'Nhùng nhằng' trong tổ chức bảo đảm ATGT đường thủy phục vụ thi công cầu Trung Hà
Công trình sửa chữa cầu Trung Hà bắc qua sông Đà, nối Hà Nội – Phú Thọ, đã thi công được hơn 1 tháng nhưng chưa triển khai điều tiết, đảm bảo ATGT đường thủy theo phương án được duyệt.
Tàu thuyền lưu thông qua luồng tạm
Theo thông báo của Sở GTVT Phú Thọ, công trình sửa chữa cầu đường bộ Trung Hà (Km64+639 QL32, vượt sông Đà, nối huyện Ba Vì, Hà Nội và huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) được khởi công xây dựng từ ngày 29/5/2024 và dự kiến hoàn thành ngày 8/11/2024. Công trình nhằm sửa chữa, gia cố móng các trụ cầu T12, 13 (ven bờ sông phía tỉnh Phú Thọ), kinh phí do Cục Đường bộ VN bố trí (trước mắt là 1,2 tỷ đồng) và giao Sở GTVT Phú Thọ thực hiện (Ban Quản lý dự án xây dựng và bảo trì công trình giao thông trực tiếp quản lý dự án).
Trước khi khởi công, Sở GTVT Phú Thọ trình phương án tổ chức điều tiết, đảm bảo ATGT đường thủy để phục vụ thi công và ngày 3/5/2024 được Chi cục Đường thủy nội địa khu vực I (trực thuộc Cục Đường thủy nội địa VN) chấp thuận để triển khai theo quy định tại Nghị định số 08/2021 của Chính phủ quy định về quản lý hoạt động đường thủy nội địa. Theo phương án được duyệt, bố trí hệ thống báo hiệu đường thủy trên bờ, dưới nước và 2 trạm điều tiết ở thượng lưu và hạ lưu cầu để điều tiết, hướng dẫn phương tiện thủy lưu thông.
Tuy vậy, từ khi khởi công đến nay, công trình triển khai thi công nhưng không tổ chức trạm điều tiết, hướng dẫn giao thông thủy mà chỉ bố trí một số báo hiệu trên bờ, phao giới hạn vùng nước khu vực thi công. Cùng đó, báo hiệu luồng cho phương tiện thủy lưu thông qua gầm cầu Trung Hà được dịch chuyển sang vị trí giữa hai trụ cầu T6 – T7 để phù hợp với diễn biến luồng (còn thiết kế cầu Trung Hà bố trí luồng chạy tàu tại vị trí giữa trụ cầu T4 – T5 và T5 – T6).
Theo Sở GTVT Phú Thọ, việc công trình, đơn vị thi công không bố trí điều tiết, đảm bảo ATGT đường thủy là do Cục Đường bộ VN không đồng ý với phương án đã được cơ quan quản lý đường thủy chấp thuận. Thay vào đó, Cục Đường bộ VN có văn bản đề nghị Chi cục Đường thủy nội địa (ĐTNĐ) khu vực I phối hợp với Sở GTVT Phú Thọ phân luồng, hướng dẫn giao thông thủy; cấm toàn bộ phương tiện thủy lưu thông trong phạm vi từ trụ T7 – T12 (phía bờ Phú Thọ)… Cục Đường bộ VN cũng đề nghị trường hợp luồng (đã được dịch chuyển tại vị trí T6 – T7) không đảm bảo cấp kỹ thuật đường thủy thì tổ chức nạo vét luồng.
"Nhùng nhằng" trong tổ chức đảm bảo ATGT phục vụ thi công
Như Tạp chí GTVT đã phản ánh trong bài "Cảnh báo tàu thuyền vi phạm, lưu thông nguy hiểm qua khu vực sửa chữa cầu Trung Hà", đăng ngày 13/7/2024, khá nhiều trường hợp phương tiện thủy chở hàng lưu thông qua cầu Trung Hà không theo luồng được bố trí phao dẫn luồng, đi vào khu vực giới hạn vùng nước để thi công… gây nguy cơ mất ATGT. Trong khi, công trình có các phương tiện thủy ra, vào ảnh hưởng đến giap thông thủy trên tuyến.
Trao đổi với PV Tạp chí GTVT, ông Phạm Đình Kiêu, Phó chi cục trưởng Chi cục ĐTNĐ khu vực I cho biết, một trong những nguyên nhân dẫn đến vi phạm của phương tiện thủy do chủ đầu tư, đơn vị thi công không tổ chức, bố trí lực lượng hướng dẫn điều tiết phương tiện thủy tại khu vực trên.
