Thắt chặt hợp tác báo chí Việt Nam - Trung Quốc trong thời đại số
Sáng 22/5, Báo Kinh tế & Đô thị đã có buổi tiếp và làm việc với Hội Nhà báo toàn quốc Trung Quốc do Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo toàn quốc Trung Quốc Lưu Tư Dương làm Trưởng đoàn. Đây là hoạt động trong khuôn khổ chuyến thăm 3 ngày tại Việt Nam của Hội Nhà báo toàn quốc Trung Quốc.
Dự và đón đoàn có Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo TP Hà Nội Kiều Thanh Hùng; PGS.TS Nguyễn Thành Lợi, Ủy viên BCH Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị; và Ban Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị.
Tại buổi tiếp, PGS,TS Nguyễn Thành Lợi, Ủy viên BCH Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị bày tỏ vui mừng đón tiếp đoàn Hội Nhà báo toàn quốc Trung Quốc tới thăm Báo Kinh tế & Đô thị.
Giới thiệu sơ qua về Báo Kinh tế & Đô thị, Tổng Biên tập Nguyễn Thành Lợi nhấn mạnh, Báo Kinh tế & Đô thị là cơ quan ngôn luận của UBND TP Hà Nội. Xuất bản số ra đầu tiên vào ngày 1/1/1999, trải qua 26 năm xây dựng và phát triển, Báo đã có những thành tựu đáng kể. Từ những ngày ban đầu chỉ có 1 loại hình báo chí là báo in, đến nay, đã phát triển thành hệ sinh thái gồm: báo in, báo điện tử và các loại hình truyền thông mới.
Hiện, Báo có gần 180 phóng viên, biên tập viên và người lao động, trong đó có 35 phóng viên thường trú ở các tỉnh thành trong cả nước. Ngoài 9 ấn phẩm gồm: 2 báo in, 1 báo điện tử và 6 chuyên trang điện tử, Báo còn triển khai hệ sinh thái sử dụng nền tảng số như: Facebook, Youtube và hệ sinh thái xuyên biên giới khác. Đặc biệt, Báo cũng xây dựng một chuyên trang bằng tiếng Anh, đây được xem là chuyên trang tiếng nước ngoài chủ lực của TP Hà Nội.

Tổng Biên tập Nguyễn Thành Lợi trao quà lưu niệm cho ông Lưu Tư Dương - Trưởng đoàn Hội Nhà báo toàn quốc Trung Quốc.
Tổng Biên tập Nguyễn Thành Lợi cũng chia sẻ, thời gian qua, Báo Kinh tế & Đô thị đã thực hiện thành công chuyển đổi số báo chí. Tháng 10/2024, Báo đã ra mắt Tòa soạn hội tụ và chính thức thay đổi giao diện và hệ thống vận hành. Tòa soạn hội tụ có thể sản xuất và xuất bản tin, bài cho báo in và điện tử trên một CMS và các thể loại báo chí đa phương tiện như: Infographic, Emagazine, Longform, Podcast và ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI trong tác nghiệp báo chí…
Trao đổi thêm với đoàn Hội Nhà báo toàn quốc Trung Quốc, Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Thành Lợi đã chia sẻ về những khó khăn, thách thức với Báo Kinh tế & Đô thị nói riêng và báo chí nói chung trong thời đại số, cũng như cách thức triển khai thực hiện để vượt qua khó khăn chung để có những bước phát triển như hiện nay.
Đáp lời Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo toàn quốc Trung Quốc Lưu Tư Dương bày tỏ vui mừng và cảm ơn về sự đón tiếp chu đáo Báo Kinh tế & Đô thị. Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo toàn quốc Trung Quốc cũng khẳng định vai trò của báo chí đối với sự phát triển của đất nước và nhận thấy nhiều điểm tương đồng sâu sắc của nền báo chí giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Hai bên chụp ảnh lưu niệm.
Thông tin về Hội Nhà báo toàn quốc Trung Quốc, đồng chí Lưu Tư Dương cho biết, Hội là tổ chức của người làm báo Trung Quốc, có vai trò kết nối Đảng, Chính phủ đến người dân. Hiện tại, hội viên Hội lên đến 120 vạn người. Sau 10 năm cải cách, các mô hình báo chí mới đã và đang phát huy được thế mạnh. Song, ông Lưu Tư Dương cũng nhấn mạnh rằng: "Cải cách báo chí ở Trung Quốc không xóa bỏ truyền thông cũ mà phát triển song song cùng với truyền thông mới".
Chung quan điểm với Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo toàn quốc Trung Quốc Lưu Tư Dương cho rằng, trong thời đại số, các cơ quan báo chí đang phải đối diện với nhiều khó khăn và thách thức. Hiện trạng báo in, truyền hình, phát thanh Trung Quốc yếu đi so với phương tiện truyền thông mới. Do đó, mục tiêu của chí Trung Quốc là tập trung vào Internet, mạng xã hội. Dựa trên nền tảng Internet phát triển loại hình báo chí mới. Các phương tiện truyền thông hiện đại lấy Internet làm cơ sở…
Tại buổi thăm và làm việc, hai bên cũng đã chia sẻ thêm về chuyên môn, kinh nghiệm hoạt động báo chí, mô hình báo chí mới… trong bối cảnh chuyển đổi số và bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác, trao đổi nghiệp vụ, góp phần thúc đẩy sự phát triển báo chí của mỗi nước.
Trước đó, đoàn Hội Nhà báo toàn quốc Trung Quốc đã thăm Bảo tàng Báo chí Việt Nam, tìm hiểu sâu hơn về chặng đường lịch sử phát triển của nền báo chí Việt Nam.