Những yếu tố tác động đến giá dầu tuần qua

Giá dầu đã phục hồi khỏi mức thấp nhất trong 9 tháng vào sáng thứ Sáu (6/9), một ngày sau khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) quyết định hoãn việc tăng nguồn cung trong 2 tháng nữa và một báo cáo cho thấy tồn kho dầu của Mỹ giảm mạnh. Tuy nhiên, nhu cầu dầu có thể vẫn ở mức thấp nhất sau khi có báo cáo cho thấy trong tháng trước Mỹ tạo ra ít việc làm hơn so với dự kiến.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Giá dầu West Texas Middle (WTI) giao tháng 10 đã tăng 0,38 USD lên 69,53 USD sau khi giảm vào ngày hôm trước, xuống mức thấp nhất kể từ giữa tháng 12 năm ngoái. Giá dầu Brent giao tháng 11 tăng 0,28 USD lên 72,97 USD, sau khi chạm mức thấp nhất kể từ tháng 6/2023.

Sự tăng giá này diễn ra sau 4 phiên giảm. Tuy nhiên, quyết định hôm thứ Năm (5/9) của OPEC+ về việc trì hoãn việc tăng nguồn cung trên thị trường và báo cáo từ Cơ quan Thông tin Năng lượng của Mỹ về sự sụt giảm của kho dự trữ dầu đã giúp cải thiện giá dầu.

8 quốc gia OPEC+ đã quyết định duy trì sản lượng hiện tại cho đến ngày 1/12. Quyết định này không tạo ra sự tăng giá mạnh mẽ nhưng giúp giảm bớt những lo ngại tiêu cực về giá dầu.

Tuy nhiên, trọng tâm vẫn là nhu cầu khi nền kinh tế của hai nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc tiếp tục chậm lại. Tuần này, Trung Quốc thông báo lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu đang tiếp tục suy giảm.

Vào thứ Sáu (6/9), Cục Thống kê Lao động Mỹ báo cáo rằng nước này đã tạo thêm 142.000 việc làm trong tháng trước, tăng so với mức 114.000 trong tháng 6, nhưng thấp hơn kỳ vọng là tăng 161.000 việc làm.

Báo cáo cho thấy nền kinh tế nước này đang chậm lại, làm gia tăng kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ giảm lãi suất trong cuộc họp của Ủy ban Chính sách vào cuối tháng, hiện đang ở mức cao nhất trong 23 năm.

Nh.Thạch

AFP

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/nhung-yeu-to-tac-dong-den-gia-dau-tuan-qua-717081.html