Những vấn đề mới trong nghiên cứu và giảng dạy văn học từ tầm nhìn hiện đại
Chiều 21/12, tại Khối các Viện nghiên cứu quốc tế (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), số 176 Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội, đã diễn ra Hội thảo khoa học 'Những vấn đề mới trong nghiên cứu và giảng dạy văn học từ tầm nhìn hiện đại'.
Ra đời từ năm 1953 tại chiến khu Việt Bắc, trải qua quá trình xây dựng và phát triển, Viện Văn học đã đạt được nhiều thành tựu đáng trân trọng và tự hào. Năm 2023, nhân dịp Kỷ niệm 70 năm ngày thành lập, Viện Văn học tổ chức Hội thảo: Những vấn đề mới trong nghiên cứu và giảng dạy văn học từ tầm nhìn hiện đại.
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, T.S Trần Thiện Khanh, Phó Viện trưởng Viện Văn học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết, Hội thảo là diễn đàn để nhiều thế hệ cán bộ đã và đang công tác tại Viện Văn học, các nhà nghiên cứu, giảng dạy văn học trong cả nước có cơ hội gặp gỡ, công bố và chia sẻ những thành quả nghiên cứu khoa học mới. Đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực chào mừng Kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Viện Văn học, đồng thời là sự kiện quan trọng nhằm hưởng ứng Lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
Hội thảo đã nhận được gần 80 tham luận của các nhà nghiên cứu, nhà giáo, nhà văn, nhà lý luận, phê bình văn học trong cả nước, đến từ các Viện nghiên cứu, các Trường Đại học, các Hội nghiên cứu như: Viện Văn học, Viện Nghiên cứu Văn hóa, Học viện Khoa học xã hội (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam); Đại học Quốc gia Hà Nội; Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội;
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; Đại học Sư phạm Hà Nội 2; Trường Đại học Công nghiệp Việt Trì; Trường Đại học Thủ đô; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Cao đẳng Sư phạm Hải Dương; Trường Đại học Hồng Đức; Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội; Học viện Hành chính quốc gia; Hội Nhà văn Việt Nam; Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế; Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng;
Trường Đại học Vinh; Hội Liên hiệp VHNT Nghệ An; Trường Đại học Đông Á; Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh; Trường Đại học Sư phạm Tp. Hồ Chí Minh; Trường Đại học Văn hóa Tp. Hồ Chí Minh; Trường Đại học Văn Hiến; Trường Đại học Thủ Dầu Một; Trường Đại học Khánh Hòa; Trường Đại học Bạc Liêu; Đại học Phú Yên; Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hoàn Kiếm, Tp. Hà Nội và một số Trường, trung tâm nghiên cứu, giảng dạy ở Hà Nội, Nam Định, Tây Ninh, Tp. Hồ Chí Minh.
Đặc biệt, Hội thảo cũng nhận được tham luận từ các tác giả quốc tế đến từ Trường Đại học Quốc gia St. Petersburg, Liên bang Nga. Đồng thời, Hội thảo là diễn đàn để nhiều thế hệ cán bộ đã và đang công tác tại Viện Văn học, các nhà nghiên cứu, giảng dạy văn học trong cả nước có cơ hội gặp gỡ, công bố và chia sẻ những thành quả nghiên cứu khoa học mới.
Hội thảo tập trung thảo luận ở 02 Tiểu ban với các vấn đề chính: Những thành tựu, kinh nghiệm và định hướng nghiên cứu văn học ở Việt Nam trong bối cảnh mới; Những vấn đề mới (về phương pháp tiếp cận, về việc đánh giá những hiện tượng văn học mới, về các di sản văn học…vv) trong nghiên cứu văn học Việt Nam và văn học nước ngoài; Mối quan hệ giữa nghiên cứu văn học ở Viện Hàn lâm với thực tiễn giảng dạy ở các trường Đại học; Vấn đề đổi mới giảng dạy và đào tạo văn học trong nhà trường trong bối cảnh mới.
Sau Hội thảo, Ban Tổ chức dự định lựa chọn các tham luận đạt chất lượng để xuất bản Kỷ yếu Hội thảo.