Những thông tin giáo dục nổi bật tuần qua

Nghiên cứu sắp xếp, tinh gọn bộ máy tổ chức 2 đại học quốc gia, đưa chấp hành luật an toàn giao thông là một tiêu chí xếp loại hạnh kiểm với học sinh, TP. Hồ Chí Minh chi 237 tỷ đồng ngân sách hỗ trợ học phí cho học sinh THCS,... là những thông tin giáo dục nhận được quan tâm trong tuần vừa qua.

Nghiên cứu sắp xếp, tinh gọn bộ máy tổ chức 2 đại học quốc gia

Ngày 9.12, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc làm việc với Bộ GD-ĐT, Đại học quốc gia Hà Nội, Đại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh và các bộ, ngành liên quan về nghiên cứu, đề xuất sắp xếp 2 đại học quốc gia, bảo đảm hiệu quả, phát huy tốt nhiệm vụ nghiên cứu, đào tạo.

 Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì cuộc làm việc với Bộ GD-ĐT, Đại học quốc gia Hà Nội, Đại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh và các bộ, ngành liên quan (Ảnh: Báo Chính phủ)

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì cuộc làm việc với Bộ GD-ĐT, Đại học quốc gia Hà Nội, Đại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh và các bộ, ngành liên quan (Ảnh: Báo Chính phủ)

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ, việc sắp xếp 2 đại học quốc gia phải dựa trên luận cứ khoa học, tư duy đột phá, đổi mới và kinh nghiệm quốc tế, cũng như bối cảnh, tình hình và xu thế hiện nay về giáo dục đào tạo và nghiên cứu khoa học là bảo đảm xuyên suốt, thống nhất, đồng bộ, từ giáo dục phổ thông đến giáo dục đại học, trên đại học, từ dạy nghề đến giáo dục đại học, vấn đề giáo dục đại học gắn với nghiên cứu đào tạo các nguồn nhân lực chất lượng cao…

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị Bộ GD-ĐT, 2 đại học quốc gia khẩn trương thành lập tổ công tác có sự tham gia của các bộ, ngành liên quan hoàn thiện báo cáo tổng kết về mô hình tổ chức bộ máy 2 đại học quốc gia, phương án cải cách, tinh gọn bộ máy để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới, bám sát nội dung Nghị quyết 18/NQ-TW, Nghị quyết 19/NQ-TW, chỉ đạo xuyên suốt của Đảng về sứ mệnh 2 đại học quốc gia, các luật liên quan.

Trong đó, 2 đại học quốc gia cần đánh giá một cách hệ thống quá trình hình thành, phát triển; chỉ rõ những ưu điểm, bất cập, tồn tại, hạn chế, giải pháp khắc phục. Từ đó, xây dựng đề án sắp xếp, tinh gọn bộ máy bảo đảm dân chủ, khoa học, có sự kế thừa tên tuổi, vị thế của 2 đại học quốc gia cũng như trách nhiệm đối với tương lai phát triển của đất nước, trong lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu, đổi mới, sáng tạo khoa học công nghệ.

Đề án kiện toàn, sắp xếp, đổi mới bộ máy tổ chức 2 đại học quốc gia cần làm rõ chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước của các bộ chuyên ngành đối với 2 đại học quốc gia về con người; tài sản, cơ sở vật chất; tài chính; hoạt động giáo dục, đào tạo; nghiên cứu khoa học, công nghệ… theo quy định pháp luật.

Trước đó, ngày 6.12, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình đã ký ban hành văn bản số 141/KH-BCĐTKNQ18 về kế hoạch định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ, trong đó có việc sắp xếp 2 Viện Hàn lâm khoa học và 2 Đại học Quốc gia, bảo đảm hiệu quả, phát huy được nhiệm vụ nghiên cứu, đào tạo. Theo đó, Chính phủ đề xuất chuyển Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh về Bộ GD-ĐT để quản lý.

Đưa chấp hành luật an toàn giao thông là một tiêu chí xếp loại hạnh kiểm với học sinh

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 151/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, trong đó quy định hướng dẫn kỹ năng lái xe gắn máy an toàn cho học sinh bắt đầu vào học THPT và cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Nghị định có hiệu lực thi hành vào ngày 1.1.2025.

Tại Nghị định số 151/2024/NĐ-CP yêu cầu các nhà trường tổ chức cho học sinh, gia đình học sinh ký cam kết chấp hành quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Cam kết bao gồm các nội dung: học sinh không điều khiển xe mô tô khi chưa đủ điều kiện theo quy định, không điều khiển xe gắn máy khi chưa hoàn thành chương trình hướng dẫn kỹ năng lái xe gắn máy an toàn; gia đình học sinh không giao xe cho học sinh điều khiển khi chưa đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.

