Những tư tưởng lớn từ một bức thư nhỏ của Bác

Bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 20/9/1951 gửi Hội nghị Mậu dịch sau hơn 70 năm đọc lại khiến chúng ta không khỏi xúc động trước tình cảm của vị lãnh tụ.

Bối cảnh của thư Người gửi cho hội nghị Mậu dịch khi đó rất đáng chú ý. Nó ra đời chỉ 4 tháng ngay sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 21/SL (ngày 14/5/1951) đổi tên Bộ Kinh tế thành Bộ Công Thương cho thấy quan tâm đặc biệt trong chỉ đạo của Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác mậu dịch khi mà điều kiện của cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp chưa cho phép xây dựng nền thương mại mang tính chính quy, quy mô rộng khắp.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm mỏ than Đèo Nai, Quảng Ninh năm 1959. (Ảnh tư liệu)

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm mỏ than Đèo Nai, Quảng Ninh năm 1959. (Ảnh tư liệu)

Khung cảnh kháng chiến không cho phép nói dài, viết dài. Thư của Bác gửi hội nghị mậu dịch tháng 9/1951 cũng nằm trong khung cảnh đó. Với độ dài chỉ 279 chữ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tập trung đề cập đến một vấn đề cốt tử lúc bấy giờ. Đó là vị trí, vai trò của người cán bộ ngành Công Thương.

Người khẳng định, các cấp cán bộ phải thấm nhuần chính sách, đồng tâm nhất trí trong thực hiện nhiệm vụ, biết lắng nghe ý kiến góp ý của nhân dân, đồng thời tuyên truyền để người dân hiểu rõ và cùng đồng thuận giúp đỡ ngành hoàn thành nhiệm vụ.

Đặc biệt Bác lo lắng cán bộ mậu dịch nắm nhiều tiền bạc và hàng hóa rất dễ hủ hóa, sa ngã bởi vậy Người không quên cảnh báo cán bộ mậu dịch hàng ngày phải trau dồi đức tính cần kiệm liêm chính.

Không phải ngẫu nhiên mà Chủ tịch Hồ Chí Minh lại dành phần lớn nội dung bức thư của mình để nói về công tác cán bộ. Đó là thời gian mà Đảng ta chính thức ra hoạt động công khai, đảm nhận vai trò lãnh đạo kháng chiến chống thực dân Pháp, đồng thời xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng cho nền kinh tế mới của nước Việt Nam mới.

Làm gì để cán bộ hiểu rõ vị trí, nhiệm vụ, đòi hỏi của tình hình để làm tốt công tác trên mọi cương vị, mọi chức trách hẳn là nỗi trăn trở lớn của vị Chủ tịch Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Bởi, với Người, cán bộ là gốc của công việc mà khi đã có chủ trương, đường lối, chính sách đúng, thì sự thành công hoặc thất bại của chính sách đó là do tổ chức công việc, lựa chọn cán bộ và kiểm tra.

Không chỉ đưa ra những chỉ dạy để giúp đội ngũ cán bộ hoàn thành nhiệm vụ, Bác còn luôn luôn lo lắng cũng như không ngừng quan tâm uốn nắn cán bộ, tránh cho họ khỏi đi vào con đường tham ô, lãng phí, quan liêu, những thứ giặc nội xâm.

Một nét đặc biệt nữa trong thư của Bác là Người không quên lưu ý nhắc nhở cán bộ ngành Công Thương nhiệm vụ giúp đỡ tư nhân kinh doanh để cùng ổn định vật giá, thúc đẩy sản xuất và đảm bảo cung cấp. Đây là nét rất mới trong tư tưởng về phát triển của Người trong bối cảnh bấy giờ khi Người đã nhìn thấy một đặc trưng của kinh tế Việt Nam vẫn sẽ là nhiều thành phần, để từ đó huy động tối đa mọi nội lực để đưa kinh tế phát triển.

Lĩnh vực thương mại là lĩnh vực mang nhiều tính đặc thù trong các không gian phát triển thế nên thư của Bác gửi hội nghị Mậu dịch không chỉ thể hiện tầm nhìn, trách nhiệm của nhà lãnh đạo cao nhất đất nước mà còn thể hiện tình cảm, sự kỳ vọng lớn lao của Bác với đội ngũ cán bộ các cấp của ngành Công Thương khi đó và cả về sau này.

Đọc lại thư của Bác đến hôm nay, chúng ta không khỏi ngạc nhiên khi thời gian trôi qua đã gần ba phần tư thế kỷ, bối cảnh phát triển của thời đại của đất nước đã nhiều biến đổi nhưng những tư tưởng lớn lao của Người về xây dựng một nền thương mại thực sự phục vụ lợi ích của nhân dân, của đất nước vẫn vẹn nguyên giá trị. Đi cùng đó là những bài học sâu sắc về công tác cán bộ ngang tầm nhiệm vụ cũng như luôn đáp ứng được đòi hỏi của tình hình.

Nền thương mại đó ở khung cảnh hội nhập hôm nay vẫn không tách rời các đặc trưng bảo đảm cân đối cung cầu trên thị trường, ổn định giá cả và sản xuất được thúc đẩy. Không những thế cán bộ trong ngành Công Thương hôm nay hoàn toàn có thể tìm thấy từ lời chỉ dạy của Bác hơn 70 năm trước những suy ngẫm giản dị mà hết sức sâu sắc, làm nền cho đạo đức công vụ, tư duy sâu sắc, trách nhiệm lớn lao trong hoạt động, quản lý để không chỉ đưa chính sách của Đảng và Nhà nước trên lĩnh vực Công Thương đi vào cuộc sống mà còn tạo được sự đồng thuận của công luận với các chủ trương chính sách đó.

Cũng giống như bức thư gửi giới Công Thương Việt Nam 6 năm trước đó (ngày 13/10/1945), tình cảm, trách nhiệm, kỳ vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh với ngành Công Thương trong thư gửi hội nghị Mậu dịch tháng 9/1951 vẫn luôn là tài sản tinh thần quý giá, vẫn là nguồn cổ vũ người Công Thương, ngành Công Thương không ngừng phấn đấu để cùng đất nước hướng tới những mục tiêu lớn trong phát triển.

Xây dựng chủ nghĩa xã hội là một sự nghiệp mang tính kinh tế, trước hết là phát triển kinh tế để không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân. Muốn phát triển kinh tế phải chú trọng đến ngành Công Thương. Trong quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện rõ Công Thương là một lĩnh vực kinh tế đa ngành, chủ yếu bao gồm công nghiệp và thương nghiệp. Sự quan tâm của Người với ngành Công Thương xuất phát từ vị trí, vai trò của ngành trong tiến trình xây dựng Việt Nam trở nên dân giàu, nước mạnh.

Vinh dự là ngành kinh tế có vai trò quyết định với sự nghiệp phát triển đất nước, dân giàu nước mạnh và được Bác quan tâm ngay từ ngày thành lập nước, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo qua từng thời kỳ lịch sử của đất nước, cán bộ, công nhân viên chức và người lao động ngành Công Thương qua các thời kỳ luôn tìm thấy ở những lời chỉ bảo của Bác những đường hướng tư tưởng rõ nét, cụ thể cũng như những cội nguồn sức mạnh, cội nguồn hành động.

Quang Lộc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nhung-tu-tuong-lon-tu-mot-buc-thu-nho-cua-bac-320957.html