Những 'thủ lĩnh hai vai'

Chủ trương nhất thể hóa các chức danh đã được nêu từ Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X, sau đó được Bộ Chính trị, Ban Tổ chức Trung ương chỉ đạo, quán triệt trong nhiều văn bản, chỉ thị, nghị quyết nhằm tạo bước chuyển có tính đột phá về xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức ở cơ sở, góp phần tinh gọn bộ máy, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở, đồng thời tiết kiệm được nguồn lực và sự đóng góp của nhân dân.

Kỳ I: Hiệu quả từ chủ trương nhất thể hóa

Nhờ trồng quế, đời sống của người dân khu Nhồi, xã Trung Sơn đã thay đổi rõ rệt, trong khu đã xuất hiện nhiều hộ giàu, khá.

Mới đây nhất, ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở Đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới. Trong đó có nội dung: Thực hiện chủ trương bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch hội đồng nhân dân; bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch ủy ban nhân dân ở những nơi có điều kiện; bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khóm, ấp, tổ dân phố hoặc trưởng ban công tác mặt trận; bí thư cấp ủy đồng thời là thủ trưởng cơ quan, đơn vị phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ và thực tiễn ở từng địa phương, cơ quan, đơn vị. Đây tiếp tục là cơ sở để các địa phương thực hiện.

Trong những năm qua, tỉnh Phú Thọ đã triển khai mô hình này tại những đơn vị đủ điều kiện, đặc biệt sau khi thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã… Đối với cấp cơ sở, sau Đại hội Chi bộ trực thuộc Đảng ủy cơ sở nhiệm kỳ 2020-2022, toàn tỉnh có 4.897 bí thư chi bộ được bầu, trong đó hơn 1/4 trong số này là các bí thư chi bộ kiêm trưởng khu dân cư. Từ thực tế cho thấy, việc nhất thể hóa hai chức danh trên đã đem đến những hiệu quả tích cực trong quá trình quản lý, điều hành, lãnh đạo hoạt động ở các địa phương.

Thị trấn Hùng Sơn, huyện Lâm Thao hiện có khu 7, khu 1 và khu 10 thực hiện nhất thể hóa bí thư- trưởng khu dân cư. Theo đồng chí Tạ Đức Thông - Bí thư Đảng ủy thị trấn Hùng Sơn thì việc nhất thể hóa này đã góp phần tinh gọn cơ cấu bộ máy từ cơ sở, tạo sự thống nhất, đồng thuận từ việc ban hành chủ trương cho đến tổ chức thực hiện. “Đầu tầu” tại những khu dân cư này đều rất trách nhiệm, tâm huyết, gương mẫu trong triển khai và thực thi nghị quyết, các chương trình từ xã đến khu, đến đảng viên, người dân nhanh chóng, hiệu quả; các chi bộ đều hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.

Diện mạo khu 7, thị trấn Hùng Sơn những năm gần đây có nhiều đổi thay, trong đó có sự đóng góp rất lớn của đồng chí Đào Ngọc Thắng - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng khu dân cư. Trước đây, khu 7 nhiều năm liền thiếu nguồn kết nạp đảng viên, người đứng đầu còn hạn chế về năng lực, trình độ nên những quyết sách, định hướng của Đảng ủy khi truyền tải xuống chi bộ, đảng viên và nhân dân gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, Đảng ủy chỉ định đồng chí Đào Ngọc Thắng - nguyên Bí thư Đảng ủy xã (giai đoạn 2005-2010) làm Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng khu dân cư. Với vai trò Bí thư Chi bộ, Trưởng khu dân cư, đồng chí Thắng đã cùng Chi ủy quan tâm phát triển Đảng, cùng MTTQ và các đoàn thể phát huy tốt vai trò giám sát, được nhân dân tin tưởng ủng hộ… Nhờ đó, việc triển khai các nghị quyết của Đảng, các chương trình, hoạt động tại khu 7 đều thuận lợi, nhất là việc đầu tư, nâng cấp hệ thống đường giao thông cũng như tu bổ, tôn tạo các công trình, di tích lịch sử văn hóa; lan tỏa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh…

Đường giao thông trong khu 7, thị trấn Hùng Sơn được bê tông hóa tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của người dân.

Đồng chí Đào Ngọc Thắng chia sẻ: Gia đình tôi gặp nhiều khó khăn do mẹ già ốm nằm liệt giường, vợ tôi sức khỏe yếu cũng cần người chăm sóc. Dù vậy, khi được Đảng ủy đề nghị tiếp tục tham gia công tác Đảng tại khu dân cư, tôi đã gạt đi những băn khoăn và khắc phục những khó khăn về gia đình để cố gắng làm tốt vai trò, trách nhiệm của mình!

Năm 2021, xây dựng hạ tầng của khu 7 đạt 320 triệu đồng; ngay trong những tháng đầu năm 2022 từ công tác xã hội hóa, khu vận động thu được gần 300 triệu đồng để đầu tư hạ tầng thiết yếu. Bên cạnh đó, bà con cũng tích cực tham gia hiến đất để xây dựng đường giao thông và các công trình công cộng với tổng diện tích trên 4.000m2. Đến nay, 100% đường giao thông khu 7 đã được cứng hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của người dân. Khu cũng đã thực hiện đầu tư xây dựng cổng làng, bảo tồn, phục dựng di tích Bãi Rước Vua, thực hiện lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng, camera an ninh ở các tuyến đường trong khu dân cư.

