Những nước nào bị ảnh hưởng nhiều nhất nếu giá dầu lên 100 USD/thùng?
Hôm Chủ nhật tuần trước, một số thành viên OPEC+, liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và và một số nước ngoài khối gồm Nga, tuyên bố cắt giảm sản lượng tổng cộng 1,16 triệu thùng/ngày...
Động thái cắt giảm sản lượng bất ngờ của OPEC+ đã khiến giá dầu tăng mạnh tuần này, và giới phân tích nói rằng những nền kinh tế nhập khẩu dầu lớn như Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ là những nước bị ảnh hưởng nhiều nhất nếu giá dầu tăng lên mức 100 USD/thùng như nhận định của một số nhà dự báo.
Hôm Chủ nhật tuần trước, một số thành viên OPEC+, liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và và một số nước ngoài khối gồm Nga, tuyên bố cắt giảm sản lượng tổng cộng 1,16 triệu thùng/ngày. Động thái này hoàn toàn nằm ngoài dự báo của thị trường.
“Đó là một loại thuế đánh vào các nền kinh tế phải nhập khẩu dầu”, Giám đốc điều hành Pavel Molchanov của ngân hàng đầu tư Raymond James nói với hãng tin CNBC. “Mỹ không phải là nước bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi mức giá 100 USD/thùng dầu, mà là những nước không sở hữu tài nguyên dầu lửa như Nhật Bản, Ấn Độ, Đức, Pháp….”
Kế hoạch cắt giảm sản lượng này của OPEC+ sẽ được triển khai từ tháng 5 và kéo dài cho tới hết năm 2023. Trước đó, Nga cũng tuyên bố giảm sản lượng dầu 500.000 thùng/ngày từ tháng 3 cho tới hết năm. Tháng 10 năm ngoái, OPEC+ công bố kế hoạch giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày cho tới cuối 2023.
“Những nền kinh tế chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi việc OPEC+ cắt giảm sản lượng dầu và giá dầu tăng là những nước có mức độ phụ thuộc lớn vào nhập khẩu dầu và năng lượng hóa thạch có tỷ trọng cao trong hệ thống năng lượng của họ”, ông Henning Gloystein, Giám đốc Eurasia Group, phát biểu. “Điều này có nghĩa là những khu vực đối mặt rủi ro lớn nhất chính là những ngành công nghiệp dựa vào năng lượng nhập khẩu, đặc biệt ở Nam Á và Đông Nam Á, cũng như lĩnh vực công nghiệp nặng có mức độ phụ thuộc rất lớn vào năng lượng nhập khẩu ở Nhật Bản và Hàn Quốc”.
ẤN ĐỘ
Ấn Độ là nước tiêu thụ dầu lớn thứ ba trên thế giới. Nước này đã mua mạnh dầu Nga với mức giá chiết khấu lớn trong bối cảnh phương Tây “tẩy chay” dầu Nga kể từ khi nổ ra chiến tranh Nga-Ukraine. Theo số liệu của Chính phủ Ấn Độ, nhập khẩu dầu thô của nước này trong tháng 2 năm nay tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
“Ấn Độ vẫn đang hưởng lợi từ dầu giá rẻ từ Nga, nhưng cũng đã bắt đầu cảm nhận ảnh hưởng từ giá than và xăng dầu tăng. Nếu giá dầu tăng cao hơn, thì ngay cả dầu Nga được bán với giá chiết khẩu vẫn sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ”, ông Gloystein nói.
NHẬT BẢN
Dầu là nguồn năng lượng quan trọng nhất ở Nhật Bản, chiếm khoảng 40% tổng nguồn cung năng lượng của nước này.
“Gần như không có hoạt động sản xuất dầu trong nước, Nhật Bản phụ thuộc lớn vào dầu thô nhập khẩu, với khoảng 80-90% đến từ Trung Đông”, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết.
HÀN QUỐC
Cũng giống như ở Nhật Bản, dầu thô là nguồn năng lượng chính đáp ứng nhu cầu của Hàn Quốc. “Hàn Quốc và Italy đều có mức độ phụ thuộc hơn 75% vào dầu nhập khẩu”, ông Molchanov nhấn mạnh.
Ông Gloystein nói thêm rằng châu Âu và Trung Quốc cũng khó tránh khỏi ảnh hưởng lớn từ việc OPEC+ giảm lượng dầu. Tuy nhiên, mức độ tác động đến Trung Quốc có nhẹ hơn một chút do nước này có hoạt động sản xuất dầu trong nước, còn châu Âu có tỷ trọng tương đối lớn của điện hạt nhân, than và khí đốt tự nhiên trong cấu trúc năng lượng thay vì phụ thuộc đa số vào dầu.
CÁC NỀN KINH TẾ MỚI NỔI
Một số nền kinh tế mới nổi “không có năng lực ngoại tệ để hỗ trợ việc nhập khẩu xăng dầu” sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực nặng nề từ mức giá 100 USD/thùng dầu - theo ông Molchanov. Vị chuyên gia đề cập tới những cái tên như Argentina, Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Phi và Pakistan là những nền kinh tế có khả năng đối mặt với tác động nghiêm trọng nếu giá dầu lên 100 USD/thùng.
Sri Lanka, quốc gia không có hoạt động sản xuất dầu trong nước và phụ thuộc 100% vào nhập khẩu, cũng có nguy cơ tổn thương cao từ mức giá dầu 3 con số.
“Những nước có ít ngoại tệ và những nước nhập khẩu dầu sẽ tổn thất nhiều nhất, vì dầu được định giá bằng đồng USD”, nhà sáng lập Amrita Sen của Energy Aspects phát biểu. Theo bà Sen, chi phí cho việc nhập khẩu dầu sẽ còn cao hơn nếu đồng USD tăng giá.
Tuy nhiên, có một tin tốt là dù dầu có khả năng tăng giá lên 100 USD/thùng, mức giá này có thể không duy trì lâu và sẽ không phải là “mặt bằng vĩnh viễn” - theo ông Molchanov. “Trong dài hạn, giá dầu có thể chỉ như mức giá hiện nay, nghĩa là trong khoảng 80-90 USD/thùng”, ông nói.
“Khi giá dầu lên 100 USD/thùng và duy trì ở đó trong một khoảng thời gian nhận định, các nhà sản xuất dầu chắc chắn sẽ tăng sản lượng”, ông Gloystein nói.