Cũng theo Chi cục, đến ngày 18/7/2024, chủ đầu tư, nhà thầu thi công vẫn chưa triển khai báo hiệu, trạm điều tiết đảm bảo giao thông theo phương án đảm bảo ATGT đã được Chi cục ĐTNĐ khu vực I chấp thuận. Hơn nữa nhà máy thủy điện Hòa Bình ngày 16/7/2024 tiếp tục mở cửa xả đáy số 2, mực nước lên cao, dòng chảy xiết ảnh hưởng đến ATGT tại khu vực thi công.
Tìm hiểu thêm cho thấy, các cơ quan quản lý đường bộ, đường thủy, chủ công trình, nhà thầu thi công đến nay vẫn "nhùng nhằng" trong tổ chức triển khai công tác bảo đảm ATGT đường thủy tại công trình sửa chữa cầu Trung Hà. Điều này sẽ dẫn đến việc không rõ trách nhiệm của từng bên trong trường hợp xảy ra vi phạm, sự cố giao thông đường thủy tại khu vực luồng đường thủy, vùng nước khu vực thi công sửa chữa cầu Trung Hà.
Liên quan đến vấn đề trên, sau khi luồng đường thủy được dịch chuyển sang vị trí giữa trụ T6 – T7 (không phải luồng theo thiết kế của cầu), ngày 13/7/2024, Cục Đường bộ VN có văn bản gửi Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI), đề nghị đơn vị này nghiên cứu, tham gia ý kiến về Hồ sơ luồng đường thủy địa qua cầu Trung Hà "để làm cơ sở thực hiện các công việc tiếp theo".
Nội dung văn bản, do Phó cục trưởng Nguyễn Xuân Ảnh ký, cũng đề nghị Chi cục ĐTNĐ khu vực I: "Phối hợp với Sở GTVT Phú Thọ (cơ quan trực tiếp quản lý đường bộ) gửi ý kiến thống nhất công tác phân luồng tại cầu Trung Hà và hồ sơ luồng đường thủy nội địa qua cầu Trung Hà đến TEDI để lấy ý kiến của đơn vị tư vấn thiết kế cầu Trung Hà".
Về phía Chi cục Đường thủy nội địa khu vực I, ngày 19/7/2024, Chi cục có văn bản gửi Sở GTVT Phú Thọ, với nội dung: "Để đảm bảo ATGT đường thủy phục vụ trong quá trình thực hiện thi công sửa chữa cầu Trung Hà (Km 64+639), QL32, tỉnh Phú Thọ, một lần nữa đề nghị Sở GTVT tỉnh Phú Thọ tổ chức triển khai thực hiện phương án đảm bảo an toàn giao thông đã được chấp thuận".
Còn về phía đơn vị quản lý dự án, trao đổi với PV Tạp chí GTVT ngày 24/7, ông Nguyễn Văn Nguyên, Giám đốc Ban Quản lý dự án xây dựng và bảo trì công trình giao thông (Sở GTVT Phú Thọ) cho biết, do chủ đầu tư (Cục Đường bộ VN) không đồng ý triển khai tổ chức điều tiết, bảo đảm ATGT đường thủy theo phương án đã được cơ quan quản lý đường thủy chấp thuận.
Ông Phạm Đình Kiêu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Đường thủy nội địa khu vực I cho biết, Nghị định số 08/2021/NĐ-CP ngày 28/01/2021 của Chính phủ quy định về quản lý hoạt động đường thủy nội địa nêu: "Chủ đầu tư hoặc nhà thầu thi công công trình, tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động có liên quan đến giao thông đường thủy nội địa có trách nhiệm lập và tổ chức thực hiện phương án đảm bảo ATGT đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận".
Về đề nghị gửi hồ sơ luồng cho TEDI, ông Phạm Đình Kiêu cho biết, khi thiết kế, xây dựng cầu Trung Hà khi thiết kế, xây dựng đã có hồ sơ thiết kế và lấy ý kiến thỏa thuận của Cục Đường thủy nội địa VN. Vì thế, việc Cục Đường bộ VN đề nghị Chi cục cung cấp hồ sơ luồng đường thủy là không đúng quy định.