Những tranh cãi chưa hồi kết về Dự luật trợ tử tại Pháp

Từ ngày 27/5/2024, các nghị sĩ tại Thượng viện của Pháp bắt đầu tranh luận về Dự luật án tử - vấn đề gây chia rẽ chính trị nước này từ hàng chục năm qua. Theo đó, Dự luật với 5 điều kiện để được thực hiện trợ tử: là người trưởng thành, có quốc tịch Pháp hoặc cư trú tại Pháp, đang mắc bệnh hiểm nghèo với chẩn đoán sống không còn bao lâu, bày tỏ mong muốn bằng văn bản khi hoàn toàn tỉnh táo nhưng hàng ngày phải chịu đựng đau đớn mà không có cách điều trị hiệu quả.

Việc thông qua Dự luật này sẽ mở ra một hướng đi dẫn đến cái chết nhẹ nhàng hơn cho những bệnh nhân hiểm nghèo được coi là một giải pháp nhân đạo.

Một dự luật gây tranh cãi kéo dài hàng chục năm tại Pháp

Tổng thống Macron đang cố gắng để Dự luật này được Quốc hội thông qua tại kỳ họp lần này bởi nó giúp “dung hòa quyền tự chủ của cá nhân và sự đoàn kết của quốc gia”. Ông gọi phương pháp này là “hỗ trợ qua đời”, cho rằng việc này cần thiết vì có những tình huống mà bạn không thể chấp nhận một cách nhân đạo. Ông kêu gọi sự đồng thuận của người dân đối với vấn đề nhạy cảm này nhưng đã bị Hội đồng bác sỹ quốc gia Pháp lên tiếng phản đối vì không muốn bị lôi kéo vào việc giúp các bệnh nhân hiểm nghèo tìm đến cái chết.

Trước đó, ngày 17/3/2024, Hạ viện Pháp đã bỏ phiếu thông qua Dự luật này với 436 phiếu ủng hộ, 34 phiếu chống và 83 phiếu trắng. Theo kết quả cuộc thăm dò mới đây nhất đối với 96% người dân Pháp từng được hỏi ủng hộ Dự luật này cho thấy tỷ lệ ủng hộ đã giảm xuống còn 88% khi các bác sỹ phàn nàn rằng họ không thể tự tay chấm dứt mạng sống của bệnh nhân, trong đó có sự phản đối quan trọng của Bộ trưởng Y tế Pháp Marisol Tourane. Đặc biệt, đại diện các cộng đồng tôn giáo ở Pháp đã phản đối kịch liệt vì cho rằng sự sống của con người cho dù mong manh vẫn phải được tôn trọng.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ủng hộ “Dự luật trợ tử”.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ủng hộ “Dự luật trợ tử”.

Đỉnh điểm của các cuộc tranh cãi về quyền được chết êm dịu là khi bệnh nhân người Pháp Vincent Lambert 42 tuổi qua đời vào ngày 20/5 tại bệnh viện do bị tổn thương não nghiêm trọng sau vụ tai nạn giao thông năm 2008 và đã phải sống thực vật hơn 10 năm qua. Các bác sỹ đã quyết định rút các ống trợ ăn và trợ thở cho bệnh nhân theo đề nghị của vợ ông. Tuy nhiên, điều này đã vấp phải sự phản đối của cha mẹ bệnh nhân, họ đã theo đuổi vụ kiện đến cùng và kết quả là Tòa phúc thẩm Paris đã ra phán quyết các bác sỹ không được trợ tử mà phải tiếp tục điều trị cho Lambert.

Cái chết nhân đạo vẫn được xem là trái pháp luật ở Pháp. Tuy nhiên vào năm 2016, một đạo luật có tên là Leonetti được đề xuất cho phép bác sỹ gây mê sâu cho bệnh nhân hiểm nghèo đến khi qua đời. Dự luật này chỉ ra sự khác biệt với biện pháp cái chết nhân đạo khi việc gây mê sâu sẽ không xác định được chính xác thời điểm bệnh nhân qua đời.

Các nước đã hợp pháp hóa Dự luật cái chết nhân đạo như thế nào?

Trong khi tranh cãi ở Pháp về Dự luật này vẫn tiếp tục hàng chục năm qua thì một số nước như Bỉ, Hà Lan, Luxembourg, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Thụy Sỹ, Canada, Argentina và một số bang của Mỹ, Australia cũng đã thông qua Dự luật này. Theo đó, bệnh nhân bị bệnh hiểm nghèo được ít nhất 2 bác sỹ xác nhận là không thể chữa khỏi, hàng ngày phải sử dụng thuốc giảm đau và luôn bày tỏ mong muốn được ra đi càng sớm càng tốt, thì 1 tháng sau được xác nhận đủ điều kiện bác sỹ sẽ truyền một loại hóa chất giúp bệnh nhân toại nguyện.

