Những nữ CEO 'ngoại' trên đất Đồng Nai
Việt Nam hiện có 20% doanh nghiệp (DN) do phụ nữ làm giám đốc điều hành (CEO). Trong tương lai, tỷ lệ nữ làm chủ DN sẽ tiếp tục tăng, khẳng định vai trò, vị thế cũng như những đóng góp của người phụ nữ trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Nữ CEO Lee Shu Li trao đổi thông tin sản phẩm với công nhân tại Công ty Công nghiệp Kiến Đạt (thành phố Biên Hòa). Ảnh: Thủy Mộc
Đồng Nai là tỉnh phát triển tốp đầu cả nước về lĩnh vực công nghiêp với hàng chục ngàn DN trong và ngoài nước. Trong đó, một số DN, tập đoàn có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được điều hành bởi các CEO nữ. Để có được thành công, những nữ CEO đã vượt qua những khó khăn từ rào cản ngôn ngữ, văn hóa…, để điều hành các DN thành công.
Vượt qua những rào cản
Theo nhận xét của một số nữ lãnh đạo, quản lý công ty FDI ở Đồng Nai, môi trường làm việc tại Việt Nam nói chung và Đồng Nai nói riêng đã để lại cho họ những ấn tượng đẹp. Người lao động được đối xử công bằng giữa nam và nữ. Đặc biệt, những chế độ cho người phụ nữ như ốm đau, thai sản luôn ở khung ưu đãi cao nhất. Điều này giúp cho giá trị người phụ nữ được nâng lên, đồng thời động viên, khuyến khích để người phụ nữ vượt qua những khó khăn, gánh nặng gia đình, tích cực tham gia phát triển sự nghiệp.
Nữ CEO Somhatai Panichewa phát biểu tại Lễ Kỷ niệm 30 năm thành lập Amata VN.
Là tập đoàn kinh tế đến từ Đài Loan, đã đầu tư vào Đồng Nai hơn 30 năm, đến nay, Công ty CP công nghiệp chính xác Việt Nam (VPIC) đã đánh dấu chặng đường dài gắn bó với Đồng Nai. Đặc biệt hiện nay, VPIC đang được điều hành bởi nữ CEO người Đài Loan. Bà Lee Wei Chun, Chủ tịch HĐQT VPIC, cho biết hơn 20 năm sinh sống, làm việc tại Việt Nam, bà thấy ở Việt Nam rất bình đẳng, cơ hội phát triển dành cho phụ nữ và nam giới là như nhau. Đây là yếu tố khiến bà Lee Wei Chun rất vui khi làm việc tại Việt Nam, mở ra nhiều cơ hội để phát triển bản thân.
Bà Lee Wei Chun chia sẻ: “Tại Việt Nam, nam giới rất tôn trọng phụ nữ. Các chế độ phúc lợi mà nhà nước dành cho phụ nữ cũng rất tốt. Cụ thể, phụ nữ tại Việt Nam được phép nghỉ thai sản 6 tháng, trong khi tại Đài Loan chỉ có 8 tuần. Các chế độ phúc lợi dành cho lao động nữ ở Việt Nam thậm chí còn vượt trội hơn nhiều nước khác. Bên cạnh đó, phụ nữ tại Việt Nam luôn nhận được sự hỗ trợ từ các đồng nghiệp, nhất là đồng nghiệp nam. Điều này cho thấy, nét đẹp về sự văn minh, tiến bộ cũng như tinh thần đoàn kết của người Việt trong lao động, sản xuất”.
Cũng là một trong những nữ CEO ngoại lập nghiệp và thành công tại Việt Nam, Tổng giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp Kiến Đạt Lin Shu Li chia sẻ, thời gian đầu ở môi trường làm việc mới, bà Li gặp không ít khó khăn do bất đồng về ngôn ngữ, văn hóa cũng như các quy định về pháp luật của Việt Nam. Đặc biệt, giai đoạn này bà Li đang có con nhỏ. Vừa lo công việc, vừa lo cho gia đình, bản thân bà Li phải nỗ lực rất nhiều để có được sự thành công như hôm nay.
