Những vị tiên thời hậu Hùng Vương
Hình tượng các vị tiên trên gương đồng hay các tranh lụa thời Tần Hán mang đặc điểm, ý nghĩa riêng của quan điểm Đạo giáo đương thời và trở thành nguồn mẫu cho những biểu tượng tiên nhân, tiên nữ trong tín ngưỡng và mỹ thuật dân gian Việt thời cận đại.
Năm 257 trước Công Nguyên, Tần Chiêu Tương Vương diệt nhà Đông Chu, chấm dứt chế độ phong kiến phân quyền kéo dài hơn 800 năm của Trung Hoa. Năm 221 trước Công Nguyên, Tần Thủy Hoàng lên ngôi xưng Hoàng đế, khởi đầu cho thời kỳ thiên hạ thống nhất, quản lý hành chính theo chế độ quận huyện từ trung ương xuống địa phương.
Văn hóa tín ngưỡng tôn giáo trên toàn cõi trời Đông cũng theo đó có một bước tiến đáng kể. Từ giai đoạn trăm nhà đua tiếng của Bách gia chư tử thời Chiến Quốc tới thời Tần tín ngưỡng nổi bật lên là Tiên đạo, điển hình với câu chuyện Tần Thủy Hoàng cho người ra biển Đông để tìm thuốc Tiên trường sinh bất tử. Hình tượng Tiên trong thời kỳ Tần Hán do đó mang tư tưởng Đạo giáo một cách sâu sắc, mà nền tảng căn bản của nó là học thuyết Âm Dương Ngũ Hành. Tới cuối thời Đông Hán sang thời Tam Quốc thì Đạo Giáo đã trở thành một tôn giáo với hệ thống thần điện hoàn chỉnh trong phong trào Ngũ đấu mễ do Trương Đạo Lăng khởi xướng và nối tiếp bởi anh em Trương Giác, Trương Lương, Trương Bảo trong khởi nghĩa Khăn Vàng.
Trên vùng đất Việt khi đó trào lưu thống nhất thiên hạ và hoàn thiện Đạo Giáo có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống văn hóa tín ngưỡng của người dân. Chính vùng ven biển Đông trên miền Bắc Việt là nơi Tần Thủy Hoàng Đế đã gặp vị Thiên Tuế Ông Yên Kỳ Sinh để cầu thuốc trường sinh. Dấu vết của tiên ông Yên Kỳ Sinh nay là ngọn núi Yên Tử, mang tên của vị Đạo sĩ thời Tần này.
Năm 207 trước Công Nguyên, Triệu Vũ Đế lập nước Nam Việt, xưng đế ngang với nhà Tây Hán, văn hóa Nam Việt khi đó có xu hướng tiếp nối nền văn hóa trống đồng Đông Sơn thời nước Âu Lạc của An Dương Vương. Tuy nhiên, nhà Triệu làm chủ phương Nam không được lâu. Năm 111 trước Công Nguyên, Hiếu Vũ Đế tấn công kinh đô Phiên Ngung, nhà Triệu nước Nam Việt sụp đổ.
Hậu quân của nhà Triệu theo thừa tướng Lữ Gia về xây dựng căn cứ kháng chiến trường kỳ chống lại nhà Tây Hán tại vùng đất tổ Phong Châu. Lữ Gia ở nhiều di tích tại đây, như ở Linh Tiên Quán (Hoài Đức), được thờ như một vị Đạo sĩ tu tiên, luyện tiên đan. Đạo Giáo ở phương Nam do đó vẫn tiếp tục phát triển dưới thời Nam Việt, tuy có thể không cùng màu sắc so với Đạo Giáo ở phương Bắc đương thời.
Bắt đầu từ Hiếu Vũ Đế, phần đất Nam Việt nằm trong cùng một thể chế quốc gia với miền Bắc Trung Hoa nên tôn giáo ở đất Việt lúc này có cùng chung một bầu không khí phát triển với Đạo Giáo ở phương Bắc. Di tích lưu tồn của thời kỳ này đến nay là những mộ xây gạch, được gọi là mộ kiểu Hán, gặp ở rất nhiều nơi, với quy mô mộ lớn và đồ tùy táng nhiều ở khắp miền Bắc nước ta, từ Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam…
Di vật tiêu biểu thể hiện quan điểm tôn giáo tín ngưỡng thời kỳ này là những chiếc gương đồng được chôn theo người chết trong mộ. Những chiếc gương đồng trong mộ Hán không đơn thuần là đồ trang sức cá nhân, mà mục đích chính của việc khắc họa hình ảnh các vị thần tiên Thượng giới lên gương là nhằm siêu độ, dẫn đường cho linh hồn người chết về với cõi Tiên bất sinh bất diệt.
Có thể kể đến những vị tiên tiêu biểu của thế giới Thần Tiên thời kỳ hậu Hùng Vương như sau.
