Những thách thức chờ ông Trump trong nhiệm kỳ thứ hai

Phát biểu nhậm chức ngày 20/1, Tổng thống Donald Trump hứa sẽ mở ra một 'Kỷ nguyên vàng của nước Mỹ'. Tuy nhiên, nhiều dự định của ông đối mặt thách thức lớn...

Tổng thống Donald Trump trong lễ nhậm chức tổng thống tại tòa nhà Quốc hội Mỹ ngày 20/1/2025 - Ảnh: Reuters

Tổng thống Donald Trump trong lễ nhậm chức tổng thống tại tòa nhà Quốc hội Mỹ ngày 20/1/2025 - Ảnh: Reuters

Sau khi tuyên thệ nhậm chức, ông Trump đã ký một loạt sắc lệnh, những bước đầu tiên để thực thi chương trình nghị sự với kế hoạch mở rộng lãnh thổ Mỹ, hạn chế nhập cư, thúc đẩy sản xuất nhiên liệu hóa thạch và hủy bỏ các quy định về môi trường.

Suốt nhiều tháng qua, các đồng minh và cố vấn của ông Trump đã lên dự thảo cho các sắc lệnh hành pháp cũng như quy định của các cơ quan Chính phủ. Đội ngũ của ông Trump khẳng định lần này có sự chuẩn bị tốt hơn so với nhiệm kỳ đầu tiên của ông. Lần này, ông Trump có lợi thế lớn khi 3/9 thẩm phán của Tòa án Tối cao là do ông bổ nhiệm.

Tuy nhiên, vì đã có một nhiệm kỳ tổng thống, theo Hiến pháp Mỹ, ông Trump sẽ phải rời Nhà Trắng sau 4 năm nữa và không được tái tranh cử. Không ít đề xuất chính sách của ông đã phá vỡ các chuẩn mực thông thường, tới mức nhiều người dự báo những chính sách này có thể dẫn tới kiện tụng kéo dài và thử thách các ranh giới của Hiến pháp Mỹ.

VẤN ĐỀ NHẬP CƯ

Theo hãng tin Reuters, chính sách nhập cư của ông Trump là chính sách vấp phải sự phản đối mạnh mẽ nhất từ Đảng Dân chủ và các tổ chức dân quyền. Đội ngũ của ông Trump ngày 20/1 xác nhận rằng chính quyền mới dự định tìm cách chấm dứt quyền có quốc tịch theo nơi sinh – một quy định trong hiến pháp Mỹ tự động cấp quốc tịch cho đại đa số người sinh ra trên đất Mỹ.

Theo các chuyên gia pháp lý, những người bị từ chối hưởng quyền công dân có thể đâm đơn kiện, dẫn tới tranh chấp pháp lý kéo dài. Hầu hết các học giả tin rằng quyền có quốc tịch theo nơi sinh được ghi nhận trong Tu chính an thứ 14 của Hiến pháp Mỹ và Hiến pháp trao thẩm quyền quản lý quyền công dân cho Quốc hội.

Trước ông Trump, chưa tổng thống nào cố gắng định nghĩa lại các quy định về quyền công dân.

Một vấn đề nữa trong chương trình nghị về vấn đề nhập cư của ông Trump là việc viện dẫn Đạo luật kẻ thù ngoại quốc (Alien Enemies Act) năm 1798 vấp phải rào cản pháp lý. Đạo luật hiếm khi được sử dụng này cho phép trục xuất một số nhóm người nước ngoài trong các thời kỳ xung đột. Trong lịch sử Mỹ, đạo luật này mới chỉ được thực thi 3 lần.

Theo ông George Fishman, cựu quan chức Bộ An ninh Nội địa trong nhiệm kỳ trước của ông Trump, để áp dụng đạo luật này, chính quyền Trump sẽ phải chứng minh rằng người nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ đã hành động theo yêu cầu của chính phủ nước ngoài.

