Những vấn đề Lịch sử Trung Đông và Châu Phi (Kỳ 37)
Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc sách 'Những vấn đề Lịch sử Trung Đông và Châu Phi' của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành.
Kỳ 37.
2.3. So sánh Ba Tư và Hi Lạp
Chiến tranh là một thử thách khốc liệt và toàn diện đối với một quốc gia, chiến tranh không phải là một trò chơi, chiến tranh quyết định tồn vong của cả một dân tộc. Chiến tranh có qui luật của nó, một trong những qui luật đó là mạnh được yếu thua. Sức mạnh ở đây không chỉ là số lượng, chất lượng, kỹ chiến thuật, trang thiết bị cho quân đội mà còn nhiều yếu tố khác như chính trị, yếu tố chính nghĩa hay phi nghĩa của cuộc chiến tranh, yếu tố kinh tế, tinh thần của nhân dân và quân đội hai bên tham chiến. Tất cả các yếu tố chính trị, kinh tế, quân sự chỉ là khả năng đem lại chiến thắng. Khả năng có thể biến thành hiện thực, có thể không biến thành hiện thực chiến thắng trên chiến trường. Khả năng có thể biến thành chiến thắng trên chiến trường hay không còn là do sự lãnh đạo và tài năng của các tướng lĩnh. Tất cả những yếu tố đó sẽ lý giải vì sao khi bước vào chiến tranh lực lượng Ba Tư rất to lớn so với Athens- Hi lạp, nhưng Ba Tư đã bị người Hi lạp đánh bại hoàn toàn.
3. Diễn biến chiến tranh.
3.1. Trận Marathon.
Năm 490 TCN, vua Ba Tư Dariut I (521-486 TCN) điều động một lực lượng to lớn gồm 600 chiến thuyền và 10 vạn quân do các tướng Datís và Artaphernes chỉ huy tiến công Hi Lạp. Một đạo quân bộ của Ba Tư đổ bộ vào Marathon thuộc đồng bằng Attíc nhằm lôi kéo quân Hi Lạp ra khỏi Athens để hải quân Ba Tư đánh chiếm thủ đô này.
Quan chấp chính của nhà nước Athens khi đó là Callimachus đã để một lực lượng bảo vệ Athens, điều 1 vạn quân của Athens và 1.000 quân của thành bang Plataea (một thành bang giáp đồng bằng Attíc, đồng minh Athens) đến Marathon. Để huy động toàn dân vào cuộc kháng chiến bảo vệ tổ quốc, nhà nước Athens ra sắc lệnh nô lệ nào tham gia chiến đấu chống Ba Tư sẽ được tự do. Theo số liệu của F. Engels ở Athens có khoảng 5 vạn nô lệ, đông hơn cả bình dân. Chính sách này của nhà nước Athens đã động viên nô lệ tham gia chiến đấu, bổ sung được một lực lượng không nhỏ vào quân đội. Quân đội Athens được tổ chức, huấn luyện chu đáo, vũ khí tốt, có tinh thần chiến đấu vì họ chiến đấu để bảo vệ tổ quốc và tự do. Miltiades một tướng lĩnh của Athens đã động viên nhân dân và quân đội: “Người Athens sẽ tự tròng lên người cái ách nô lệ hay mãi mãi giữ được quyền tự do của mình. Mấu chốt chính là ở bản thân họ”[1] Đại hội công dân, cơ quan quyền lực cao nhất của nhà nước Athens họp quyết định kháng chiến. Sau đó Hội đồng 10 viên tư lệnh Athens (Hội đồng quân sự của nhà nước) dưới sự chủ tọa của Quan chấp chính Allimacchus khẳng định lại quyết tâm chống xâm lược. Vấn đề quân sự được đặt ra là giao chiến với quân Ba Tư ở Marathon hay là lui về giữ các ngọn đồi ngăn chặn quân Ba Tư tiến đánh thủ đô Athens và chờ quân của thành bang Sparta cứu viện. Một phái trong Hội đồng cho rằng không nên giao chiến ở Marathon vì lực lượng Athens quá ít, quân Ba Tư đông gấp bội, lại có kỵ binh mạnh, quân Athens thất bại là điều khó tránh khỏi. Một phái khác trong đó có vị tướng tài ba, mưu lược của Athens là Miltiades (540-489 TCN) chủ trương giao chiến ở Marathon. Phái này cho rằng quân Ba Tư dù đông nhưng giao chiến ở cánh đồng lầy Marathon kỵ binh Ba Tư sẽ bị hạn chế không phát huy được sức mạnh. Bộ binh Ba Tư đông nhưng là người của nhiều dân tộc bị áp bức, căm thù đế quốc Ba Tư, chiến đấu không có mục đích, không được huấn luyện chu đáo, chỉ trang bị vũ khí ngắn và cung tên. Trong khi đó quân đội Athens ít nhưng tinh thần chiến đấu cao, có kỷ luật, được rèn luyện kĩ, trang bị tốt hơn như kích và giáo dài. Cuối cùng ý kiến của phái quyết chiến trên cánh đồng Marathon được Hội đồng 10 tướng lĩnh thông qua. Marathon được chọn làm nơi quyết chiến.
