Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 5/6 - 10/6

Nhà lãnh đạo Nga - Ả Rập Xê-út điện đàm về đảm bảo ổn định trên thị trường năng lượng; Ả Rập Xê-út và Trung Quốc đẩy mạnh hợp tác để bảo đảm các nguồn cung cấp năng lượng an toàn... là những điểm nhấn trên bức tranh thị trường năng lượng toàn cầu tuần qua.

1. Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thái tử Ả Rập Xê-út Mohammed bin Salman đã thảo luận trong một cuộc điện đàm về đảm bảo ổn định trên thị trường năng lượng và ca ngợi sự hợp tác trong thỏa thuận OPEC+, Điện Kremlin cho biết.

Ông Putin và Thái tử Ả Rập Xê-út, những người thường xuyên tổ chức các cuộc điện đàm thảo luận về hợp tác, bao gồm cả thị trường dầu mỏ, đã thực hiện các cuộc điện đàm mới nhất vài ngày sau cuộc họp OPEC+, trong đó Ả Rập Xê-út được cho là đã bày tỏ thất vọng với sự thiếu minh bạch về sản lượng dầu hiện tại của Nga .

2. Shell gần đây đã xác nhận quyết định rút khỏi thị trường năng lượng bán lẻ ở Anh, Đức và Hà Lan do lợi nhuận kém.

Động thái này là một phần trong quá trình xem xét chiến lược của Shell đối với các hoạt động kinh doanh bán lẻ ở châu Âu, được khởi xướng vào đầu năm nay để đối phó với các điều kiện thị trường đầy thách thức.

3. Một số khách hàng ở châu Á đang tìm mua các lô hàng dầu giao ngay từ Nga, châu Phi, Brazil hoặc Mỹ sau khi nhà xuất khẩu dầu thô hàng đầu thế giới, Ả Rập Xê-út, bất ngờ tăng giá bán chính thức cho dầu thô của họ đến châu Á vào tháng 7.

Ít nhất 3 nhà máy lọc dầu ở châu Á đang tìm cách giảm khối lượng dầu thô của Ả Rập Xê-út cho tháng tới và tăng cường mua hàng từ bên ngoài, bao gồm cả hàng hóa giao ngay rẻ hơn từ Nga, hãng Bloomberg dẫn nguồn tin cho hay.

4. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tăng trưởng của Ả Rập Xê-út dự kiến sẽ giảm xuống 2,1% trong năm nay do cắt giảm sản xuất, mặc dù tài khoản vãng lai của Vương quốc này bất ngờ ở mức cao nhất trong một thập kỷ và lạm phát đã được kiềm chế.

Dự báo tăng trưởng mới của IMF cho Ả Rập Xê-út trong năm nay thấp hơn so với dự báo tăng trưởng 3,1% trong tháng 5 và được đưa ra sau khi Riyadh gây bất ngờ cho thị trường với việc tuyên bố cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện thêm 1 triệu thùng mỗi ngày.

5. Người đứng đầu tập đoàn dầu mỏ ADNOC của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), đồng thời là Chủ tịch sắp tới của COP28 mới đây nói rằng, việc cắt giảm nhiên liệu hóa thạch là không thể tránh khỏi.

ADNOC vẫn có mục tiêu đáp ứng Sáng kiến chiến lược Net Zero của UAE vào năm 2050, cùng với mục tiêu tăng sản lượng dầu thô lên 5 triệu thùng/ngày vào năm 2030. UAE cũng vừa được OPEC+ bật đèn xanh để tăng hạn ngạch khai thác.

6. Ả Rập Xê-út và Trung Quốc đang đẩy mạnh hợp tác để bảo đảm các nguồn cung cấp năng lượng an toàn thông qua các liên doanh hóa dầu giữa hai bên.

Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Xê-út Abdulaziz Al-Saud đã gặp Chủ tịch Cơ quan Năng lượng quốc gia Trung Quốc Zhang Jianhua tại Riyadh để thảo luận về kế hoạch thiết lập các công ty liên doanh hóa dầu.

Bình An

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nhung-su-kien-noi-bat-tren-thi-truong-nang-luong-quoc-te-tuan-tu-56-106-686882.html