Trong phát biểu nhậm chức, ông Trump cũng nói rằng chính quyền của ông sẽ trục xuất hàng “hàng triệu người ngoại quốc phạm tội, nhưng một nỗ lực trục xuất ở quy mô lớn như vậy có thể tiêu tốn hàng tỷ USD và kéo dài nhiều năm.

UKRAINE, PANAMA, SAO HỎA

Trong chiến dịch tranh cử năm 2024, ông Trump thường xuyên cam kết sẽ giải quyết chiến tranh Nga-Ukraine kể cả trước khi nhậm chức. Tuy nhiên, ông đã không thực hiện được điều đó trước lễ nhậm chức của mình. Các cố vấn của tân Tổng thống giờ đây cho biết có thể sẽ mất nhiều tháng để đạt được một thỏa thuận giữa Nga và Ukraine.

Trong bài phát biểu nhậm chức, ông Trump cũng nhắc lại ý định giành lại kênh đào Panama, dù đây là lãnh thổ của một nước đồng minh của Mỹ. Hiện chưa rõ ông Trump dự định làm điều này bằng cách nào.

Tân Tổng thống cũng nói ông sẽ đổi tên Vịnh Mexico thành Vịnh Mỹ. Dù ông có thể chỉ đạo Cục Khảo sát Địa chất Mỹ đổi tên như vậy nhưng điều này sẽ không được công nhận trên phạm vi quốc tế.

Ông Trump cũng khẳng định trong nhiệm kỳ của mình, Mỹ sẽ đưa người lên sao Hỏa. Với nhiệm kỳ kết thúc vào tháng 1/2029, để làm điều này, ông Trump có nhiều việc phải làm. Sao Hỏa cách Trái đất khoảng 140 triệu dặm (hơn 225 triệu km), một con số khổng lồ so với khoảng cách 239.000 dặm (hơn 384.000 km) từ Trái Đất tới Mặt Trăng.

Tháng 12/2024, Vào tháng 12, Cơ quan vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết sứ mệnh đưa phi hành gia Mỹ trở lại Mặt Trăng bị trì hoãn vì một số lý do.

“KHOAN THẬT NHIỀU DẦU"

Trong bài phát biểu nhậm chức, ông Trump thông báo sẽ tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia về năng lượng để khai phóng hết tiềm năng của lĩnh vực sản xuất nhiên liệu hóa trong nước. Dù các chuyên gia pháp lý cho rằng tổng thống có quyền công bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, nhưng cựu Tổng thống Biden đã dựng lên một số rào cản với các biện pháp mà ông Trump có thể muốn thực hiện.

Ví dụ, đầu tháng này, ông Biden đã sử dụng Đạo luật Lãnh thổ thềm lục địa bên ngoài (Outer Continental Shelf Land Act) để cấm khoan dầu và khí đốt tại các vùng biển ngoài khơi ở phía Đông và phía Tây của Mỹ, phía Đông Vịnh Mexico và một số vùng trên biển Bering ở Alaska.

Ông Trump từng nói sẽ thu hồi lệnh cấm này, nhưng hiện chưa rõ điều này có nằm trong thẩm quyền của tổng thống hay không.

Trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, ông Trump đã cố gắng hủy bỏ một lệnh cấm liên bang về việc khai thác dầu ở khu vực gần Alaska bằng một sắc lệnh hành pháp nhưng sắc lệnh này sau đó bị một thẩm phán liên bang phán quyết là bất hợp pháp.

Theo luật pháp Mỹ, với cương vị tổng thống, ông Trump có quyền tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia về năng lượng. Theo đó, ông có thể tạm đình chỉ các quy định về khí hậu với các nhà máy điện và loại bỏ bài đánh giá về môi trường cho các dự án năng lượng.

Ngọc Trang

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/nhung-thach-thuc-cho-ong-trump-trong-nhiem-ky-thu-hai.htm