Những tấm gương lan tỏa tinh thần thi đua ái quốc - Bài 1

Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua” đã có sức lôi cuốn, động viên, hiệu triệu toàn Đảng, toàn dân và toàn quân phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, vượt qua khó khăn, lập nên nhiều chiến công. Từ trong phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến, tiêu biểu trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần lan tỏa tinh thần thi đua ái quốc như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn 100 bài diễn văn tuyên truyền”.

BÀI 1: LÀM GIÀU TỪ MÓN QUÀ QUÊ NGON NGỌT TÌNH ĐẤT, TÌNH NGƯỜI

Với mô hình làm giàu từ nghề làm bánh truyền thống như bánh khảo, bánh gai, bánh chưng, mỗi năm cơ sở sản xuất của chị Đinh Thị Phương Lan, xóm 2, xã Vĩnh Quang (Thành phố) “bỏ túi” hơn 200 triệu đồng; giúp tiêu thụ nông sản và tạo việc làm cho nhiều lao động ở địa phương. Năm 2023, chị vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen nông dân có mô hình sản xuất hiệu quả, ổn định, giúp đỡ hộ nông dân xóa đói, giảm nghèo và tạo việc làm cho người lao động.

Bánh gai Linh Khôi gói ghém tấm lòng thơm thảo của người thợ

Tới thăm cơ sở sản xuất của gia đình chị Lan, cả không gian thoang thoảng hương thơm đặc trưng của lá chuối, hòa quyện với vị dịu mát của lá gai, gạo nếp, thêm cái ngọt thanh thanh của nhân đậu, lẫn tiếng cười nói vui vẻ của các chị em đang làm bánh. Chị Nông Thị Lễ, người cùng xóm 2, xã Vĩnh Quang đã có thâm niên 20 năm gắn bó với cơ sở sản xuất của gia đình chị Lan, với nghề làm bánh truyền thống. Đôi tay thoăn thắt lấy bột gói bánh, chị Lễ chia sẻ: Chúng tôi không phải đi làm xa nhà, có việc để làm và kiếm thêm thu nhập ở cơ sở sản xuất nhà chị Lan. Công việc nhiều hay ít tùy theo đơn hàng hằng ngày, sản phẩm của cơ sở sản xuất ngày càng được nhiều người biết đến, thời điểm cận Tết Nguyên đán, rằm tháng Bảy là bận rộn nhất, làm cả ngày đêm cũng không kịp giao hàng cho khách. Vừa có công việc gần nhà, có thêm thu nhập, vừa góp phần gìn giữ nghề làm bánh truyền thống của quê hương nên tôi rất phấn khởi, yên tâm gắn bó với cơ sở.

Rót chén trà xanh, quyện cùng hương vị bánh gai nóng hổi, chị Lan cho biết: Hương vị bánh gai đã trở nên quen thuộc với mỗi người dân Cao Bằng. Ngày bé, tôi may mắn được sống cùng bà nội, những dịp như ngày tết, ngày lễ, bà gói bánh để thắp hương dâng cúng tổ tiên rồi cả nhà cùng thưởng thức bánh. Bánh bà tôi làm rất ngon, mỗi dịp bà làm bánh lũ trẻ chúng tôi khi đó rất vui, lăng xăng giúp rửa lá, đãi gạo, hít hà cái mùi thơm thơm đặc trưng. Bánh có vị ngọt, bùi, thơm ngậy, được làm từ đôi tay tỉ mỉ, khéo léo của bà khiến tôi nhớ mãi, mày mò học theo bà làm bánh.