Tuy nhiên, ngay từ đầu, bà Li luôn xác định phải nỗ lực để vượt qua khó khăn. Bên cạnh việc tự khắc phục bản thân, bà Li luôn xem người lao động như người trong gia đình. Bà thường xuyên đào tạo, hỗ trợ người lao động trong công việc, từ đó tạo sự gắn kết giữa chủ DN và người lao động. Với phương châm xây dựng văn hóa hoạt động của công ty như một gia đình, tinh thần đoàn kết, sẻ chia nên sau 30 năm tồn tại, Kiến Đạt ngày càng phát triển vững mạnh.
Những kỹ năng cần có
Là nữ CEO hoạt động trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp - môi trường vốn dĩ do nam giới chiếm ưu thế tại Việt Nam, thế nhưng bà Somhatai Panichewa, Giám đốc điều hành Công ty CP đại chúng Amata VN, thuộc Tập đoàn Amata (Thái Lan), là một trong những nữ CEO có sự khác biệt trong “thế giới” bất động sản công nghiệp.

Nữ CEO Lin Shu Li cho biết: “Khi người phụ nữ làm chủ được mọi việc trong gia đình thì sẽ làm chủ được xã hội. Trong công việc phải luôn đặt niềm tin vào những con người mà mình đã chọn”. Ảnh: Thủy Mộc
Chia sẻ quan điểm về một nữ CEO, bà Somhatai Panichewa cho rằng, bản thân bà có cách tiếp cận mềm mỏng nhưng luôn kiên nhẫn trong các buổi đàm phán hay khi làm việc với các cấp chính quyền giúp dễ dàng xây dựng lòng tin và thúc đẩy các mối quan hệ đối tác bền vững, lâu dài. Điều này cực kỳ quan trọng trong việc thúc đẩy các dự án phát triển. Hơn nữa, sự tỉ mỉ, chú trọng chi tiết cùng khả năng tổ chức công việc một cách khoa học - những phẩm chất thường được cho là thế mạnh của người phụ nữ, đồng thời là yếu tố then chốt để quản lý hiệu quả các dự án khu công nghiệp quy mô lớn, đầy phức tạp. Bên cạnh đó, phong cách lãnh đạo mang tính kết nối, quan tâm của phụ nữ góp phần không nhỏ xây dựng nên một văn hóa doanh nghiệp gắn kết, hòa nhập, từ đó nâng cao hiệu quả giữ chân nhân tài.
Tuy có những lợi thế nhưng bà Somhatai Panichewa cũng thừa nhận, với vai trò là phụ nữ sẽ không tránh khỏi những định kiến nhất định. Điều này đòi hỏi bản thân bà phải nỗ lực gấp nhiều lần để chứng minh năng lực và tạo dựng uy tín bằng chính những kết quả thực tế. Bên cạnh đó, áp lực "kép" từ vai trò CEO với lịch trình di chuyển dày đặc, thời gian làm việc kéo dài luôn là thách thức thường trực trong việc cân bằng giữa sự nghiệp và cuộc sống gia đình. Điều này đòi hỏi sự sắp xếp vô cùng khéo léo cùng sự thấu hiểu, cảm thông từ những người thân.
Để trở thành một nữ CEO thành công, bà Somhatai Panichewa cho rằng, người phụ nữ cần phải kiên định với tầm nhìn dài hạn và khả năng cụ thể hóa tầm nhìn thành hiện thực. Điều này đòi hỏi CEO không chỉ có ý tưởng lớn về tiềm năng, mà phải "vẽ" ra được bức tranh hệ sinh thái tích hợp hoàn chỉnh từ hạ tầng kỹ thuật, đến tiện ích sống và kiên định dẫn dắt đội ngũ từng bước biến nó thành hiện thực, không bị dao động bởi những biến động nhất thời của thị trường. Bên cạnh đó, sự nhạy bén và linh hoạt trong xử lý vấn đề là điều rất cần của một nữ CEO. Các kỹ năng như: xây dựng và giữ gìn các mối quan hệ chiến lược, quản lý con người và xây dựng đội ngũ nhân viên mạnh… là những yếu tố rất cần cho những nữ CEO nếu muốn phát triển doanh nghiệp bền vững.
Bà Somhatai Panichewa khẳng định: “Sự kết hợp giữa bản lĩnh, tầm nhìn, sự linh hoạt và đặc biệt là sự chân thành, thấu hiểu đều có thể tạo nên sự khác biệt tích cực đối với một CEO. Điều quan trọng nhất đối với một CEO là phải không ngừng học hỏi, không ngại đối mặt với khó khăn và luôn giữ vững niềm tin vào con đường mình đã chọn”.