Những quy định, chính sách về giáo dục có hiệu lực từ tháng 11/2022
Cơ cấu mới, quy định mới về chứng chỉ đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn trong nhà trường quân đội; kiểm định viên giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm phải có từ 5 năm trở lên là giảng viên… là những quy định, chính sách mới về giáo dục, sẽ được áp dụng từ tháng 11/2022.
Cơ cấu mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 86/2022, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT).
Nghị định 86/CP cơ bản kế thừa các chức năng, nhiệm vụ theo quy định tại Nghị định số 69/2017 ngày 17/2/2017 và bổ sung các nội dung mới đã được quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học năm 2018, Luật Giáo dục năm 2019 và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
Để đảm bảo đầy đủ chức năng quản lý Nhà nước của Chính phủ, Bộ GD&ĐT đã được bổ sung chức năng, nhiệm vụ mới về quản lý nhà nước về tiếng Việt và tiếng các dân tộc.
Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII quy định một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Bộ GD&ĐT đã tiến hành tinh gọn tổ chức bộ máy.
Cụ thể, sáp nhập Vụ Thi đua - Khen thưởng vào Vụ Tổ chức cán bộ; tổ chức lại Cục Cơ sở vật chất thành Vụ Cơ sở vật chất; tiếp tục duy trì không tổ chức phòng trong Vụ. Để thống nhất việc quản lý các cơ sở giáo dục đại học và các cơ sở đào tạo bồi dưỡng, Bộ GD&ĐT chuyển Học viện Quản lý giáo dục (là cơ sở giáo dục đại học) và Trường Cán bộ quản lý giáo dục TP Hồ Chí Minh (là cơ sở đào tạo bồi dưỡng) về danh sách các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ GD&ĐT.
Như vậy, Bộ GD&ĐT chỉ còn 20 tổ chức hành chính (gồm 16 đơn vị hành chính cấp Vụ, 4 đơn vị hành chính cấp Cục) và 3 đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ chức năng quản lý Nhà nước.
Trước đó, thực hiện các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ về việc xây dựng, ban hành Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Bộ GD&ĐT tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ GD&ĐT.
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 1/11/2022.
Quy định mới về chứng chỉ đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn trong nhà trường quân đội
Ngày 30/9/2022, Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư số 63/2022/TT-BQP quy định về chứng chỉ đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn trong nhà trường quân đội. Thông tư quy định cụ thể về đối tượng áp dụng, điều kiện cấp và thời hạn cấp, thu hồi và hủy bỏ chứng chỉ đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn trong nhà trường quân đội.
Thông tư này áp dụng đối với học viện, trường sĩ quan, trường đại học, trường cao đẳng, trường trung cấp, cơ sở giáo dục khác và các cơ quan, đơn vị trong quân đội được cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn (nhà trường quân đội); tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác quản lý, đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn trong quân đội.
Đối tượng đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn theo chức vụ cán bộ, đào tạo hạ sĩ quan chỉ huy, nhân viên chuyên môn kỹ thuật sơ cấp trong nhà trường quân đội có thời gian đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn từ 3 tháng trở lên.
Thông tư này không áp dụng đối với các đối tượng có thời gian đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn dưới 3 tháng và đối tượng đào tạo gắn với trình độ được cấp bằng tốt nghiệp theo quy định pháp luật. Điều kiện và thời hạn cấp chứng chỉ đào tạo trong trường quân đội Thông tư nêu rõ điều kiện cấp chứng chỉ như sau: Chứng chỉ được cấp sau khi học viên đã hoàn thành khóa đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn theo quy định và có quyết định công nhận tốt nghiệp của cấp có thẩm quyền.
Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày kết thúc khóa đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, giám đốc, hiệu trưởng nhà trường quân đội có trách nhiệm cấp chứng chỉ cho học viên đã hoàn thành khóa đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn theo quy định và có quyết định công nhận tốt nghiệp của cấp có thẩm quyền.