Cơ sở sản xuất của chị Đinh Thị Phương Lan, xóm 2, xã Vĩnh Quang (Thành phố) tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Cơ sở sản xuất của chị Đinh Thị Phương Lan, xóm 2, xã Vĩnh Quang (Thành phố) tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Theo lời kể của chị Lan, sau này lớn lên, lập gia đình, chị tập trung chăn nuôi, phát triển kinh tế; tất cả các khâu làm bánh, cũng như bí quyết gia truyền để tạo nên sự khác biệt trong hương vị đều được chị nắm vững, tuy vậy cũng chỉ làm bánh vào những dịp lễ, tết phục vụ nhu cầu của gia đình và bà con khu vực xung quanh. Có dịp đến Hải Dương, được người quen tặng bánh gai làm quà, chị trăn trở quê mình cũng có bánh gai là đặc sản truyền thống, tại sao không phát triển kinh tế và để sản phẩm quê mình được nhiều người biết đến?!. Từ đó, chị Lan quyết định chọn lựa chiếc bánh gai và quyết tâm tạo dựng thương hiệu bánh gai của quê hương. Nhưng mọi con đường đi đến thành công đều không bằng phẳng, chị đã phải trải qua rất nhiều khó khăn mới có thể có được những đơn hàng như ngày nay. Nhớ lại những ngày đầu sản xuất, do nhà ở khu vực không thuận lợi cho việc bày bán sản phẩm, chị lóc cóc chở bánh tới các cửa hàng bán lẻ, thuyết phục người bán hàng để họ chấp nhận nhập bánh, đưa bánh gai lên quầy hàng của mình. Cùng với đó, chị đầu tư máy móc, tìm hiểu xu thế của thị trường, khẩu vị của khách hàng để có thể giữ lại được hương vị truyền thống bánh gai, nhưng vẫn có thể cải tiến được chất lượng bánh theo nhu cầu của người tiêu dùng.

Nhiều lần thay đổi, không ít lần thất bại. Nhưng cuối cùng chị cũng tìm được ra công thức riêng, hương vị riêng cho sản phẩm bánh gai nhà mình phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. Trước đây, bánh gai chủ yếu được làm để bán trong các ngày lễ, tết, nhưng ngày nay khách hàng từ khắp nơi tìm mua, bánh gai trở thành quà biếu, sản phẩm đặc sản được du khách mang về làm quà tặng người thân, bạn bè mỗi khi đến Cao Bằng. Nhờ đó, xưởng bánh của chị Lan ngày càng được biết đến nhiều hơn; bánh gai Linh Khôi của cơ sở sản xuất gia đình chị Lan có mặt nơi chợ quê, các lễ hội, trong tiệc buffet nhà hàng... Gần chục công nhân trong cơ sở đều là các mẹ, các chị tảo tần, chịu thương, chịu khó, khéo léo, có tay nghề thuần thục và tràn đầy tâm huyết gửi yêu thương vào từng sản phẩm để tạo nên chiếc bánh dân dã đậm tình quê hương. Trời không phụ công người, sau nhiều năm phát triển thị trường, đến nay, bánh gai Linh Khôi đã chinh phục được người thưởng thức gần xa, được nhiều người biết đến, đi đến nhiều nơi như: Hà Nội, Hải Phòng... Và đôi khi, bánh còn theo chân du khách quốc tế vượt qua biên giới, tới các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, trở thành món quà mang đậm hồn quê Cao Bằng.

Chung tay đưa sản phẩm truyền thống vươn xa

Mới thoạt nhìn hình dáng nhỏ nhắn của chiếc bánh gai, ít ai nghĩ rằng, quy trình làm bánh từ lúc đem nguyên liệu đến khi bánh thành hình rất kỳ công, quy trình chế biến hoàn toàn thủ công, đòi hỏi sự kiên trì, tỉ mỉ và cả kinh nghiệm lành nghề được truyền từ đời này qua đời khác của người thợ làm bánh. Đối với cơ sở của chị Lan, nguyên liệu để làm bánh từ gạo nếp, lá gai, đậu xanh..., đều là sản phẩm nông nghiệp của bà con trong xóm, trong xã. Các loại bánh truyền thống do cơ sở sản xuất đều bảo đảm an toàn thực phẩm, không sử dụng chất bảo quản, vì vậy hạn sử dụng của bánh rất ngắn. Vì nhược điểm này mà sản phẩm chưa thể “đi xa”, thị trường tiêu thụ chưa rộng. Thách thức đối với người sản xuất là mở rộng thị trường mà vẫn giữ được đặc trưng truyền thống của bánh gai. Để bắt kịp xu thế, khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh, năm 2023 sản phẩm bánh gai của cơ sở chị Lan tham gia Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” OCOP, nhờ đó xây dựng được thương hiệu, khẳng định chất lượng, đạt chứng nhận OCOP 3 sao, giúp sản phẩm nâng cao giá trị và sức cạnh tranh trên thị trường. Từ khi được công nhận OCOP 3 sao, sản phẩm được nhiều người biết đến hơn, quá trình tiêu thụ thuận lợi hơn. Ứng dụng công nghệ thời đại số, chị sử dụng mạng xã hội để quảng cáo, đăng bán sản phẩm, nhờ đó sản phẩm được nhiều người biết đến, đơn hàng ngày càng nhiều.

