudan.

Phóng viên Huyền Châm cùng các sĩ quan thuộc đơn vị cảnh sát Rwanda FPU 3 tại Nam Sudan.

Sau vài giờ dừng nghỉ, chúng tôi tiếp tục hành trình tới châu Phi. Chẳng có mấy hành khách đi Nam Sudan, thành ra chiếc máy bay loại nhỏ của hãng Fly Dubai lại rộng thênh thang. Máy bay cất cánh, thành phố Dubai tráng lệ hiện ra dưới nắng chói chang bên bờ vịnh Ba Tư. Những tòa nhà chọc trời san sát, đường sá hiện đại, nhưng chỉ thấy khô khốc một màu xám xịt của xi măng, gương kính, tìm mỏi mắt cũng không thấy màu xanh cây lá. Một điều không thể ngờ được rằng chỉ nửa tháng sau thời điểm chúng tôi có mặt ở Dubai, nơi đây đã chìm trong biển nước sau cơn mưa lịch sử làm tê liệt mọi hoạt động của thủ đô.

Chúng tôi được trải nghiệm hai chặng bay đến hai vùng đất đối lập: một Dubai hào nhoáng, giàu có và một Nam Sudan nghèo khổ và bất ổn. Càng đến gần Nam Sudan, tôi lại càng hồi hộp vì đã được cảnh báo trước rằng nước này không cho phóng viên báo chí tác nghiệp, nên có thể thiết bị tác nghiệp sẽ bị giữ lại khi qua hệ thống soi chiếu. Suốt chuyến bay, anh Trí Trung chỉ lo chân máy bị thất lạc hoặc balô bị giữ lại. Ở Nam Sudan, mọi diễn biễn không thể dự báo trước và những tình huống bất trắc hoàn toàn có thể xảy đến. Cậu em Trần Xuân chốt một câu đầy lạc quan: “Nếu trong trường hợp xấu nhất, bị thu giữ tất cả các thiết bị, thì chúng ta vẫn còn điện thoại để tác nghiệp”.

Từ trên máy bay nhìn xuống, Thủ đô Juba nghèo nàn, bạc phếch bởi những con đường đất, những túp lều lúp xúp. Tuy vậy, dễ nhận thấy là đường sá được quy hoạch khá ổn, thẳng tắp như ô bàn cờ. Tôi chợt nghĩ, nếu hòa bình lập lại, chắc chắn đất nước này sẽ phát triển đô thị rất đẹp. Nam Sudan đón chúng tôi bằng nền nhiệt gần 50 độ C, hơi nóng rát phả vào mặt đến ngạt thở. Trước mắt tôi hiện ra sân bay quốc tế Juba tuềnh toàng và nhộn nhạo, giống một bến xe khách ở Việt Nam cách đây vài chục năm. Đã được dặn trước nên khi xuống sân bay cả đoàn tuyệt đối không lấy điện thoại ra quay phim, chụp ảnh; cẩn trọng bảo quản đồ đạc và quan sát để liệu tình hình.

Rắc rối đã xảy ra ở điểm cuối cùng của hành trình bay. Tại quầy làm thủ tục nhập cảnh, anh nhân viên người bản địa cao lênh khênh yêu cầu kiểm tra giấy tờ, chứng nhận tiêm các loại vaccine và balô của toàn đoàn. Khi đến balô của ba phóng viên, họ nhìn chúng tôi với ánh mắt dò xét và quay ra trao đổi với nhau khá lâu. Trong cái nóng bức ngột ngạt, ánh điện yếu ớt ở nhà ga, cả đoàn mồ hôi đầm đìa, lo lắng chờ đợi. Và lúc ấy, nhóm cảnh sát Liên hợp quốc tại Phái bộ UNMISS trong đó có các sĩ quan Công an Việt Nam ra đón chúng tôi đã phải “ra tay”. Sau một hồi hai bên trao đổi, cuối cùng chúng tôi đã vào được Nam Sudan với tất cả những gì mang theo.

Nhóm phóng viên tác nghiệp tại Nam Sudan.

Nhóm phóng viên tác nghiệp tại Nam Sudan.

