Những nơi có tài sản hưu trí lớn nhất thế giới, Mỹ và Nhật Bản dẫn đầu

Nhiều chính phủ trên giới xây dựng các chương trình và quỹ hưu trí trị giá hàng nghìn tỷ USD trong bối cảnh dân số ngày càng già hóa...

Với người về hưu, các chương trình hưu trí hết sức quan trọng bởi đây là nền tảng cho an ninh tài chính của họ sau khi rời thị trường lao động. Nhiều chính phủ trên giới xây dựng các chương trình và quỹ hưu trí trị giá hàng nghìn tỷ USD trong bối cảnh dân số ngày càng già hóa.

Đồ thị thông tin dưới đây gồm những quốc gia và vùng lãnh thổ có tài sản hưu trí công lớn nhất thế giới, dựa trên dữ liệu tính tới tháng 1/2025 của Global SWF - một nền tảng chuyên dữ liệu về các quỹ đầu tư quốc gia (SWF) và quỹ hưu trí công (PPF).

Các chương trình hưu trí công mang lại quyền lợi hưu trí cho người lao động và được điều chỉnh trong khuôn khổ luật công. Nguồn thu từ các quỹ này chủ yếu đến từ các khoản đóng góp bắt buộc của người lao động khi còn đi làm và cấp quyền lợi hàng tháng khi họ về hưu.

Mỹ là nước có tài sản hưu trí lớn nhất thế giới, Nhật Bản mới là nước có quỹ hưu trí lớn nhất thế giới. Được Chính phủ Nhật Bản thành lập vào năm 2006, Quỹ Đầu tư Hưu trí Quốc gia (GPIF) là sản phẩm của công cuộc cải tổ hệ thống hưu trí Nhật Bản. GPIF đầu tư theo tỷ lệ 50/50 vào trái phiếu và cổ phiếu. Mỗi hạng mục đầu tư này lại được chia nhỏ, phân bổ đều cho chứng khoán trong nước và quốc tế.

Các chương trình hưu trí công lớn nhất của Mỹ là Hội đồng Đầu tư Tiết kiệm Hưu trí Liên bang (FRTIB), Hệ thống Hưu trí Công chức California và Hệ thống Hưu trí Giáo viên Bang California. FRTIB quản lý chương trình Kế hoạch Tiết kiệm (TSP) dành cho đông đảo công chức liên bang Mỹ, gồm nhân viên dịch vụ bưu điện, Quốc hội và quân đội. Hai chương trình sau là chương trình của bang California dành cho công chức tại bang này.

Các quỹ hưu trí phải đầu tư tài sản một cách có trách nhiệm để đảm bảo có đủ dòng tiền chi trả cho người hưu trí. Đây không phải là nhiệm vụ dễ dàng bởi các xu hướng như già hóa dân số toàn cầu – một xu hướng làm tăng tỷ lệ người về hưu trong xã hội.

Theo một báo cáo gần đây của tổ chức phi lợi nhuận Equable Institue, các chương trình hưu trí công tại Mỹ thiếu hụt tổng cộng 1,6 nghìn tỷ USD. Điều này khiến các quỹ này buộc phải chuyển sang những hình thức đầu tư rủi ro hơn. Đây là xu hướng được dự báo sẽ gây ra nhiều vấn đề trong tương lai.

Trang Linh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/nhung-noi-co-tai-san-huu-tri-lon-nhat-the-gioi-my-va-nhat-ban-dan-dau.htm