Vừa luôn tay nghe điện thoại khách đặt hàng, vừa theo dõi quá trình làm bánh, chị Lan chia sẻ: Tất cả các khâu mình phải theo dõi, nêm nếm cũng phải chuẩn để đảm bảo có mẻ bánh thơm ngon. Tôi không làm sẵn, mà khi nào có khách đặt rồi tổng hợp làm trong ngày và giao luôn cho khác, đảm bảo khách có thể nhận được bánh ngon nóng hổi liền tay, nếu đại lý có để vài ngày vẫn giữ được hương vị. Nguyên liệu cũng vậy, phải chọn lựa kỹ càng, tỉ mỉ. Theo tôi, mình làm ăn lợi nhuận là một chuyện nhưng chất lượng vẫn phải đặt lên hàng đầu.

Chị Đinh Thị Phương Lan kiểm tra chất lượng sản phẩm bánh gai.

Chị Đinh Thị Phương Lan kiểm tra chất lượng sản phẩm bánh gai.

Ngoài bánh gai đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, cơ sở của chị còn sản xuất bánh khảo, bánh chưng, bánh trứng kiến, bánh chè lam... Hiện nay, cơ sở đăng ký sản phẩm bánh chưng tham gia Chương trình OCOP, đang hoàn thiện các thủ tục, chờ thẩm định. Với việc đa dạng hóa sản phẩm, cơ sở sản xuất tạo việc làm cho nhiều lao động ở địa phương. Bình quân, hằng ngày có từ 3 - 5 lao động làm việc; con số này tăng lên 7 - 9 lao động khi bước vào những dịp Tết Nguyên đán, rằm tháng Bảy... Không chỉ làm kinh tế giỏi, chị Lan còn giúp tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho bà con trong xóm, xã; tích cực chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, giúp bà con phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Bên cạnh đó, chị Lan tích cực hỗ trợ nhiều hoạt động an sinh xã hội ở địa phương, trong đó có Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, Quỹ “Hỗ trợ nông dân”, đóng góp tiền xây dựng nhà văn hóa, làm đường nông thôn và các công trình phúc lợi của xóm, chung tay xây dựng nông thôn mới. Chị được các cơ quan, ban, ngành tặng nhiều giấy chứng nhận và giấy khen như: nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi giai đoạn 2012 - 2016, giai đoạn 2017 - 2021, giấy khen phong trào thi đua “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021 - 2025.

Về dự định trong thời gian tới, chị Lan chia sẻ: Cả tuổi thơ tôi gắn bó với các loại bánh truyền thống nên tôi hiểu và mong muốn các loại bánh truyền thống của quê mình như bánh gai, bánh khảo, bánh chưng, bánh chè lam sẽ trở thành đặc sản nổi tiếng, là món quà được nhiều người dân trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Với đặc thù của chiếc bánh truyền thống là không thể bảo quản trong thời gian dài nên tôi không dám nuôi tham vọng có thể mở rộng thị trường quá xa, chỉ mong giữ lại hương vị truyền thống bánh quê hương Cao Bằng, để hương vị bánh mãi là niềm thương nhớ của người đi, là tình yêu của người ở lại. Hiện nay, nhiều loại bánh xuất hiện trên thị trường, nhưng tôi tin tưởng bánh truyền thống vẫn có sức hút và chỗ đứng riêng, bởi dù đời sống phát triển hiện đại ra sao, hương vị quê nhà, hồn quê vẫn còn trong mỗi món quà bánh của cha ông xưa. Và tôi sẽ góp phần là người tiếp lửa cho nghề truyền thống cha ông.

Bài 2: Gương sáng trong phong trào Thi đua Quyết thắng

Minh Đức

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/nhung-tam-guong-lan-toa-tinh-than-thi-dua-ai-quoc-bai-1-3169926.html