Tác nghiệp “kiểu Nam Sudan”

Nhập cảnh trót lọt vào Nam Sudan, nhóm phóng viên chúng tôi thở phào nhẹ nhõm. Nhưng tác nghiệp thế nào ở đất nước này thì tiếp tục là vấn đề nan giải. Bay hơn 8 nghìn km để đến đây mà không có được hình ảnh, tư liệu ở vùng đất này thì coi như chuyến đi thành công cốc. Máu nghề nghiệp nổi lên, chúng tôi ai nấy đều nghĩ rằng có lẽ phải liều để chớp lấy cơ hội tác nghiệp. Cái khó ló cái khôn. Chúng tôi thảo luận nhanh và thống nhất ngay từ lúc rời sân bay về căn cứ sẽ chủ động ngồi ở vị trí đầu ôtô để dễ quan sát và có những hình ảnh đầu tiên về đất nước này. Tôi kéo chiếc rèm cửa kính ôtô, mừng húm vì nhận ra đây chính là lá chắn hữu hiệu giúp tôi tác nghiệp. Nép điện thoại vào rèm cửa, để chừa ra đúng phần camera, tôi bắt đầu quay, chụp hình ảnh đường phố, người dân Nam Sudan. Quả là không đơn giản vì xe ôtô liên tục lắc lư và nhảy chồm chồm trên con đường đất nhiều ổ trâu, ổ voi.

Rắc rối vẫn chưa hết khi chiếc balo của tôi lại một lần nữa bị “hỏi thăm” tại Thủ đô Juba. Không hiểu thế nào mà khi balô trôi qua máy quét thì nhân viên của khách sạn chặn tôi lại, chỉ vào màn hình. Tôi giật mình khi màn hình hiện lên hình ảnh giống như một khẩu súng. Sao lại thế được? Tôi vừa bối rối vừa ngạc nhiên, trống ngực đập thình thịch. Nhân viên khách sạn vây quanh tôi. Họ yêu cầu tôi mở balo ra kiểm tra. Tôi tuân thủ ngay, vì chính tôi cũng đang muốn nhanh chóng làm sáng tỏ. Tôi bỏ lần lượt đồ dùng ra. Và ở đáy ba lô, phần ống kính máy ảnh đã tháo rời thân máy lại nằm nối với cục sạc dự phòng loại to. Sự sắp xếp vô tình ấy khi máy soi quét qua lại giống hệt hình ảnh một khẩu súng. Sau khi dốc balo đến tận đáy và giải thích rằng chỉ là máy ảnh để chụp tư liệu trong chuyến đi, còn cục sạc để phòng khi laptop hết pin, cậu nhân viên khách sạn nhìn tôi gật đầu. Tim tôi lúc ấy hình như lạc trôi đi đâu mất.

Những ngày sau đó, vào ban ngày chúng tôi di chuyển tới nhiều địa điểm ở Juba. Tất nhiên là có xe và cảnh sát của Liên hợp quốc chở đi và bảo vệ. Nhưng cứ tối đến là phải nhanh chóng về căn cứ. Bởi cả Phái bộ đều thực hiện lệnh giới nghiêm từ 19 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau để đảm bảo an toàn. Sau 13 năm tuyên bố độc lập, đất nước non trẻ nhất lục địa đen này vẫn nghèo nàn, xung đột sắc tộc, phe phái vẫn diễn ra. Những con phố đông đúc, đoạn đường rải nhựa ở thủ đô rất ngắn, phần nhiều là đường đất bụi mù, có đoạn lầy lội bùn nước. Bên những căn nhà đất lợp lá, người dân ngồi đập đá thành từng viên nhỏ rồi đem bán để làm vật liệu xây dựng, có người bán than củi hoặc chăn thả gia súc. Gương mặt họ hiền lành, nhẫn nhịn. Dù nghèo khó nhưng họ vẫn cố gắng cho con đến trường và không ngừng hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn.

Chúng tôi bắt đầu nhìn thấy súng ống, những băng đạn dài, những gương mặt rất dữ tợn trên chiếc ôtô hầm hố lao ầm ầm trên đường. Bởi thế, một cảm giác nóng, ngột ngạt về mọi nghĩa bao trùm. Ngược lại mỗi khi gặp chiếc xe bọc thép sơn màu trắng mang dòng chữ UN của lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, cảm giác thân quen và an toàn hơn. Chúng tôi luôn được nhắc nhở rằng, không chỉ Chính phủ Nam Sudan mà nhiều đơn vị đang hoạt động tại Phái bộ cũng không cởi mở cho phóng viên báo chí tác nghiệp. Bởi thế, trước các buổi đoàn công tác làm việc với các đối tác, nhóm phóng viên đều phải xin ý kiến về việc có được tác nghiệp hay không, được tác nghiệp ở mức độ nào. Có lẽ chưa bao giờ chúng tôi thực hiện nhiệm vụ căng thẳng đến thế.