Điều kiện cần là người bình thường có thể đăng ký án tử từ khi còn khỏe mạnh, phòng lúc hôn mê hay mất ý thức mà không có giải pháp cứu chữa thì bệnh viện sẽ tự động thực hiện. Việc lựa chọn này cũng sẽ tùy vào người bệnh khi còn tỉnh táo có khả năng tự đưa ra quyết định, loại trừ những bệnh nhân bị rối loạn tâm thần hay những người mắc bệnh Alzheimer hay tình trạng thoái hóa thần kinh khác.

Hà Lan và Bỉ đã luật hóa cái chết nhân đạo từ năm 2002, số người thực hiện cái chết tự nguyện này lên tới 8.000 người tại Hà Lan và 3.000 người tại Bỉ vào năm 2022. Hà Lan hợp pháp hóa “cái chết nhân đạo” tháng 4/2002 với người bệnh có độ tuổi từ 12 trở lên đang đối mặt với nỗi đau đớn hành hạ nhưng vẫn hoàn toàn tỉnh táo trong khi các bác sỹ không có cách điều trị hiệu quả. Năm 2014, Bỉ trở thành quốc gia duy nhất cho phép đối tượng được chọn cái chết nhân đạo ở mọi lứa tuổi, năm 2021 bỏ điều kiện tiên lượng sống ngắn hạn bất chấp sự phản đối kịch liệt của Hội Thánh Thiên chúa giáo, Hồi giáo và Do Thái giáo.

Hàng loạt bác sỹ nhi khoa viết thư trình lên Quốc hội Bỉ bày tỏ phản đối vì cho rằng trẻ em chưa đủ khả năng ra quyết định kết thúc cuộc sống của mình. Yêu cầu trợ tử được chấp nhận nếu bệnh nhi đang chịu nỗi đau đớn thể xác hoặc tinh thần đến nỗi không thể chịu đựng được với điều kiện được đội ngũ bác sỹ nhi khoa, bác sỹ tâm lý giỏi giám sát nghiêm ngặt, kiểm tra kỹ và chấp nhận. Lợi dụng các nước áp dụng Dự luật trợ tử nêu trên, mỗi năm có hàng trăm người Pháp sang Bỉ, Hà Lan xin được thực hiện án tử.

Năm 2020, ông Alain Cocq mắc chứng bệnh hiếm gặp khiến các thành động mạch dính vào nhau trong 34 năm, đã viết thư cho Tổng thống Emmanuel Macron yêu cầu được nhận cái chết êm ái.

Năm 2020, ông Alain Cocq mắc chứng bệnh hiếm gặp khiến các thành động mạch dính vào nhau trong 34 năm, đã viết thư cho Tổng thống Emmanuel Macron yêu cầu được nhận cái chết êm ái.

Năm 2008, Luxembourg trở thành nước thứ ba cho phép thực hiện cái chết nhân đạo. Trong khi người dân nước này phản đối, coi đây là hành động giết người thì các nhà lập pháp vẫn khẳng định quyền được chết luôn nằm trong tay của bệnh nhân. Tất cả các bác sỹ và người nhà đều không có quyền quyết định và chỉ được áp dụng đối với bệnh nhân hiểm nghèo mà hết biện pháp chữa trị.

Tại Canada, Quốc hội nước này cũng đã thông qua dự luật “cái chết nhân đạo” vào năm 2016, cho phép những bệnh nhân từ 18 tuổi trở lên mắc bệnh hiểm nghèo vô phương cứu chữa hoặc những người phải chịu đựng những cơn đau hành hạ vượt quá sức chịu đựng được quyền đăng ký chết với sự trợ giúp của các bác sỹ. Đáng chú ý, số người chết vì được trợ tử ở Canada đã tăng 34% vào năm 2022 lên đến hơn 13.500 người.

Tại Mỹ, đến nay có 5 bang gồm Washington, New Mexico, Montana, Oregon và Vermont đã cho phép các bác sỹ thực hiện cái chết nhân đạo đối với người bị trầm kha. Khi áp dụng đối với người bị bệnh đòi hỏi phải có ý kiến bác sỹ, bệnh nhân được xét nghiệm tâm thần và chờ một thời gian nhất định trước khi thực hiện.

Còn tại Australia, Vitoria là bang đầu tiên của nước này đã thông qua Dự luật về cái chết nhân đạo có hiệu lực từ tháng 6/2019. Theo đó, tất cả công dân ở miền Đông Nam Australia bị mắc căn bệnh hiểm nghèo và không thể sống quá 6 tháng có quyền yêu cầu một cái chết nhân đạo. Mặc dù vậy, Dự luật này cũng vấp phải sự phản đối của chính phủ và Hiệp hội Y khoa Australia khi có quan điểm cho rằng nếu có biện pháp chăm sóc tốt có thể giúp bệnh nhân giảm nhẹ được các cơn đau mà không phải lựa chọn đến cái chết.