Nữ Oa – Phục Hy
Trên các bức bích họa thời Hán, cặp thần tiên tối cổ Nữ Oa - Phục Hy được thể hiện dưới dạng hình người thân rắn, cuộn đuôi vào nhau. Trên tay của Nữ Oa và Phục Hy có thể nâng Mặt trăng và Mặt trời hay cầm thước đo thẳng và thước đo cong. Đây đều là biểu tượng của hai yếu tố Âm và Dương trong Lưỡng nghi.
Tại khu mộ cổ khổng lồ Nghi Vệ ở Bắc Ninh được khai quật từ thời Pháp trong số các gương đồng đã phát hiện có một chiếc gương thể hiện cặp thần tiên thân rắn khá đặc biệt. Hình tượng người rắn tương tự còn gặp trên những tấm lụa phủ liệm quan tài cùng thời kỳ.
Hình tượng Nữ Oa - Phục Hy còn lưu truyền tới nay trong văn hóa dân gian Việt dưới hình ảnh của cặp thần Ông Đùng - Bà Đà trong lễ hội ở nhiều nơi. Ngay tranh dân gian Đông Hồ cũng có bức vẽ hình Tứ tượng, thể hiện hình 2 đứa trẻ quay đầu ngược nhau và thân quấn lấy nhau. Đây là một cách thể hiện khác của cặp thần tiên Nữ Oa và Phục Hy, bởi theo nguyên lý của Dịch học Lưỡng nghi Âm Dương sinh ra Tứ tượng.
Hình tiên thân rắn còn gặp trên bức chạm ở một ngôi đình nổi tiếng xứ Đoài Hà Tây xưa là đình Tây Đằng. Bên mé hữu của đình trên xà ngang có bức chạm 2 vị tiên cầm hoa sen với thân rắn dài, có vảy. Hai vị tiên này đứng chầu vào giữa, là nơi có 2 vị tiên khác, một đang ôm rắn và một đang ôm cá. Hai vị tiên ở giữa bức chạm Tây Đằng là 2 vị thần chủ của tiên giới: Tây Vương Mẫu và Đông Vương Công.
Tây Vương Mẫu – Đông Vương Công
Theo quan niệm trong Tiên đạo, các vị tu hành đắc đạo thành Tiên, trước hết đều phải đến bái kiến đấng Đông Vương Công, rồi sau đó đến bái kiến đấng Tây Vương Mẫu. Tây Vương Mẫu còn là biểu tượng của sự Bất tử, đi liền cùng với hình thỏ ngọc giã thuốc, điều chế Tiên dược.
Tây Vương Mẫu theo mô tả của Sơn Hải kinh là người có thân hổ, chủ tọa ở núi Côn Lôn. Còn Đông Vương Công, vị thần ngự ở biển Đông, gắn với hình Rồng, con thần thú của hướng Đông. Chính vì thế có gương đồng thể hiện hình 2 vị tiên này cùng hình Long - Hổ ở 2 bên.
Cũng trên chiếc gương đồng phát hiện ở mộ cổ Nghi Vệ nói trên còn có hình người thân hổ ở giữa gương. Đây là hình Tây Vương Mẫu, thần chủ của núi Côn Lôn. Hình ảnh Tây Vương Mẫu và Đông Vương Công còn lưu truyền trong văn hóa dân gian như hình người ôm rắn và người ôm hổ được chạm ở trên phần nóc của đình Tây Đằng.
Các chân nhân
Trên gương đồng thời Hán thường bắt gặp các vị tiên Vương Tử Kiều, Xích Tùng Tử, là những vị chân tiên đắc đạo trường thọ. Đặc điểm biểu hiện của các chân nhân trên gương đồng là có thân hình nhỏ mảnh, mọc lông hay mọc cánh, cưỡi hay đang chăm sóc các thần thú có hình dạng nửa rồng nửa hổ nửa chim với các tên gọi như Phi liêm, Ác lai, Tịch tà.
Quan niệm thành tiên được thể hiện trong cuốn Bão phác tử luận tiên của Cát Hồng, vị huyện lệnh huyện Câu Lậu trên miền Bắc Việt vào thời Tấn. Cát Hồng dẫn sách Tiên kinh cho biết, tiên nhân được chia thành ba thứ bậc: "Người bậc trên bay thân hình lên trời là Thiên tiên. Người bậc giữa lên núi cao du ngoạn là Địa tiên. Người bậc dưới sau khi chết thoát xác gọi là Giải tiên".
Quan niệm về cách thức lên núi đắc đạo thành tiên thường được thể hiện trên phần minh văn của các gương đồng thời Hán. Ví dụ, minh văn điển hình trên gương ghi: Lên núi Thái thấy Thần nhân; Ăn táo ngọc, uống nước suối; Cưỡi giao long vượt mây trôi.