 Đưa nội dung chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ là một trong những tiêu chí đánh giá, xếp loại hạnh kiểm đối với học sinh (Ảnh minh họa)

Đưa nội dung chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ là một trong những tiêu chí đánh giá, xếp loại hạnh kiểm đối với học sinh (Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, các trường cần phối hợp với Ban đại diện cha mẹ học sinh thường xuyên nhắc nhở con em mình thực hiện đúng cam kết đã ký và thường xuyên trao đổi, nắm bắt thông tin với gia đình học sinh việc chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ của học sinh khi tham gia giao thông. Đưa nội dung chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ là một trong những tiêu chí đánh giá, xếp loại hạnh kiểm đối với học sinh.

Về trách nhiệm của gia đình học sinh, theo quy định, các gia đình cần phối hợp với lực lượng chức năng có liên quan thực hiện giáo dục kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, hướng dẫn kỹ năng lái xe gắn máy an toàn cho học sinh. Không giao xe cho con em mình điều khiển khi chưa đủ điều kiện theo quy định.

Đồng thời, thường xuyên nhắc nhở con em mình thực hiện đúng cam kết đã ký và thường xuyên trao đổi, nắm bắt thông tin với nhà trường việc chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ của học sinh khi tham gia giao thông.

Học sinh Việt Nam giành 6 Huy chương tại Olympic khoa học trẻ quốc tế 2024

Thông tin từ đoàn học sinh Việt Nam tham dự Olympic khoa học trẻ quốc tế lần thứ 21 năm 2024 (IJSO 2024) tại Rumania cho biết, cả 6 học sinh Việt Nam tham dự đều đoạt giải với 5 Huy chương Bạc và 1 Huy chương Đồng.

Các học sinh giành Huy chương Bạc gồm: Lê Tùng Lâm, Lê Gia Hồng Minh, Nguyễn Ngọc Quế Chi (THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam), Vũ Nhật Long, Vương Hà Chi (THCS&THPT Newton). Huy chương Đồng thuộc về Nguyễn Thành Nhân (THPT chuyên Nguyễn Huệ). 6 học sinh đều là những gương mặt xuất sắc nhất được lựa chọn từ hơn 200 học sinh của các trường đã tham dự kỳ thi chọn đội tuyển tham dự kỳ thi Olympic khoa học trẻ quốc tế do Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức.

 6 học sinh Việt Nam tham dự Olympic khoa học trẻ quốc tế 2024 (Ảnh: Sở GD-ĐT Hà Nội)

6 học sinh Việt Nam tham dự Olympic khoa học trẻ quốc tế 2024 (Ảnh: Sở GD-ĐT Hà Nội)

Chuẩn bị cho kỳ thi, đội tuyển đã có 2 tháng tập trung bồi dưỡng và huấn luyện với thầy, cô giáo phụ trách đội tuyển.

Olympic khoa học trẻ quốc tế năm nay được tổ chức tại Rumani với sự tham gia của hơn 300 học sinh đến từ 52 quốc gia, vùng lãnh thổ. Học sinh Việt Nam đã 14 lần tham dự kỳ thi này. Các em làm bài thi khoa học tự nhiên ở 3 môn vật lý, hóa học, sinh học.

Mỗi môn học sinh phải dự thi 3 bài gồm: bài thi trắc nghiệm khách quan về kiến thức chung; bài thi lý thuyết với yêu cầu những kỹ năng tổng hợp, phân tích, tự chủ, giải quyết vấn đề, tính toán, khoa học, sự sáng tạo; bài thi thực hành với kỹ năng sử dụng các dụng cụ, máy móc hiện đại.

TP. Hồ Chí Minh chi 237 tỷ đồng ngân sách hỗ trợ học phí cho học sinh THCS

Sáng 11.12, HĐND TP. Hồ Chí Minh Khóa X đã thông qua Nghị quyết về chính sách đặc thù hỗ trợ học phí học sinh THCS công lập, ngoài công lập và học viên giáo dục thường xuyên THCS trên địa bàn năm học 2024 - 2025.

Theo đó, trong năm học 2024 - 2025, TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ học phí học sinh THCS công lập, ngoài công lập và học viên giáo dục thường xuyên THCS trên địa bàn (không bao gồm học sinh đang học tại các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài).

 UBND TP. Hồ Chí Minh sẽ chi 237 tỷ đồng ngân sách để thực hiện chính sách hỗ trợ học phí cho học sinh THCS (Ảnh minh họa)

UBND TP. Hồ Chí Minh sẽ chi 237 tỷ đồng ngân sách để thực hiện chính sách hỗ trợ học phí cho học sinh THCS (Ảnh minh họa)

Cụ thể, mức hỗ trợ học phí cấp học THCS, giáo dục thường xuyên THCS là 60.000 đồng/học sinh/tháng đối với nhóm 1; mức 30.000 đồng/học sinh/tháng đối với nhóm 2.