Cũng là một “đầu tàu” hai vai “gánh” nhiều trọng trách, đồng chí Đinh Thị Linh là Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng khu Nhồi, xã Trung Sơn, huyện Yên Lập đồng thời kiêm nhiệm rất nhiều chức danh khác như: Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ, Tổ trưởng Tổ COVID-19 cộng đồng… Là khu đặc biệt khó khăn, cách xa trung tâm xã 15km, bà con chủ yếu là người Mường, người Dao, trình độ dân trí không đồng đều nhưng dù ở vai trò, vị trí nào, đồng chí Linh cũng được cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân địa phương tín nhiệm, đánh giá cao, có nhiều đóng góp tích cực vào quá trình phát triển và thay đổi của khu Nhồi nói riêng và xã Trung Sơn nói chung. Năm 2017, đồng chí được đảng viên và người dân khu Nhồi tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng khu dân cư. Đồng chí Linh là một trong những người tiên phong đưa cây quế phát triển tại khu Nhồi và đi đầu trong phát triển kinh tế hộ gia đình, đồng thời đứng ra thu mua quế giúp người dân, hỗ trợ người dân về cây giống và kỹ thuật trồng quế; vận động bà con dân bản thực hiện theo nếp sống mới, xóa bỏ những tập tục lạc hậu. Đến nay, khu Nhồi có hơn 40ha trồng quế, nhờ cây quế đã có 34/96 hộ thoát nghèo, nhiều gia đình vươn lên thành hộ khá giàu… Từ không có học sinh tốt nghiệp THPT, giờ đây khu Nhồi đã có 100% trẻ trong độ tuổi đến trường, có 5 em học Đại học.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thành - Bí thư Đảng ủy xã Trung Sơn cho biết: Đồng chí Đinh Thị Linh là Bí thư Chi bộ có tinh thần trách nhiệm cao, luôn gương mẫu đi đầu trong các phong trào, hoạt động ở địa phương, phát huy tốt vai trò lãnh đạo chi bộ ở khu dân cư, được nhân dân rất yêu mến đồng thời cũng là một điển hình cho việc nhất thể hóa hai chức danh Bí thư chi bộ kiêm Trưởng khu dân cư của địa phương.

Không chỉ tại các địa phương khu vực miền núi, nông thôn, tại thành phố Việt Trì cũng có nhiều “thủ lĩnh” tiêu biểu được Đảng ủy tín nhiệm và nhân dân tin yêu. Đồng chí Nguyễn Thanh Nhàn - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng khu 9, phường Nông Trang là một trong những người như thế.

Khu 9 có 512 hộ với trên 1.700 nhân khẩu, 115 đảng viên hưu trí và trên 250 đảng viên đang công tác tại các đơn vị, tổ chức Đảng. Năm 2018 đồng chí Nguyễn Thanh Nhàn bắt đầu kiêm nhiệm hai chức danh Bí thư chi bộ kiêm Trưởng khu. Là khu đông dân cư, địa hình rộng nên đồng chí Nhàn triển khai các hoạt động công tác Đảng, công tác chính quyền thông qua các tổ trưởng tổ Đảng, tổ trưởng tổ dân phố và trưởng các ban, ngành, đoàn thể; gắn nhiệm vụ của tập thể với vai trò trách nhiệm của từng cá nhân. Đồng thời, lắng nghe, xin ý kiến của các đồng chí đảng viên cao tuổi đang sinh sống trong khu, tích cực huy động các nguồn xã hội hóa… Nhờ vậy, khu 9 nhiều năm liền đạt danh hiệu Khu dân cư văn hóa, Chi bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Từ 65 đảng viên ban đầu, đến nay Chi bộ khu 9 đã có 115 đảng viên; khi mới thành lập không có các cơ sở vật chất thiết yếu thì sau 11 năm khu đã xây dựng được nhà văn hóa khang trang, các thiết chế văn hóa đảm bảo, 100% các tuyến đường trong khu được bê tông hóa, trong đó trên 90% là trải nhựa áp phan, phấn đấu đạt 100% các tuyến đường được trải nhựa trong thời gian tới. Đời sống vật chất, tinh thần của bà con ngày càng nâng cao, các câu lạc bộ của khu như bóng bàn, bóng chuyền hơi, dân vũ, dưỡng sinh, đội văn nghệ hoạt động sôi nổi, thường xuyên…

Mô hình nhất thể hóa được một số địa phương thực hiện đã và đang đem lại những kết quả tích cực. Tuy nhiên, việc này chỉ có thể thực hiện một cách hiệu quả tại những địa phương mà người đứng đầu có năng lực, kinh nghiệm, trách nhiệm, có kiến thức chuyên môn và tạo được uy tín trong nhân dân. Việc kiêm nhiệm chức danh cũng còn những khó khăn, vướng mắc trong quá trình điều hành, triển khai nhiệm vụ tại địa phương.

Kỳ II: Những khó khăn và giải pháp

Vĩnh Hà - Tú Anh

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//xay-dung-dang/nhung-thu-linh-hai-vai/185883.htm