Những 'phú nông' áo xanh
'Đã qua rồi cái thời nông dân chỉ biết quẩn quanh với đồng ruộng, thụ động bám theo tập tục canh tác lạc hậu. Thanh niên chúng tôi giờ tiếng là nông dân nhưng lướt Web thành thục, ngồi nhà vẫn có thể học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật, kết nối giao thương khắp các vùng miền. Bám nắm nhu cầu thị trường, nông sản sẽ có giá trị hàng hóa cao, lợi nhuận thu về lớn…'.
Đoàn viên Đinh Quốc Duy- Giám đốc HTX Chè Suối Reo (thứ hai, từ trái sang) giới thiệu quy trình sản xuất chè an toàn đang được các thành viên HTX áp dụng nghiêm ngặt.
(baophutho.vn) - “Đã qua rồi cái thời nông dân chỉ biết quẩn quanh với đồng ruộng, thụ động bám theo tập tục canh tác lạc hậu. Thanh niên chúng tôi giờ tiếng là nông dân nhưng lướt Web thành thục, ngồi nhà vẫn có thể học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật, kết nối giao thương khắp các vùng miền. Bám nắm nhu cầu thị trường, nông sản sẽ có giá trị hàng hóa cao, lợi nhuận thu về lớn…”.
Tâm sự vui của một nông dân đang trong tuổi tham gia sinh hoạt đoàn thanh niên với mô hình vườn ươm cho thu nhập vài trăm triệu đồng mỗi năm cũng là chuyện vui, thực tế đáng mừng chung tại xã Thục Luyện, huyện Thanh Sơn với sự xuất hiện ngày càng nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp hiệu quả do các ĐVTN đồng bào dân tộc thiểu số biết phát huy sức trẻ, nhanh nhạy nắm bắt công nghệ thông tin, nhu cầu thị trường để hiện thực hóa khát vọng làm giàu trên đất quê…
Vườn ươm Thanh niên
Được bố mẹ để lại cho 2.700m2 đất đồi tại khu Đồng Xịa, xã Thục Luyện (huyện Thanh Sơn) nhưng nhiều năm liền vợ chồng anh Đinh Thanh Lâm cũng chỉ biết phát cỏ dại, trồng ngô, sắn theo mùa vụ như phần lớn người dân quanh vùng. Không đến nỗi đói đứt bữa nhưng luôn thiếu trước hụt sau, vợ chồng sức dài vai rộng mà gia đình nằm trong danh sách cận nghèo khiến anh luôn day dứt, ngại ngùng với chúng bạn. Hơn 5 năm trước, học theo các hộ trong xã, anh Lâm đã thử nghiệm thay thế cây trồng kém hiệu quả bằng các loại cây dược liệu như đinh lăng, cà gai leo...Qua mấy vụ, thu nhập có tăng lên nhưng vẫn chỉ là lấy công làm lãi, trừ chi phí lợi nhuận còn lại chẳng đáng bao nhiêu. Nhiều lần bàn bạc, phân tích nguyên nhân thất bại từ thổ nhưỡng không phù hợp đến thị trường bấp bênh, thụ động đầu ra…, anh Lâm cùng mấy anh em trong chi đoàn thanh niên chung chí hướng làm giàu trên đất quê càng thêm quyết tâm lựa chọn được hướng đi mới thực sự hiệu quả, bền vững.Bỏ công tìm hiểu, tra cứu thông tin trên mạng internet rồi nhờ anh em bạn bè xác minh thông tin giúp, hai năm trước, anh Lâm tìm được nghề mới mà chưa ai ở xã làm: Ươm cây quế giống. Rút kinh nghiệm từ thất bại trước, lần này anh cất công tìm hiểu cặn kẽ kỹ thuật ươm, đặc tính sinh học cây quế, kết nối thị trường tiêu thụ rồi mới đặt hàng mua hạt giống từ Văn Chấn (Yên Bái), đất đóng bầu, phân bón và tiến hành thử nghiệm ươm khoảng 150kg hạt giống. Sau khoảng thời gian thấp thỏm chờ đợi, hơn 400.000 bầu quế đã nảy mầm xanh, sinh trưởng phát triển tốt. Giữ đúng cam kết, các đầu mối thu mua về đếm cây trả tiền. Giá thị trường hơn một nghìn đồng mỗi cây, số tiền thu về trang trải công nợ vẫn thoải mái để đầu tư vụ kế tiếp. Qua kết nối trên mạng xã hội, lượng khách hàng tăng lên, năm nay anh thuê thêm nhân công ươm hơn 700.000 cây giống. Thời điểm này, toàn bộ số bầu giống đảm bảo chất lượng, sẵn sàng xuất bán phục vụ vụ trồng rừng đầu xuân. Điều này cũng đồng nghĩa với việc anh chị sẽ thu về hơn 700 triệu đồng, cao hơn nhiều lần so với các hoạt động nông nghiệp truyền thống. Cuối năm trước, gia đình anh đã thoát khỏi danh sách cận nghèo. Không chỉ mang lại nguồn thu lớn cho gia đình, mô hình kinh tế của anh thanh niên đồng bào dân tộc Mường Đinh Thanh Lâm đã và đang truyền cảm hứng, tạo động lực giúp các ĐVTN trong xã thay đổi nếp nghĩ, mạnh dạn đầu tư mở hướng làm giàu trên đất quê. Huyện đoàn Thanh Sơn đã lựa chọn đây là mô hình điểm mang tên “Vườn ươm Thanh niên” để tiếp tục phát huy hiệu quả, nhân ra diện rộng.
