Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 29/5 - 3/6
Gã khổng lồ dầu mỏ nhà nước Nga Rosneft chứng kiến lợi nhuận ròng tăng mạnh trong quý đầu tiên năm 2023; Các quốc gia từ châu Á và châu Mỹ Latinh đang thu mua khí đốt tự nhiên khi giá giảm… là những điểm nhấn trên bức tranh thị trường năng lượng toàn cầu tuần qua.
1. Gã khổng lồ dầu mỏ nhà nước Nga Rosneft đã chứng kiến lợi nhuận ròng trong quý đầu tiên năm 2023 tăng hơn 45% lên khoảng 4 tỷ USD, đánh bại kỳ vọng của các nhà phân tích khi sản lượng tăng mặc dù Moscow đã cắt giảm sản lượng 500.000 thùng mỗi ngày bắt đầu từ ba tháng trước.
Rosneft lưu ý rằng sản lượng dầu quý 1 tăng 0,8% so với quý 3 năm ngoái, đạt mức 4 triệu thùng/ngày.
2. Một cuộc khảo sát của Reuters hôm 31/5 cho thấy sản lượng dầu của OPEC giảm trong tháng 5 sau khi cắt giảm sản lượng tự nguyện của OPEC+ được cho là giúp hỗ trợ thị trường.
Theo khảo sát, sản lượng của OPEC đã giảm 460.000 thùng/ngày so với tháng 4 và giảm hơn 1,5 triệu thùng/ngày so với tháng 9, mặc dù sự gia tăng của một số thành viên OPEC+ đã cân bằng lại sự sụt giảm sản lượng đó.
3. Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) được cho là đã bày tỏ lo ngại về tình hình an ninh ở Vịnh Ba Tư và yêu cầu Mỹ tăng cường sự hiện diện quân sự trong khu vực để chống lại Iran, quốc gia đã bắt giữ hai tàu chở dầu trong tháng qua, The Wall Street Journal trích lời các quan chức vùng Vịnh và Mỹ.
Sau khi UAE phàn nàn về việc đồng minh của mình thiếu phản ứng mạnh mẽ, Mỹ đã tăng cường tuần tra ở Vịnh Ba Tư.
4. Cựu đại diện thương mại Thổ Nhĩ Kỳ tại Nga Aydin Sezer tiết lộ, Moscow và Ankara sẽ thực hiện các bước đi quan trọng để thành lập một trung tâm khí đốt ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Vấn đề này sẽ được thực hiện sau chiến thắng của ông Recep Tayyip Erdogan trong cuộc bầu cử Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ.
5. Các kho dự trữ khí đốt tự nhiên của Mỹ đã tăng 110 tỷ feet khối trong tuần kết thúc vào ngày 26/5, gây thêm áp lực giảm giá, đặc biệt là khi kho dự trữ hiện cao hơn 557 tỷ feet khối so với thời điểm này năm ngoái và cao hơn nhiều so với mức trung bình 5 năm.
Ngay sau khi phát hành báo cáo lưu trữ của EIA hôm 1/6, giá khí đốt tự nhiên được giao dịch giảm 2,14 USD, tương đương 5,25%.
6. Phát biểu trên kênh truyền hình Rossya 1, Bộ trưởng Năng lượng Nga Nikolai Shulginov cho biết, các nước phương Tây tiếp tục mua dầu mỏ và khí đốt của Moscow, nhưng không mua trực tiếp mà đi đường vòng.
Trước đó, Bộ trưởng Shulginov tuyên bố, Nga tiếp tục thực hiện mọi nghĩa vụ cung cấp các nguồn năng lượng. Theo quan chức Nga, ngành năng lượng của nước này, bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), đang hoạt động ổn định.
7. Các quốc gia từ châu Á đến châu Mỹ Latinh đang thu mua khí đốt tự nhiên khi giá giảm, giúp giảm bớt áp lực chi phí đối với nền kinh tế.
Tỷ lệ khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) đã giảm xuống dưới mức dầu nhiên liệu, được khuyến khích sử dụng trong sản xuất điện. Theo BloombergNEF, từ Thái Lan và Bangladesh đến Colombia, các thị trường mới nổi là những khách hàng lớn nhất trên thị trường giao ngay trong quý thứ hai liên tiếp vào đầu năm nay. Việt Nam và Philippines gần đây đã mua lô hàng LNG đầu tiên.