Thận trọng nhất là khi đoàn công tác đến thăm và làm việc với Tổng tư lệnh Cảnh sát Nam Sudan, các phóng viên được quán triệt là chỉ được mang duy nhất chiếc điện thoại. Xe ôtô chở đoàn vào sân trụ sở, khi cánh cổng sắt lừng lững từ từ đóng lại, đoàn được đón tiếp rất long trọng theo đúng nghi thức của cảnh sát nước chủ nhà. Nhưng thật bất ngờ là chính cơ quan cảnh sát Nam Sudan lại cử người quay phim, chụp ảnh cho sự kiện này. Các sĩ quan cảnh sát vây quanh chúng tôi trò chuyện, hỏi han rất sôi nổi. Họ chủ động mời chúng tôi chụp ảnh chung và xin phép phỏng vấn một sĩ quan Công an Việt Nam đang gìn giữ hòa bình tại đây. Ở nơi mà chúng tôi tưởng căng thẳng nhất thì cuối cùng lại rất cởi mở. Tổ phóng viên được chụp ảnh, ghi hình buổi làm việc. Đó là một tình huống tác nghiệp thuận lợi ngoài mong đợi.

Những ngày ở phái bộ, tôi làm quen được với chị Bolor Erdene Myatav đến từ Mông Cổ, là sĩ quan truyền thông của cảnh sát phái bộ. Mọi hoạt động trong chuyến thăm và làm việc của Đoàn công tác tại Nam Sudan không những được nhóm phóng viên chúng tôi nắm bắt và truyền tải kịp thời về nước, mà còn nhanh chóng được truyền thông phái bộ phản ánh trên trang thông tin của cảnh sát phái bộ và của cả Phái bộ UNMISS.

Cậu thanh niên tên Simon, 28 tuổi, đang là nhân viên lái xe của Liên hợp quốc mà chúng tôi quen cũng rất thú vị. Simon kể rằng nhà cậu thuộc hàng khá giả, cậu được bố mẹ cho sang học đại học ở Uganda 5 năm liền về mảng công nghệ thông tin. Nhưng khi về nước thì chẳng có việc làm, may mắn xin được chân lái xe. Ngày nào cũng vậy, Simon dậy từ 5 giờ sáng, ăn sáng thật no để đủ sức làm việc cả ngày. 7 giờ tối hết giờ làm, cậu mới trở về nhà và ăn bữa tối. Mức lương 400 USD/tháng của Simon gồng gánh cả gia đình, một phần để nuôi hai đứa con, một phần dành dụm để cho vợ học đại học để kiếm được việc làm. Đắt đỏ nhất là nước sạch, phải mua từng can để ăn uống hằng ngày. Ở Nam Sudan không có điện lưới quốc gia, nên cậu ấy đã sắm chiếc máy phát điện, chỉ chạy khoảng 30 phút mỗi tối để các con có điện ăn cơm.

Làm “khách” của Liên hợp quốc

Những ngày ở Juba, chúng tôi được sắp xếp ở trong căn cứ Tomping - một trong hai khu căn cứ của Liên hợp quốc tại Thủ đô Juba. Nơi đây là thế giới của những chiếc xe ôtô trắng mang dòng chữ UN và nhà container. Nếu chưa quen đường sẽ rất dễ bị lạc bởi đâu đâu cũng là những dãy phòng container san sát nhau, từ khu làm việc tới khu ở. Phòng nào cũng có chữ UN nổi bật, được kê cao cách mặt đất khoảng 50cm để tránh ẩm mốc và ngập lụt vào mùa mưa. Mỗi phòng ở có giường cá nhân, tủ quần áo, khu vệ sinh và khu bếp để nấu ăn. So với những căn lều lúp xúp, những trại tị nạn nghèo nàn thì được sống và làm việc trong phòng container vẫn vô cùng lý tưởng.

Phóng viên Trần Xuân (Cổng thông tin điện tử Bộ Công an) với sĩ quan quân đội Campuchia.

Phóng viên Trần Xuân (Cổng thông tin điện tử Bộ Công an) với sĩ quan quân đội Campuchia.

