Những sai phạm gây thiệt hại nghìn tỷ trong vụ án điện mặt trời

Trong các ngày 21-22/4, TAND TP Hà Nội xét xử với 12 bị cáo trong vụ án sai phạm về dự án điện mặt trời, gây thiệt hại cho EVN hơn 1.000 tỷ đồng...

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Trong vụ án này, ông Hoàng Quốc Vượng (cựu Thứ trưởng Bộ Công thương) và ông Phương Hoàng Kim (cựu Cục trưởng Điện lực và Năng lượng tái tạo) cùng 7 bị cáo khác bị truy tố về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

THỪA NHẬN SAI PHẠM

Ông Vượng và Kim liên quan hành vi sai phạm khi xây dựng Dự thảo Quyết định 13 của Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam, mở rộng diện đối tượng được hưởng ưu đãi dẫn đến thiệt hại hơn 1.000 tỷ đồng cho EVN.

Theo cáo buộc, tháng 8/2018, Chính phủ ban hành Nghị quyết 115/NQ-CP về việc thực hiện một số chính sách, cơ chế đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển kinh tế xã hội. Nghị quyết nêu rõ tỉnh Ninh Thuận được hưởng giá điện ưu đãi đến hết năm 2020 đối với các dự án công suất 2.000 MW đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận triển khai.

Nhưng vì động cơ vụ lợi nên ông Vượng cố ý chỉ đạo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo xây dựng dự thảo Quyết định 13 theo hướng mở rộng đối tượng được hưởng giá điện ưu đãi.

Sau khi Quyết định số 13/QĐ-TTg được ban hành, trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận có tổng cộng 30 dự án đang được hưởng chính sách giá điện 9,35 UScents/kWh.

Hai dự án không đủ điều kiện được hưởng chính sách giá điện ưu đãi gồm Dự án Nhà máy Điện mặt trời Solar Farm Nhơn Hải do Công ty cổ phần đầu tư năng lượng tái tạo Licogi 16 Ninh Thuận làm chủ đầu tư, công suất thiết kế 35 MW và Dự án Nhà máy Điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam do Công ty Trung Nam Thuận Nam làm chủ đầu tư, công suất thiết kế 450 MW.

Các bị cáo tại tòa.

Các bị cáo tại tòa.

Từ tháng 7/2020 đến tháng 1/2023, Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN đã mua điện và thanh toán cho 2 nhà máy trên tổng cộng số tiền 1.043 tỷ đồng.

Tại tòa, ông Vượng thừa nhận việc chỉ đạo không đúng với Nghị quyết 115 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, theo lời cựu thứ trưởng, khi đó bị cáo không nghĩ nội dung mở rộng so với Nghị quyết 115 và chỉ “nhận ra việc chỉ đạo soạn thảo mở rộng hơn so với Nghị quyết 115 sau khi vụ án bị khởi tố”.

Bị cáo Vượng cũng thừa nhận trong Dự thảo Quyết định 13, bị cáo bút phê gạch bỏ cụm từ “được Thủ tướng chấp thuận triển khai” thay thế bằng các dự án “đã được các cấp phê duyệt”.

Trong cuộc họp ngày 2/4/2019 về xây dựng nội dung Dự thảo Quyết định 13, có ông Phương Hoàng Kim, ông Đỗ Đức Quân, báo cáo vẫn đề xuất quy định diện đối tượng ưu đãi là “các dự án điện năng lượng mặt trời… đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận triển khai”, đúng với tinh thần Nghị quyết số 115.

Tuy nhiên, ông Vượng đã chỉ đạo thay đổi nội dung này theo hướng: quy định áp dụng cho “các dự án điện mặt trời nối lưới đã có trong quy hoạch điện lực các cấp”.

Ông Vượng thừa nhận có nhận tiền từ Công ty Thuận Nam nhưng lâu rồi nên không nhớ rõ nhận bao nhiêu tiền. Bị cáo nói rằng chấp nhận cáo trạng, chấp nhận số tiền đã nhận là 1,5 tỷ đồng.

SAI PHẠM CẤP GIẤY PHÉP DO “LỖI CHÍNH TẢ”

Trong vụ án này, một số bị cáo có sai phạm trong việc thẩm định, duyệt, ký cấp văn bản công nhận ngày vận hành thương mại cho Nhà máy điện Lộc Ninh 3 trái quy định khiến EVN thiệt hại 209 tỷ đồng.

Theo giấy phép phê duyệt, Nhà máy điện Lộc Ninh 3 được xây dựng tại xã Lộc Thạnh, huyện Lộc Ninh. Do vướng mắc về đền bù, chủ đầu tư đề nghị chấp thuận vị trí mới tại xã Lộc Tấn.

Khi các thủ tục chưa hoàn thành, Công ty Lộc Ninh 3 đã xây dựng nhà máy và lập hồ sơ xin cấp giấy phép hoạt động điện lực, công nhận ngày vận hành thương mại trước thời điểm ngày 1/1/2021 để được hưởng giá điện ưu đãi.

Các bị cáo Trịnh Văn Đoàn (cựu chuyên viên), Trần Quốc Hùng (cựu Phó trưởng Phòng Cấp phép và quan hệ công chúng, Cục Điều tiết điện lực) được giao tiếp nhận, kiểm tra, rà soát, thẩm định đánh giá, đề xuất đối với hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép hoạt động điện lực của Công ty Lộc Ninh 3.

Cáo buộc thể hiện, hai bị cáo biết rõ Nhà máy điện Lộc Ninh 3 không đủ điều kiện để được cấp Giấy phép nên ngay trong ngày 18/12/2020, Trịnh Văn Đoàn và Trần Quốc Hùng đã lập báo cáo thẩm định hồ sơ, dự thảo, ký nháy Giấy phép hoạt động điện lực trình cấp trên.

Bị cáo Hùng trình bày khi thẩm định hồ sơ do bị cáo Đoàn trình lên thì có phát hiện sự sai khác về địa điểm nhưng bị cáo chủ quan, nghĩ không bao giờ có việc này xảy ra và thực tế cũng chưa bao giờ xảy ra. Một phần nữa là bị cáo tin tưởng vào chuyên viên thẩm định.

Ông Hùng nói rằng trong suy nghĩ chủ quan chỉ nghĩ đây là lỗi chính tả của hồ sơ thôi, chưa gặp trường hợp nào như vậy. Vì về lý thuyết không có dự án nào xây được khi chưa được tỉnh cấp phép...

Tại tòa, các bị cáo này cũng khai nhận không gặp chủ đầu tư, không được hưởng lợi ích vật chất nào.

Đỗ Mến

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/nhung-sai-pham-gay-thiet-hai-nghin-ty-trong-vu-an-dien-mat-troi.htm