Thông tư quy định 6 trường hợp chứng chỉ bị thu hồi và hủy bỏ như sau: Có hành vi gian lận trong tuyển sinh, học tập, thi tốt nghiệp hoặc gian lận trong việc làm hồ sơ để được cấp chứng chỉ; cấp cho người không đủ điều kiện; do người không có thẩm quyền cấp; bị tẩy xóa, sửa chữa; để cho người khác sử dụng; do lỗi của cơ quan có thẩm quyền cấp chứng chỉ.
Việc thu hồi, hủy bỏ chứng chỉ phải được tiến hành bằng quyết định thu hồi và hủy bỏ chứng chỉ. Nội dung của quyết định nêu rõ lý do thu hồi, hủy bỏ. Quyết định được gửi đến người bị thu hồi chứng chỉ, cơ quan kiểm tra phát hiện sai phạm (nếu có), cơ quan người bị thu hồi chứng chỉ đang công tác (nếu có) và các cơ quan, tổ chức có liên quan.
Bên cạnh các quy định nêu trên, Thông tư 63/2022/TT-BQP quy định về mẫu chứng chỉ; nguyên tắc quản lý, cấp và sử dụng chứng chỉ; cấp lại, chỉnh sửa; sao chứng chỉ từ sổ gốc; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan trong quản lý và sử dụng chứng chỉ đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn trong nhà trường quân đội.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/11/2022.
Kiểm định viên giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm phải có từ 5 năm trở lên là giảng viên hoặc hoạt động trong lĩnh vực quản lý giáo dục đại học, cao đẳng sư phạm.
Đây là nội dung tại Thông tư số 14/2022/TT-BGDĐT do Bộ GD&ĐT mới ban hành quy định về kiểm định viên giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm.
Mục đích ban hành quy định về kiểm định viên nhằm làm căn cứ để cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền quản lý hoạt động của kiểm định viên, để xã hội và các cơ quan, tổ chức có liên quan biết và giám sát việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của kiểm định viên, làm cơ sở để nâng cao chất lượng đội ngũ kiểm định viên, đáp ứng yêu cầu công tác bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục đại học, cao đẳng sư phạm.
Tiêu chuẩn của kiểm định viên: Có phẩm chất đạo đức tốt, trung thực, khách quan, công tâm trong công việc; có thái độ và phong cách làm việc chuyên nghiệp, khoa học; có trách nhiệm, hợp tác trong công việc; tuân thủ pháp luật; có hiểu biết sâu, rộng và kinh nghiệm thực tiễn về bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục đại học, cao đẳng sư phạm; am hiểu chính sách, pháp luật về giáo dục đại học, cao đẳng sư phạm; có khả năng độc lập, tự chủ đưa ra nhận xét, đánh giá và khuyến nghị về bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục, chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành; có từ 5 năm trở lên là giảng viên hoặc hoạt động trong lĩnh vực quản lý giáo dục đại học, cao đẳng sư phạm; Có thẻ kiểm định viên còn hiệu lực.
Thông tư quy định những việc kiểm định viên không được làm gồm: Lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn của kiểm định viên để thực hiện hành vi trái nguyên tắc của hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục nhằm trục lợi từ cơ sở giáo dục, tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan; móc nối, quan hệ với cơ sở giáo dục, tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục để làm trái quy định pháp luật trong việc thương thảo, ký kết hợp đồng tư vấn kiểm định chất lượng giáo dục, ảnh hưởng đến lợi ích công cộng, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; nhận, đòi hỏi bất kỳ một khoản tiền, lợi ích nào khác từ cơ sở giáo dục và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan ngoài khoản thù lao, chi phí đã thỏa thuận theo hợp đồng đã ký kết và theo quy định pháp luật; xúc phạm danh dự hoặc hạ thấp uy tín của đồng nghiệp; lợi dụng ảnh hưởng của mình để can thiệp trái quy định vào hoạt động của đồng nghiệp. Các hành vi khác bị nghiêm cấm theo quy định của pháp luật.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 25/11/2022.