Những quy định có hiệu lực từ tháng 9/2022

Ghi âm, ghi hình trái phép tại tòa bị phạt tới 15 triệu đồng; Đồng tiền quy ước trong kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài... là một số quy định có hiệu lực từ tháng 9/2022.

Ghi âm, ghi hình trái phép tại tòa bị phạt tới 15 triệu đồng

Ngày 18/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng, có hiệu lực từ 1/9/2022.

Pháp lệnh quy định về các hành vi cản trở hoạt động tố tụng bị xử phạt vi phạm hành chính; hình thức, mức xử phạt; biện pháp khắc phục hậu quả; biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính; thẩm quyền, thủ tục xử phạt, thi hành quyết định xử phạt và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng.

Việc ghi âm, ghi hình của Hội đồng xét xử mà không được sự đồng ý của Chủ tọa phiên tòa hoặc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của người tham gia tố tụng mà không được sự đồng ý của họ trong phiên tòa xét xử vụ án dân sự, vụ án hành chính; không tuân theo sự điều hành của Chủ tọa phiên tòa về hoạt động ghi âm lời nói, ghi hình ảnh trong phiên tòa xét xử vụ án hình sự, thì bị phạt tiền từ 7-15 triệu đồng.

Xe limousine cải tạo sẽ không được chở khách

Nghị định 47/2022 có hiệu lực từ 1/9. Trong đó có quy định không sử dụng ô tô cải tạo từ xe có sức chứa từ 10 chỗ trở lên thành ô tô dưới 10 chỗ (kể cả người lái xe) để kinh doanh vận tải hành khách.

Không sử dụng ô tô kiểu dáng tương tự xe từ 9 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên để kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi.

Tuy nhiên, đối với ô tô cải tạo từ xe có sức chứa từ 10 chỗ trở lên thành ô tô dưới 10 chỗ (kể cả người lái xe) đã được cấp phù hiệu, biển hiệu trước ngày 1/9/2022 thì tiếp tục được sử dụng để kinh doanh vận tải hành khách đến hết niên hạn sử dụng.

Như vậy, những xe limousine được cải tạo từ ngày 1/9/2022 sẽ không được cấp phù hiệu để kinh doanh vận tải hành khách.

Nghị định 47/2022/NĐ-CP cũng bổ sung quy định đơn vị kinh doanh vận tải hành khách, lái xe, nhân viên phục vụ trên xe (nếu có) khi nhận hàng hóa ký gửi ô tô (người gửi hàng hóa không đi theo xe) phải yêu cầu người gửi hàng hóa cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin về: tên hàng hóa, cân nặng (nếu có), họ và tên, địa chỉ, số CMND/CCCD, số điện thoại liên hệ của người gửi và người nhận.

Từ 1/9/2022, khi gửi hàng trên xe khách, người gửi bắt buộc phải cung cấp ít nhất 5 thông tin trên cho nhà xe, lái xe hoặc nhân viên.

Quy định thời gian làm việc và nghỉ ngơi đối với người lao động tại các công trình khí

Thông tư số 12/2022/TT-BCT quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với người lao động làm công việc vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống đường ống phân phối khí và các công trình khí. Thông tư này bắt đầu có hiệu lực từ 9/9/2022.

Theo đó, người lao động làm công việc vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống đường ống phân phối khí và các công trình khí làm việc theo ca và phiên làm việc. Trong đó, ca làm việc không quá 12h một ngày, phiên làm việc tối đa 7 ngày.

Đối với thời gian làm thêm giờ, phải bảo đảm tổng số giờ làm việc của ca làm việc và số giờ làm thêm không quá 12 giờ một ngày; số giờ làm thêm không quá 300 giờ một năm.

Thông tư nêu rõ, việc tổ chức làm thêm giờ phải được sự đồng ý của người lao động và tuân thủ quy định tại Nghị định 145/2020/NĐ-CP. Tổ chức làm thêm giờ trong trường hợp đặc biệt tuân thủ quy định tại Điều 108 Bộ luật Lao động.

Việc nghỉ trong giờ làm việc tuân thủ quy định tại Điều 109 Bộ luật Lao động. Thời gian chuyển tiếp giữa hai ca làm việc liền kề không quá 45 phút. Nghỉ chuyển ca; Nghỉ lễ, tết; Nghỉ hàng năm; Nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương tuân thủ quy định tại Điều 110, Điều 112 và Điều 115 Bộ luật lao động.

Nghỉ hàng năm tuân thủ quy định tại Điều 113 và Điều 114 Bộ luật lao động. Trường hợp không thể bố trí nghỉ hàng năm cho người lao động, người sử dụng lao động thỏa thuận với người lao động về việc nghỉ hàng năm vào thời gian nghỉ chuyển phiên.

