Những rào cản trong phát triển vật liệu xây dựng xanh

Nhiều chính sách của Chính phủ tạo hành lang pháp lý cho vật liệu xây dựng (VLXD) xanh phát triển áp dụng vào các công trình, tuy nhiên vẫn còn những rào cản trong việc phát triển các VLXD xanh cũng như công trình xanh trong các giai đoạn vừa qua.

Chiều 14/5, tại Đà Nẵng, Hội thảo về Phát triển vật liệu xanh, thực trạng và xu hướng tiếp cận được tổ chức nhằm đưa ra các giải pháp thích ứng có những lựa chọn phù hợp, đạt hiệu quả cao để thúc đẩy sự phát triển và ứng dụng rộng rãi các vật liệu xanh cho mọi công trình.

Sản phẩm gạch không nung được xem là một trong những VLXD xanh được sử dụng tại các công trình nhà ở cao tầng tại Đà Nẵng.

Sản phẩm gạch không nung được xem là một trong những VLXD xanh được sử dụng tại các công trình nhà ở cao tầng tại Đà Nẵng.

Thiếu hụt thông tin minh bạch và hệ thống tiêu chuẩn đánh giá chất lượng

Theo ông Đặng Việt Dũng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho biết: Một trong những rào cản lớn nhất trong phát triển VLXD xanh chính là sự thiếu hụt thông tin minh bạch và hệ thống tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chưa đồng bộ. Thiếu bộ tiêu chí nhãn xanh/nhãn sinh thái/vật liệu xanh, dẫn đến tồn tại không ít sản phẩm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Người tiêu dùng đang lúng túng giữa muôn vàn lựa chọn, khó khăn trong việc phân biệt vật liệu xanh thực sự và các sản phẩm "giả xanh". Người sản xuất rất khó tự bảo vệ sản phẩm dẫn đến hạn chế trong phát triển thị trường. Chúng ta cũng đang thiếu những quy định nhằm cải thiện tình hình sản xuất và sử dụng vật liệu xanh, thiếu các chế tài hoặc quy định trách nhiệm liên quan đến bảo vệ môi trường khi sản xuất và sử dụng vật liệu xây dựng.

Ông Nguyễn Quang Vinh Chủ tịch Chi hội VLXD MT&TN chia sẻ: Hiện nay chưa có các hướng dẫn cụ thể của các cơ quan thẩm quyền từ trình tự đến thủ tục đánh giá, chứng nhận sản phẩm về VLXD tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường, chưa có các quy định bắt buộc về đánh giá, chứng nhận nhãn sản phẩm VLXD tiết kiệm năng lượng đối với các thiết bị sử dụng năng lượng. Trình độ công nghệ, nhân lực, quản lý, thiết bị, kỹ thuật xây dựng. Về điều kiện tiện nghi các công trình ở Việt Nam nhìn chung, đặc biệt là khu vực miền Trung còn rất nhiều hạn chế. Hiện chúng ta chưa có công trình nào được thiết kế, xây dựng, quản lý vận hành để đạt tiêu chí net zero. Điều này đang đặt ra thách thức lớn đối với Việt Nam để đạt mục tiêu cam kết vào năm 2050.

Ngoài rào cản về việc thiếu hụt thông tin minh bạch và hệ thống tiêu chuẩn đánh giá chất lượng thì nhận thức của người tiêu dùng về yêu cầu bảo vệ môi trường, lợi ích của việc sử dụng vật liệu xanh liên quan đến sức khỏe con người vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đủ mạnh mẽ để tạo nên một cú hích thực sự cho thị trường. Người tiêu dùng vẫn chưa hiểu nhiều về vật liệu xanh, thường chỉ quan tâm đến mẫu mã, chất lượng và giá thành mà ít quan tâm đến tính thân thiện với môi trường của sản phẩm mình sử dụng.

Hướng đến phát triển và sử dụng VLXD xanh

Nhằm giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn, hiện nay, Sở Xây dựng đang hướng dẫn các đơn vị trên địa bàn đánh giá triển khai các bước thực hiện theo hướng dẫn. Đây cũng chính là một quy định quan trọng giúp các doanh nghiệp, chủ đầu tư nghiên cứu áp dụng các loại vật liệu xanh, thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng tiêu thụ trong vòng đời công trình nhằm giảm phát thải khí nhà kính, góp phần bảo vệ môi trường.

Ông Trần Văn Hoàng, Phó giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng phát biểu về hướng phát triển VLXD tại Đà Nẵng.

Ông Trần Văn Hoàng, Phó giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng phát biểu về hướng phát triển VLXD tại Đà Nẵng.

Ông Trần Văn Hoàng, Phó giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng cho biết: Định hướng phát triển VLXD thành phố Đà Nẵng phải đảm bảo tính bền vững, gắn hiệu quả kinh tế với hiệu quả xã hội. Phát triển sản xuất với quy mô hợp lý, lựa chọn công nghệ sản xuất tiên tiến, hiện đại tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường. Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư sản xuất, cung ứng VLXD, phát triển cơ khí chế tạo cho công nghiệp VLXD trên địa bàn thành phố và các tỉnh, thành lân cận.

Phát triển ngành VLXD thành phố theo đúng Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng thành phố Đà Nẵng thời kì 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050. Trong đó, chú trọng phát triển vật liệu xanh, vật liệu tiết kiệm năng lượng, đẩy mạnh áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất VLXD. Tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất VLXD trên địa bàn thành phố phát minh ra các loại vật liệu mới áp dụng phù hợp với điều kiện thời tiết tại Đà Nẵng và thân thiện môi trường góp phần đa dạng các loại VLXD thân thiện môi trường cho thị trường VLXD của thành phố. Khuyến khích các chủ đầu tư công trình áp dụng kiến trúc xanh, sử dụng vật liệu xanh, thân thiện môi trường cho công trình. Đồng thời kiến nghị Bộ Xây dựng ban hành danh mục các loại VLXD xanh, thân thiện môi trường làm cơ sở để các nhà sản xuất triển khai thực hiện, người dân, chủ đầu tư các công trình xây dựng áp dụng vào công trình.

Hiện nay, trên địa bàn thành phố có nhiều công trình thiết kế xanh, sử dụng vật liệu xanh, cụ thể: Fsoft của Tập đoàn FPT, Tòa nhà văn phòng của Tập đoàn Phi Long, Khách sạn Chichland, ngân hàng An Bình...

Ngọc Long

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/nhung-rao-can-trong-phat-trien-vat-lieu-xay-dung-xanh-192250514182314135.htm