Mặc dù trước khi lên đường chúng tôi được tiêm vaccine sốt vàng da và được uống thuốc theo chỉ định suốt hành trình, nhưng vẫn phải hết sức cẩn trọng để giữ gìn sức khỏe. Sang phái bộ chúng tôi vẫn giữ thói quen mắc màn khi ngủ. Bởi chính các sĩ quan CAND làm nhiệm vụ ở đây đã bị sốt xuất huyết, bị côn trùng tấn công sau vài tháng mà vết cắn vẫn chưa tan.

Những bữa cơm tự nấu ở phái bộ rất đơn giản, chủ yếu là cơm, mỳ và đồ khô. Người dân không có truyền thống canh tác nên rất hiếm rau xanh. Để cải thiện, anh em hái xoài làm nộm ăn thay rau. Những cây phượng hoa đỏ rực, gốc xoài cổ thụ, cây xương rồng cao vượt mái nhà đã trở thành “đặc sản” của khu căn cứ. Sáng sớm và tối muộn, trên con đường rải nhựa dọc căn cứ, nhân viên Liên hợp quốc chạy bộ tập thể dục rất đông. Ấn tượng nhất là các đơn vị chạy theo hàng ngũ, vừa chạy vừa hô vang, bước chân rầm rập trên đường. Nhóm phóng viên chúng tôi cũng tranh thủ dậy thật sớm để vừa chạy bộ vừa tìm hiểu, khám phá căn cứ.

Đêm, tiếng mưa ào ào đập vào mái container, cảm giác mát lành cho cả vùng đất. Nhưng chỉ ào ào một lúc, sáng ra trời lại trong vắt, đất lại khô roong như chưa từng có cơn mưa xuất hiện ở đất này. Ở đây, những giọt nước sạch luôn được nâng niu như nguồn sống. Trong phòng ở có đường ống dẫn nước nhưng chỉ dùng để sinh hoạt, có hôm nước đục ngầu phải để lắng lại mới sử dụng được. Vì thế nhân viên trong căn cứ thường đi xách nước sạch ở khu vực chung về nấu ăn và đun nước uống.

Nhóm phóng viên vừa được trải nghiệm cuộc sống như một nhân viên phái bộ, vừa tranh thủ phỏng vấn, ghi hình các hoạt động, sinh hoạt của các sĩ quan Công an Việt Nam tại căn cứ. Tất cả được lưu lại làm tư liệu quý giá. Nhiệm vụ đã đưa tất cả các nhân viên từ nhiều quốc gia đến với đất nước này. Ai đến đây cũng hết lòng vì nhiệm vụ, sẵn sàng giúp đỡ đồng nghiệp. Nỗ lực vượt qua khó khăn, niềm lạc quan đã gắn kết họ lại. Họ sử dụng chung một ngôn ngữ là tiếng Anh và thường gọi nhau một cách thân thiết là “brother” (người anh em).

Căn cứ Tomping được coi là nơi đất lành chim đậu. Nơi đây nổi tiếng với cây tổ chim. Không thể đếm xuể có bao nhiêu chiếc tổ treo lủng lẳng trên các cành cây, lá cây xơ xác vì lũ chim rỉa lá xây tổ. Hơn 5 giờ sáng, nền trời quang dần, khi những tia sáng đầu ngày hắt lên, từng đàn chim rời khỏi căn cứ, khung cảnh thật thanh bình. Chiều về, cả căn cứ sôi động bởi tiếng chim ríu rít sau một ngày kiếm ăn trở về, nghe vui tai lạ thường.

Đến Nam Sudan, chúng tôi quyết tâm phải đến thăm bờ sông Nile Trắng chảy dọc Thủ đô Juba. Nhưng để vào được quán cà phê ven sông phải qua ba 3 lớp cửa an ninh có người canh gác. Chúng tôi ngỏ ý muốn được chụp ảnh bằng điện thoại, thì được yêu cầu không được phép hướng máy ảnh về phía có hoạt động của con người, chỉ có thể chụp cảnh sông nước. Bởi ngay gần đó là một bến tắm với rất đông người dân đang tắm giặt, bơi lội. Tiếng cười đùa hồn nhiên của bọn trẻ là chuỗi âm thanh bình yên và đáng quý nhất ở vùng đất châu Phi xa xôi này.

Huyền Châm

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/hoat-dong-ll-cand/nhung-nha-bao-cong-an-viet-nam-tac-nghiep-o-diem-nong-nam-sudan-i735011/