Các tiên nhân khi tu tiên đạo thì không ăn ngũ cốc, lên núi uống nước suối, thân thể chỉ còn lại xương cốt, khi thành tiên sẽ cưỡi rồng, cưỡi hổ mà hóa tiên.
Tại mộ Nghi Vệ còn gặp một bức bích đồng hình tròn, ở trên có thể hiện hình Long - Hổ với tiên nhân cưỡi hổ. Hình tiên nhân gầy, có lông vũ được thể hiện rất rõ. Đây là tiền đề cho các hình tượng tiên có cánh và tiên cưỡi rồng rất phổ biến sau này trong điêu khắc dân gian ở các đình đền miếu mạo thời Lê Nguyễn. Ý nghĩa của việc thân hình người biến thành hình vật hay cưỡi linh vật là chỉ người đã đắc tiên đạo, thoát được xác phàm, trở thành tiên nhân bất tử. Khi đó ranh giới giữa "người" và "vật" đã không còn nên các tiên nhân đều có hình dạng biến hóa. Trên các tranh lụa liệm quan tài thời Hán còn vẽ các tiên nhân ở trong các hình dạng thân người đầu cáo, hay mang cánh chim, mỏ chim… rất dị thường.
Ngũ Đế Thiên Hoàng
Trong Đạo Giáo thời Hán - Tam quốc có 5 vị thần cai quản 5 hướng gọi là Ngũ Đế Thiên Hoàng. Lão Tử trung kinh viết, tên của các thần Ngũ Đế là:
- Thần phương Đông tên là Câu Mang Tử, hiệu là Văn Thủy Hồng Nhai Tiên Sinh, là Đông phương Thương đế, Đông Hải quân;
- Thần phương Nam tên là Chúc Dung Tử, hiệu là Xích Tinh Thành Tử, là Nam phương Xích đế, Nam Hải quân;
- Thần phương Tây phương tên là Nhục Thu Tử, hiệu là Hạ Lý Hoàng Công; là Tây phương Bạch đế, Tây Hải quân;
- Thần phương Bắc tên là Ngu Cường Tử, hiệu là Huyền Minh Tử Xương, là Bắc phương Hắc đế, Bắc Hải quân.
- Thần Trung ương tên là Hoàng Thường Tử, hiệu là Hoàng Thần Bành Tổ, là Trung ương Hoàng đế quân.
Ngũ Đế ứng với Ngũ phương và Ngũ sắc, là những dạng biểu hiện của Ngũ hành. Đặc biệt Ngũ Đế cũng là các vị "thủy thần" mà được gọi là "Hải quân" của 4 miền biển Đông Tây Nam Bắc.
So sánh với đạo Tam Tứ phủ ở Việt Nam thì Ngũ Đế Thiên Hoàng của Đạo Giáo chính là Ngũ vị Tôn Quan trong ban Công đồng Tứ phủ. Các vị quan lớn Tứ phủ cũng là 5 vị thủy thần trấn trị 5 phương, ứng đúng với 5 màu của Ngũ sắc. Có nơi như đình Mai Xá (xã Song Mai, Kim Động, Hưng Yên) thờ 5 vị thủy thần thời Hùng Vương, trong đó có Câu Mang Đại Vương, là tên của Đông phương Thanh đế - Đông Hải quân trong Ngũ Đế.
Trên gương đồng thời Hán đúc hình các vị thần này còn có chữ Quân nghi cao quan, thể hiện phép tắc về thứ bậc quan chức, hay tương đương với khái niệm "Công đồng" trong Tứ phủ. Chính chữ "quan" này là trong tên của Ngũ vị Tôn Quan.
Trùng liệt thần
Thời Tam Quốc phổ biến loại gương đồng mang tên "Trùng liệt thần" (đa thần), với 3 lớp thần tiên được khắc họa trên gương. Một gương đồng như vậy đã được tìm thấy ở khu khảo cổ Óc Eo - Ba Thê, là di tích mới được công nhận là di sản văn hóa thế giới năm 2022. Thời kỳ này cũng là thời kỳ Đạo giáo ở Trung Hoa đi vào hoàn chỉnh nên hệ thống thần điện của Đạo thể hiện trên gương đồng cũng trở nên đầy đủ nhất.
Thần điện theo phong cách trùng liệt thần với các vị thần được xếp thành các lớp, các phủ, là quan niệm tín ngưỡng được gặp trong các tranh thờ của nhiều dân tộc ở miền Bắc nước ta như người Dao, người Tày, người Cao Lan… và trong chính hệ thống tín ngưỡng Tứ phủ ngày nay của người Kinh.
Những chiếc gương đồng thời Lưỡng Hán như những bức tranh toàn cảnh về đạo Thần Tiên lưu truyền hậu thế, để lại những hình mẫu về các tiên nhân cho tín ngưỡng và mỹ thuật truyền thống Việt ở thời cận đại cũng như cho tới nay.