Vườn ươm Thanh niên với các bầu quế giống đảm bảo chất lượng chuẩn bị xuất bán.
Hợp sức làm giàu
Diện tích đất đồi lớn, nhiều năm nay, cây chè được xác định là thế mạnh trong phát triển kinh tế của Thục Luyện. Nhiều gia đình nhờ cây chè mà vươn lên thoát nghèo. Tuy nhiên, phần do thị trường thiếu ổn định, phần do phương thức sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thụ động nên lợi nhuận thường bấp bênh, không cao. Có hơn 1ha chè do bố mẹ cho, anh Đinh Quốc Duy - Phó Bí thư Đoàn xã, Bí thư chi đoàn Ngọc Đồng đã cất công tìm hiểu, so sánh chất lượng sản phẩm chè búp tươi, chè xanh của địa phương mình với các vùng chè đặc sản và nhận thấy không chênh lệch bao nhiêu trong khi giá thành lại khác biệt quá lớn. Nguyên nhân chủ yếu là do thương hiệu hàng hóa, phương thức sản xuất, kết nối giao thương.Được lãnh đạo xã và gia đình động viên, tạo điều kiện thuận lợi giúp đỡ, đầu năm 2019, anh Duy quyết định thành lập HTX Chè Suối Reo do mình làm Giám đốc khi mới 26 tuổi. 10 gia đình thành viên đã thống nhất quy chế hoạt động trên nguyên tắc đảm bảo chất lượng sản phẩm chè an toàn, tạo dựng uy tín để hướng tới xây dựng thương hiệu, phát triển bền vững. Các giống chè giống cũ, năng suất, chất lượng thấp được cải tạo, thay thế bằng giống mới, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng. Cam kết về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thời điểm thu hoạch, kích cỡ sản phẩm đều được các thành viên nghiêm túc thực hiện. Nhờ đó, chất lượng sản phẩm chè búp tươi, chè khô của HTX ngày càng được nâng cao, bước đầu tạo dựng được uy tín trên thị trường.Hiện tại, HTX có 7,5ha chè đang cho thu hoạch, trong đó 6ha dành để bán sản phẩm chè búp tươi, 1,5ha sản xuất chè khô. HTX đã ký kết với Công ty Chè Phú Thịnh (xã Văn Miếu, huyện Thanh Sơn) bao tiêu toàn bộ sản phẩm chè búp tươi. Sản phẩm chè khô được cung cấp cho thị trường với giá dao động từ 100.000- 500.000 đồng/kg tùy chất lượng. Đầu ra ổn định, trừ chi phí mỗi ha chè của HTX cho nguồn thu khoảng 50 triệu đồng/năm. Đời sống các hộ thành viên cũng nhờ đó mà ngày càng được cải thiện, nâng cao…Để mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả hoạt động, HTX đã và đang liên kết với các hộ trồng chè trên địa bàn, tính toán xây dựng thương hiệu chè an toàn Suối Reo, tạo hướng mở triển vọng, bền vững cho nông sản thế mạnh của địa phương.
Đoàn viên Đinh Thanh Lâm: “Thị trường cây quế giống còn rất nhiều tiềm năng. Tôi đã tìm hiểu, khảo sát nhiều nơi, bà con giờ đang có xu thế thay diện tích trồng cây nguyên liệu giấy bằng cây quế có hiệu quả kinh tế cao hơn, nhu cầu cây giống rất cao. Thế nên sau vụ này, tôi sẽ tính toán mở rộng diện tích vườn ươm, thử nghiệm thêm các giống cây ăn quả, cây lâm nghiệp phù hợp. Việc quan trọng trước mắt là phải tìm được địa điểm thuận lợi về giao thông để mở trụ sở giới thiệu sản phẩm, đăng ký nhãn hiệu…”.
Đánh giá cao phong trào thanh niên lập thân lập nghiệp thể hiện qua các mô hình kinh tế hiệu quả của ĐVTN xã Thục Luyện, đồng chí Đinh Mạnh Hùng-Bí thư Huyện đoàn Thanh Sơn bày tỏ: “Vấn đề mấu chốt quyết định sự thành công của phong trào thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp là ý tưởng, hướng đi đúng, phù hợp với điều kiện thực tiễn. Thế nên nhiều năm nay, chúng tôi đã chủ động triển khai các hoạt động thiết thực đồng hành cùng thanh niên lập nghiệp như: Tư vấn, truyền thông nâng cao nhận thức, “truyền lửa” nhiệt huyết dám nghĩ dám làm, hiện thực hóa ước mơ, khát vọng thoát nghèo trên đất quê cho ĐVTN nông thôn. Cùng với đó, Huyện đoàn tổ chức tư vấn trực tiếp kỹ năng, kiến thức khoa học kỹ thuật, đưa ĐVTN tham quan các mô hình kinh tế hiệu quả, hỗ trợ tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi. Huyện đoàn đã chỉ đạo thành lập mỗi xã một mô hình hiệu quả để ĐVTN học tập, nhân rộng…”.
Hiệu quả thực tế là thước đo chính xác nhất cho mọi phong trào, hoạt động. Những “phú nông” cùng mô hình kinh tế nông nghiệp ở Thục Luyện không những là điển hình về phát triển kinh tế gia đình mà còn là hình ảnh đẹp của thanh niên nông thôn năng động, sáng tạo, nỗ lực vượt khó xây dựng cuộc sống mới tốt đẹp hơn.