Tại Thụy Sỹ, “cái chết nhân đạo” được hợp pháp hóa từ năm 1941 với điều kiện bác sỹ không được can thiệp, người trợ tử không nhận bất cứ lợi ích gì từ người chết. Khi đó có hàng nghìn bệnh nhân nan y các nước khác đã tìm đến nước này để nhận được sự hỗ trợ từ bỏ cuộc sống nhiều đến mức nước này được gọi là điểm đến của “Du lịch vĩnh biệt” hay còn gọi là “Du lịch một đi không trở lại”. Khách hàng chọn gói du lịch này thường là những người bệnh hiểm nghèo muốn tìm đến cái chết với khoản lệ phí 10.000 France Thụy Sĩ (tương đương 9.200 USD) với 3 điều kiện: tài liệu chứng minh mắc bệnh nan y, xác nhận đồng ý của người thân, xác nhận quyết định tìm đến cái chết là tự nguyện.

Điều luật này đã biến Thụy Sỹ trở thành nơi bất cứ ai tuyệt vọng nhất vì bệnh tật đều có thể tìm đến để chấm dứt cuộc sống. Những trung tâm cung cấp dịch vụ du lịch đặc biệt này mọc lên khá nhiều với phạm vi hoạt động xuyên quốc gia và khu vực. Những người muốn chết đăng ký dịch vụ qua trung tâm này sẽ được cho uống 1 loại thuốc độc do khách hàng tự thực hiện, có cảnh sát và thân nhân chứng kiến và có camera ghi lại nhằm đảm bảo các trung tâm chỉ đóng vai trò trợ giúp mà không can thiệp hay thúc ép họ. Sau 5 phút, họ rơi vào tình trạng hôn mê và tim ngừng đập, cái chết đến nhẹ nhàng, không hề đau đớn. Mỗi năm ở Thụy Sĩ có khoảng 400 người chủ động tìm đến cái chết với sự hỗ trợ của các trung tâm này.

Tuy nhiên, ngành dịch vụ “nhân đạo” tồn tại nhiều thập kỷ tại Thụy Sỹ cũng đang gây tranh cãi sâu sắc. Nhiều người cho rằng Thụy Sỹ đã góp phần làm trầm trọng thêm nạn tự sát vốn đã ở mức báo động trong xã hội phương Tây. Đặc biệt dư luận chính người dân nước này cũng không thấy tự hào khi đất nước của họ được chọn làm địa chỉ du lịch “một đi không trở lại” là “cánh cửa cuối cùng đến thiên đường” của người dân nước khác bởi họ không muốn nó trở thành một “đặc sản” nổi tiếng thế giới giống như đồng hồ, ngân hàng hay khách sạn.

Các nước vẫn phản đối dự luật này ra sao?

Cho đến nay phần lớn các nước trên thế giới đều chưa công nhận hoặc vẫn cấm cái chết nhân đạo hoặc các cách thức trợ tử khác. Bởi quyền được chết luôn là vấn đề nhạy cảm, nhiều bác sỹ chia sẻ không ít trường hợp bệnh nhân van nài được chết, một số khác có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục điều trị, chỉ chờ đợi cái chết đau đớn đến gần.

Ngay ở một số nước châu Âu như Đức và Italia thì đây cũng là đề tài gây tranh cãi nhiều năm qua. Còn đối với các quốc gia ảnh hưởng sâu sắc của Giáo hội Thiên chúa giáo La Mã, đặc biệt là khu vực Mỹ Latinh, người dân đã tổ chức các cuộc biểu tình phản đối Dự luật cái chết nhân đạo. Tại các quốc gia châu Á chịu ảnh hưởng của Phật giáo, người dân cũng phản đối mạnh mẽ và mọi hành động can thiệp hay giúp đỡ người bệnh chết trợ tử đều bị coi là giết người.

Thực tế cho thấy còn nhiều ý kiến trái chiều, nhiều tranh cãi không được chấp thuận vì cho rằng nó liên quan đến vấn đề văn hóa và yếu tố đạo đức. Vì vậy Dự luật “Cái chết nhân đạo” tại Pháp có được thông qua hay không sẽ vẫn phải chờ kết quả của cuộc bỏ phiếu tại kỳ họp Thượng viện Pháp sẽ kết thúc vào cuối mùa hè năm nay.

Minh Hà

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/nhung-tranh-cai-chua-hoi-ket-ve-du-luat-tro-tu-tai-phap-i735374/