Marathon là cánh đồng lầy, mùa thu đang mưa nên ngập nước. Callimachus sắp xếp 11.000 quân Athen theo phương trận (xếp quân thành khối dày đặc) thành 3 cánh quân: Cánh chính diện, đội hình kéo dài 1kilômét bằng chiều rộng của cánh đồng, hai cánh hai bên phải và trái có 8 hàng quân yểm trợ cho chính diện và sẵn sàng khép vòng vây bao vây quân Ba Tư để tiêu diệt. Quân Ba Tư đông gấp đôi quân Athens gồm 1 vạn bộ binh, 1 vạn kỵ binh cũng dàn thành phương trận, chính giữa là bộ binh, hai cánh hai bên là kỵ bịnh. Kèn xung trận vang lên khắp cánh đồng Marathon, quân hai bên nhanh chóng lao vào nhau chém giết. Ban đầu quân Athens núng thế, cánh quân giữa bị quân Ba Tư chọc thủng nhưng quân Ba Tư nhanh chóng bị ba cánh quân Athens vây bọc, kỵ binh bị đầm lầy không phát huy được tác dụng, bị chia cắt , rối loạn và bị tiêu diệt. Số còn lại bỏ chạy về phía bờ biển. Quân Athens truy kích. Quân Ba Tư dù còn 8 vạn và 600 chiến thuyền mà khiếp sợ tan vỡ, lên thuyền tháo chạy. Kết quả, trận Marathon theo sử gia Hi Lạp cổ đại Herodotus, quân Ba Tư bị chết 6.400 lính, bị mất 7 chiến thuyền, quân Athens hi sinh 192 người, trong đó có vị tướng tài ba, Chấp chính quan Callimachus. Một người lính đã chạy một mạch từ Marathon về Athens quảng đường dài hơn 42 kilômét báo tin thắng trận . Về đến quảng trường Athens anh chỉ kịp kêu lên “ quân ta đã chiến thắng” và ngã lăn ra chết. Để tưởng nhớ người chiến binh Marathon và trận chiến thắng vẻ vang này, người Hi Lạp trong lễ hội bốn năm tổ chức một lần ở Olympic đã đưa thêm môn thi điền kinh chạy Marathon dài hơn 42 kilômét. Ngày nay trong các thế vận hội Olympic thế giới người ta vẫn giữ môn chạy Marathon lịch sử này.
Chiến thắng Marathon của người Hi Lạp tuy chưa đè bẹp được ý chí xâm lược của đế quốc Ba Tư nhưng đã chứng minh được đất nước Hi Lạp bé nhỏ có thể chiến thắng một đế quốc to lớn với một binh lực gấp 8 lần. Chiến thắng đã củng cố niềm tin vào thắng lợi tất yếu của người Hi Lạp trong cuộc kháng chiến chống xâm lược sau này. Chiến thắng của người Athens đã truyền niềm tin cho tất cả các thành bang để sau này hình thành nên một Liên minh chống xâm lược trên toàn đất Hi lạp.
(Còn nữa)
CVL