Bên cạnh đó, sau mỗi phiên làm việc, người lao động làm việc theo phiên được bố trí nghỉ liên tục với số ngày nghỉ bằng với số ngày làm việc trong phiên làm việc trước đó.

Đồng tiền quy ước trong kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài

Thông tư 09/2022/TT-NHNN hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài.

Theo đó, đồng tiền quy ước trong kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài quy định như sau:

- Mệnh giá của đồng tiền quy ước ghi bằng đồng Việt Nam hoặc bằng một loại ngoại tệ chuyển đổi.

- Doanh nghiệp thực hiện quy đổi mệnh giá đồng tiền quy ước sang đồng Việt Nam hoặc các loại ngoại tệ.

- Tỷ giá chuyển đổi căn cứ theo tỷ giá niêm yết vào ngày giao dịch của ngân hàng được phép nơi doanh nghiệp mở tài khoản chuyên dùng ngoại tệ (hiện hành chỉ quy định căn cứ theo tỷ giá niêm yết của ngân hàng được phép nơi doanh nghiệp mở tài khoản chuyên dùng ngoại tệ).

Trường hợp ngày giao dịch là ngày nghỉ, ngày lễ, tỷ giá quy đổi căn cứ theo tỷ giá vào ngày giao dịch liền kề trước đó (hiện hành không có quy định này).

- Người chơi được đổi đồng tiền quy ước ra ngoại tệ hoặc đồng Việt Nam trong trường hợp không chơi hết hoặc trúng thưởng bằng đồng tiền quy ước tại doanh nghiệp.

Đồng thời, được sử dụng số ngoại tệ đổi từ đồng tiền quy ước để thực hiện các giao dịch quy định tại Điều 3 Thông tư 09/2022/TT-NHNN.

Quy định tiếp nhận tài trợ bằng tiền để thực hiện các hoạt động xã hội, từ thiện của cá nhân

Thông tư 41/2022/TT-BTC hướng dẫn chế độ kế toán áp dụng cho các hoạt động xã hội, từ thiện.

Theo đó, cá nhân thực hiện vận động các hoạt động xã hội, từ thiện khi tiếp nhận tài trợ bằng tiền từ các nhà tài trợ để thực hiện các hoạt động này phải thực hiện các quy định sau:

- Cá nhân người vận động phải mở riêng tài khoản cho mục đích xã hội, từ thiện tại ngân hàng theo quy định, không được nhận tiền tài trợ vào chung tài khoản sử dụng chi tiêu cá nhân của người vận động;

- Trường hợp tiếp nhận bằng tiền mặt: Cá nhân tiếp nhận có trách nhiệm bảo quản an toàn tiền mặt; trường hợp chưa sử dụng có thể đem gửi vào tài khoản được mở riêng cho mục đích xã hội, từ thiện tại ngân hàng;

- Trường hợp tiếp nhận bằng ngoại tệ để thực hiện các hoạt động xã hội, từ thiện trong nước: Cá nhân tiếp nhận bán ngoại tệ cho ngân hàng thương mại và quản lý, sử dụng tiền Việt Nam để thực hiện các hoạt động xã hội, từ thiện theo quy định;

- Lãi tiền gửi sau khi trừ đi chi phí thanh toán được bổ sung tăng nguồn tài trợ;

- Lập Sổ tổng hợp ghi chép số liệu theo quy định.

Quy định khung giá nhượng quyền khai thác dịch vụ hàng không

Thông tư 13/2022/TT-BGTVT quy định khung giá nhượng quyền khai thác dịch vụ hàng không.

Theo đó, khung giá nhượng quyền khai thác dịch vụ hàng không được quy định như sau:

- Khai thác nhà ga hành khách quốc tế: từ 15% đến 24%;

- Khai thác nhà ga, kho hàng hóa; Khai thác phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất: từ 1,5% đến 4,5%;

- Khai thác sửa chữa, bảo dưỡng phương tiện, trang thiết bị hàng không; Khai thác kỹ thuật hàng không: từ 1% đến 3%;

- Khai thác cung cấp suất ăn hàng không: từ 75.000 đồng/chuyến bay đến 225.000 đồng/chuyến bay;

- Khai thác cung cấp xăng dầu hàng không: từ 28.000 đồng/tấn đến 84.000 đồng/tấn.

Các mức giá nhượng quyền quy định trên là mức giá tối thiểu và tối đa chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng.

Doanh nghiệp cảng hàng không và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không tại cảng hàng không, sân bay thực hiện đàm phán, thương thảo giá dịch vụ trong khung giá quy định trên.

G.M

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nhung-quy-dinh-co-hieu-luc-tu-thang-92022-664161.html