Những tuyến cao tốc sẽ đưa vào khai thác trong năm nay
Bên cạnh 2 tuyến cao tốc Bắc Nam: Diễn Châu - Bãi Vọt, Cam Lâm - Vĩnh Hảo sẽ đưa vào khai thác trong quý 2 năm nay thì tuyến chính phía Đông, cao tốc Bến Lức - Long Thành dự kiến cũng thông xe trước tháng 10.
Cao tốc Diễn Châu – Bãi Vọt
Dự án thành phần Diễn Châu - Bãi Vọt là 1 trong 3 dự án đầu tư hợp tác công tư (PPP) của cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Chiều dài dự án khoảng 50km, đi qua hai tỉnh Nghệ An (44,4km) và Hà Tĩnh (4,9km). Công trình được khởi công tháng 5/2021, dự kiến hoàn thành dịp 30/4 tới đây.
Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 11.150 tỉ đồng, trong đó, nguồn vốn nhà đầu tư huy động khoảng 5.090 tỉ đồng và nguồn vốn nhà nước tham gia hơn 6.060 tỉ đồng.
Những ngày này, tranh thủ thời tiết thuận lợi, các nhà thầu công trình cao tốc Bắc - Nam, đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt đang tích cực đẩy nhanh tiến độ nhằm sớm đưa dự án về đích đúng theo kế hoạch.
Mới đây nhất vào ngày 16/3, sau hơn 30 tháng triển khai thi công, cầu Hưng Đức nối 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, trên tuyến cao tốc đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt chính thức hợp long. Đây là cây cầu đường bộ vượt sông có chiều dài lớn nhất tuyến cao tốc Bắc – Nam.
Trước đó, đơn vị thi công đã thông xe cầu vượt Quốc lộ 8 tại nút giao cao tốc đi qua huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh). Sau khi hoàn thành cầu vượt, đơn vị thi công tiếp tục hoàn thiện các hạng mục của nút giao, đường dẫn từ Quốc lộ 8 vào cao tốc và từ cao tốc xuống Quốc lộ 8.
Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo
Đây là dự án cao tốc được thực hiện theo phương thức đối tác công - tư (PPP), có chiều dài 78,5km, đi qua 3 tỉnh Khánh Hòa (gần 5km), Ninh Thuận (63km), Bình Thuận (gần 12km), do liên doanh Tập đoàn Đèo Cả - Công ty 194 làm chủ đầu tư. Đến nay, đoạn tuyến từ km 92+260 - km 134 do Đèo Cả đã thực hiện.
Đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho biết, đến giữa tháng 2 sản lượng thi công đạt gần 95% giá trị hợp đồng. Một số hạng mục chưa hoàn tất là trạm thu phí, hệ thống giao thông thông minh ITS, nút giao Thuận Nam, đường gom. Dự án này phấn đấu đến 30/4 sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Thông xe tuyến chính phía Đông, cao tốc Bến Lức - Long Thành trước tháng 10
Theo kế hoạch trước tháng 10, sẽ đưa vào khai thác tuyến chính phía Đông cao tốc Bến Lức - Long Thành và thông xe toàn tuyến trong năm 2025.
Xây dựng cao tốc Bến Lức-Long Thành là dự án quan trọng quốc gia do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp làm chủ đầu tư . Tuyến cao tốc có tổng chiều dài 57,8km trong đó đi qua các tỉnh Long An 2,7km, TP. HCM 26,4km và Đồng Nai 28,7km.
Ngày 15/3, ông Trương Việt Đông, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) thông tin, đơn vị đang quyết liệt chỉ đạo nhà thầu thi công tập trung nhân lực, dồn sức đẩy nhanh tiến độ, quyết tâm phấn đấu đưa một phần tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành vào khai thác trước tháng 10 năm nay và thông xe toàn tuyến trong năm 2025.
Tổng Giám đốc Phạm Hồng Quang cho biết thêm, đến thời điểm này, tổng giá trị sản lượng các gói thầu đã triển khai thi công đạt khoảng 80% giá trị xây lắp điều chỉnh của toàn dự án.
Đối với đoạn JICA (Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản) tài trợ, gói thầu J2 hiện nay đã hoàn thành. Gói thầu J1, nhà thầu đã triển khai đốt K1 nhịp cầu chính của cầu dây văng Bình Khánh và tiếp tục triển khai đốt K2 cũng như các hạng mục còn lại của cầu dẫn.
“Gói thầu J3 mặc dù VEC đã phát hành hồ sơ mời thầu để chọn nhà thầu thi công phần khối lượng công việc còn lại song, chưa nhận được sự quan tâm từ phía các nhà thầu Nhật Bản. Vì vậy, VEC đã báo cáo JICA cho phép điều chỉnh bổ sung nhà thầu Việt Nam tham gia lựa chọn thầu với tư cách độc lập”, ông Phạm Hồng Quang thông tin.
Tại buổi kiểm tra của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp mới đây, ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Phó Chủ tịch Ủy ban yêu cầu VEC tranh thủ thời tiết thuận lợi, đẩy nhanh tiến độ triển khai thi công, đảm bảo an toàn, chất lượng và hiệu quả.
Đối với các khó khăn, vướng mắc của dự án, ông Cảnh cho biết, sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền, khẩn trương tháo gỡ. Cụ thể, với gói thầu J3, Ủy ban sẽ làm việc với phía JICA để điều chỉnh Hiệp định, cho phép các nhà thầu Việt Nam tham gia vào xây lắp, hoàn thành phần công việc còn lại của gói thầu này. Về công tác giải phóng mặt bằng, ông Cảnh yêu cầu VEC khẩn trương làm việc với tỉnh Đồng Nai để giải quyết dứt điểm các vướng mắc về mặt bằng, không để ảnh hưởng đến tiến độ dự án.