Nhóm 1 gồm học sinh học tại các trường ở TP. Thủ Đức và các quận: 1, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10, 11, 12, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân. Nhóm 2 gồm học sinh học tại các trường ở các huyện: Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè và Cần Giờ. Thời gian áp dụng: 9 tháng năm học 2024 - 2025.

UBND TP. Hồ Chí Minh sẽ chi 237 tỷ đồng ngân sách để thực hiện chính sách thiết thực, ý nghĩa này.

UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết, chính sách hỗ trợ học phí cho học sinh là chính sách hợp lòng dân, tạo sự an tâm và động lực cho phụ huynh có điều kiện phát triển kinh tế và sản xuất kinh doanh, phục hồi kinh tế sau thời gian dài đối phó dịch bệnh; học sinh an tâm đến trường, không phải nghỉ bỏ học vì điều kiện kinh tế không có khả năng đóng học phí.

Đề xuất kỷ luật nữ giáo viên dạy thêm tại nhà cho học sinh lớp 1

Trường Tiểu học Trần Phú (TP. Hà Tĩnh) cho biết vừa tổ chức họp, đề xuất kỷ luật khiển trách đối với cô giáo Nguyễn Thị Th. (chủ nhiệm lớp 1B) do tổ chức dạy thêm ở nhà.

Trước đó, khoảng 19h ngày 4.12, người dân phản ánh về việc cô Nguyễn Thị Th. tổ chức dạy thêm trái quy định cho học sinh lớp 1 tại nhà riêng ở phường Trần Phú (TP. Hà Tĩnh). Đến sáng 5.12, Phòng GD-ĐT TP Hà Tĩnh đã mời nữ giáo viên và Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Phú lên trao đổi, nắm bắt thông tin. Qua trao đổi, cô Nguyễn Thị Th. đã thừa nhận việc dạy thêm trái quy định tại nhà và đã làm bản tường trình gửi về phòng GD-ĐT thành phố.

Theo báo cáo của Phòng GD-ĐT TP Hà Tĩnh, hành vi của cô Nguyễn Thị Th. đã vi phạm quy định các trường hợp không được dạy thêm theo quy định của Bộ GD-ĐT. Phòng GD-ĐT đã đề nghị hiệu trưởng trường Tiểu học Trần Phú thành lập hội đồng kỷ luật, tổ chức xem xét, có hình thức xử lý kỷ luật viên chức vi phạm theo đúng quy định, đồng thời kiểm điểm trách nhiệm của người đứng đầu và các cá nhân liên quan. Cùng với đó, Phòng GD-ĐT cũng đề nghị UBND thành phố Hà Tĩnh điều chuyển giáo viên vi phạm về địa bàn khó khăn hơn.

Hà Nội thưởng 300 triệu đồng cho học sinh đoạt Huy chương Vàng quốc tế

Sáng 10.12, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết Quy định mức hỗ trợ đối với các giáo viên, học sinh, học viên đạt thành tích cao tại kỳ thi trong nước và quốc tế. Nghị quyết đã quyết nghị đối tượng được hưởng chính sách kể từ thời điểm nghị quyết có hiệu lực thi hành gồm: học sinh đạt Huy chương Vàng (giải Nhất), Huy chương Bạc (giải Nhì), Huy chương Đồng (giải Ba), giải Khuyến khích, giải chuyên đề và các giải theo cơ cấu giải thưởng trong các kỳ thi quốc tế, khu vực do Bộ GD-ĐT cử tham dự hoặc ủy quyền cho Sở GD-ĐT Hà Nội cử tham dự.

Cụ thể, học sinh đạt giải nhất trong các kỳ thi Olympic quốc tế môn văn hóa được thưởng 300 triệu đồng. Các giải bạc, đồng, khuyến khích lần lượt nhận 200, 150 và 100 triệu.

Mức thưởng dành cho học sinh đạt giải cấp khu vực và khoa học kỹ thuật quốc tế bằng nhau, từ 50 đến 200 triệu đồng. Ở cấp quốc gia và thành phố, tiền thưởng từ 10 đến 50 triệu đồng, riêng cấp thành phố chỉ thưởng giải nhất.

Nếu học sinh đạt giải là người khuyết tật, dân tộc thiểu số, mức thưởng tăng 1,5-2 lần. Giáo viên trực tiếp đào tạo, bồi dưỡng được thưởng 70% mức của học sinh. Nghị quyết có hiệu lực ngay sau khi được thông qua, kinh phí từ ngân sách thành phố.

Trước đó, trong đề xuất hồi tháng 7, UBND Hà Nội đề xuất mức thưởng cao nhất với huy chương vàng quốc tế là 250 triệu đồng, cấp khu vực là 150 triệu. Với quyết định được thông qua, mức thưởng đã tăng tới 50 triệu đồng so với ban đầu.

Nguyễn Liên (tổng hợp)

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/nhung-thong-tin-giao-duc-noi-bat-tuan-qua-post399299.html