Những thực phẩm phù hợp với người bị bệnh gout
Tỷ lệ người bị bệnh gout đang ngày càng tăng do chế độ sinh hoạt và thói quen ăn uống không hợp lý.
Tổng quan về bệnh gout
Bệnh gout là bệnh rối loạn chuyển hóa liên quan đến ăn uống do nồng độ axit uric quá cao trong huyết tương dẫn đến lắng đọng các tinh thể urat (muối của axit uric) hoặc tinh thể axit uric.
Nếu lắng đọng ở khớp (ở sụn khớp, bao hoạt dịch) sẽ làm cho khớp bị viêm, gây đau đớn, lâu dần dẫn đến biến dạng, cứng khớp. Nếu lắng đọng ở thận sẽ gây ra bệnh thận do urat (viêm thận kẽ, sỏi thận...). Bệnh thường gặp nhiều ở nam giới tuổi 40 trở lên, thường có những đợt kịch phát, tái phát nhiều lần.
Những biểu hiện của bệnh gout:
Viêm khớp cấp tính: Sưng, đau nhức khớp nhất là khớp đốt bàn và ngón chân cái.
Lắng đọng sạn urat: Là trường hợp những cục hay hạt urat nổi dưới da di động được dưới vành tai, mỏm khuỷu, xương bánh chè hoặc gần gân gót.
Sỏi urat, axit uric trong hệ thống thận-tiết niệu, viêm thận kẽ, suy thận.
Xét nghiệm máu thấy axit uric tăng cao trên 400 micromol/lit.
Bệnh gout nên ăn gì?
Bệnh gout nên ăn gì? Đây là câu hỏi mà nhiều người bệnh rất quan tâm. Đa số người bệnh hoang mang vì phần lớn những thực phẩm họ dùng đều có nhiều purine hoặc fructose. Tuy nhiên, một số loại thực phẩm có hàm lượng các chất này rất thấp, vì vậy bạn có thể dùng thoải mái, chẳng hạn như:
Trái cây: tất cả các loại trái cây đều tốt cho người bệnh gout. Thậm chí, quả anh đào còn giúp ngăn ngừa các đợt gout do làm giảm tình trạng viêm và mức axit uric trong cơ thể.
Rau quả: tất cả các loại rau đều tốt trong việc điều trị bệnh gout, như khoai tây, đậu Hà Lan, nấm, cà tím và rau xanh.
Các loại đậu: đậu lăng, đậu nành, đậu phụ…
Các loại hạt
Ngũ cốc nguyên hạt: yến mạch, gạo lứt và lúa mạch
Các sản phẩm từ sữa
Trứng
Đồ uống: cà phê, trà và trà xanh
Các loại thảo mộc và gia vị
Dầu thực vật