Những sắc màu văn hóa
Trong tiết Xuân ấm áp, lất phất mưa bay, tiếng cồng chiêng ngân vang, những làn điệu hát Ví, hát Rang mượt mà, ngân nga như níu bước mùa Xuân, níu chân người ở lại với bản Mường, hòa cùng cảnh sắc thiên nhiên và âm thanh rộn rã. Về những bản Mường Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập, Thanh Thủy… ngày Xuân, du khách được đắm chìm trong không gian của những sắc màu văn hóa gìn giữ từ muôn đời nay…
Diễn tấu cồng chiêng trong hát sắc bùa ngày Xuân của đồng bào dân tộc Mường xã Tất Thắng, huyện Thanh Sơn.
Đêm trừ tịch. Vào thời khắc giao hòa giữa năm mới và năm cũ, sau lễ cúng thần làng, tiên tổ, ông Ngọc Văn Bộ, ở Mường Mít, xã Tân Lập, huyện Thanh Sơn mang chiếc chiêng cả mà gia đình ông đã được truyền lại từ bao đời nay ra gióng lên những hồi đón chào năm mới. Sau tiếng chiêng “khai sáng” từ nhà ông, những chiêng con trong bộ 12 chiếc chiêng từ các nhà khác trong tộc họ đua nhau cất lên, hòa thành bản hợp xướng chào năm mới đã đến. Trong không gian Xuân, thời khắc giao hòa của đất trời, tiết tấu “boong, khùm…” vang vọng làm lòng người háo hức, chộn rộn. Sau đêm giao thừa, các tộc họ và các bản Mường thường thành lập phường bùa, đến các gia đình trong bản đánh cồng chiêng và hát sắc bùa. Lời hát khen gia chủ có ngôi nhà đẹp, có mảnh vườn cây cối tốt tươi, con cháu sum vầy. Lời hát cầu cho gia chủ năm mới gặp nhiều may mắn, mùa màng bội thu… Những gia đình có phường bùa vào hát được coi là may mắn trong năm. Phường bùa rong ruổi hết nhà này sang nhà khác, cuốn theo lời hát của phường bùa, những nhịp điệu cồng chiêng cứ ngân nga, lắng đọng trong suốt dịp Tết.
Múa chạm ống chào Xuân của đồng bào dân tộc Mường xã Khả Cửu, huyện Thanh Sơn.
Cũng như cồng chiêng, không biết từ bao giờ, những làn điệu hát Ví, hát Rang đã ngấm vào máu thịt, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người Mường Phú Thọ mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Khi tiếng “boong… khùm…” của cồng chiêng vang lên cùng với những câu Ví, điệu Rang mượt mà, sâu lắng cũng là lúc mùa Xuân ùa về trên vùng cao Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập, Thanh Thủy… Ở đâu có bản Mường thì ở đấy có dấu ấn của hát Ví, hát Rang, có dấu ấn của hội séc bùa, hội cồng chiêng - nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc của người Mường vẫn đang được bảo tồn, phục dựng. Hát Ví, hát Rang luôn phản ánh chân thật tình cảm của con người và thường được tổ chức vào mùa Xuân. Nội dung lời ca bóng bẩy, giàu hình tượng, gần gũi với thiên nhiên, với lao động sản xuất và đời sống sinh hoạt hàng ngày, đồng thời cũng thể hiện cảm xúc hồn nhiên, chân thành của người lao động. Hát Ví còn phản ánh cụ thể những chặng đường của tình yêu trai gái phù hợp với nhân sinh quan tích cực của người lao động: Gặp gỡ - làm quen - ướm hỏi - ưng thuận - thề nguyện- nhớ mong - giận hờn - oán trách - đợi chờ - tin tưởng... Trong hội làng, hát Ví thường được tổ chức vào ban đêm, bên bếp lửa nhà sàn hay vào ban ngày ở các hội đu Xuân. Trong tiết Xuân rạo rực, nghe những làn điệu hát Ví, hát Rang của người Mường, người ta có những khoảng lặng cho những suy nghĩ về năm cũ đã qua để nghĩ tới tương lai, sự hứng khởi của năm mới.
Múa Trống đu chào Xuân mới của đồng bào dân tộc Mường xã Đồng Thịnh, huyện Yên Lập.
Cùng với hát Ví, hát Rang, múa Trống đu cũng mang nét văn hóa đầy sức Xuân cho vùng đất này. Tiếng Trống đu với những âm thanh trầm bổng, mãnh liệt, da diết cùng những động tác gõ trống, xoay trống, lăn trống, vần trống, ôm trống… đưa người nghe, người xem đến với những khát vọng về sự đoàn tụ, no ấm, tình đoàn kết giữa làng trên bản dưới. Tiếng trống xua đi điều không may mắn của năm cũ, mang đến cho dân làng niềm hứng khởi, lòng tin yêu cùng nhau hướng tới tương lai đầy đủ hơn cho cộng đồng, cho bản Mường. Những động tác múa khéo léo được tô điểm thêm bằng những trang phục rực rỡ của người chơi, người xem khiến cho màn múa Trống đu càng thêm phần náo nhiệt và rực rỡ.
Các nghệ nhân múa Trống đu kể lại rằng: Xưa có đôi vợ chồng người Mường sống với nhau vô cùng hạnh phúc. Bỗng một hôm người vợ bị ốm nặng và qua đời, người chồng vô cùng đau khổ, nỗi thương nhớ vợ không lúc nào nguôi. Nỗi nhớ ấy càng da diết hơn khi người chồng ngày ngày phải chứng kiến cảnh con nhỏ nhớ mẹ. Thương con, người cha lấy trống đánh cho con nghe. Đứa nhỏ nghe tiếng trống thì nín khóc. Tiếng trống giúp nguôi ngoai nỗi nhớ vợ, nhớ mẹ của hai bố con. Và cứ thế, Đông qua, Xuân về, Tết đến, rồi khi người cha già mất đi, người con lại lấy trống ra đánh để tiễn biệt cha. Từ câu chuyện cảm động về tình yêu vợ chồng, cha con, nghệ thuật đánh Trống đu của người Mường Phú Thọ đã được truyền từ đời này qua đời khác. Ban đầu Trống đu chỉ dành cho hai người, sau phát triển lên thành nhóm, rồi trở thành một trong những trò diễn không thể thiếu ở mỗi hội làng, nhất là mỗi khi Tết đến, Xuân về.
Mềm mại và uyển chuyển hơn trong những ngày Tết là hội Đu Xuân. Hội Đu được tổ chức ở hầu hết các bản Mường với sự tham gia của nam thanh, nữ tú trong bản. Giờ đây, Đu cọn và hát Ví trên Đu cọn hầu như không còn nữa nhưng Đu cây thì bản nào cũng có. Những chiếc đu bồng bềnh, nhịp nhàng theo những lần vít tay như vẽ vào bức tranh Xuân vùng cao những cánh diều của tuổi trẻ, của ước mơ, của hạnh phúc… Cùng với đó, hội Xuân bản Mường còn có tục Đâm ống, Múa mỡi, hát Nàng bung nàng bạn, hát Ngoắt ngoe… các trò chơi dân gian như bắn nỏ, ném còn, leo dây, bịt mắt bắt vịt…
Dưới lất phất mưa Xuân, sắc trắng của hoa mận, sắc hồng của hoa đào, những sắc mầu văn hóa vùng cao đa dạng, đậm đà lại được lan tỏa.. tạo nên không gian Xuân độc đáo, riêng biệt chỉ có ở vùng cao Phú Thọ.
Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/van-hoa/202202/nhung-sac-mau-van-hoa-182539